2.2. Tổ chức quyền lực Nhà nước ở Việt Nam qua các bản hiến pháp
2.2.5. Hiến pháp 2013
Ngoài những tiến bộ trong quy định về quyền con người thì Hiến pháp 2013 đã có bước tiến bộ quan trọng trong quy định về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Ngoài việc kế thừa quy định của Hiến pháp 1992 về phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước, tại Hiến pháp 2013 đã bổ sung quy định quan trọng đó là, có sự "kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" [32, Điều 2]. Đây là một trong những nguyên tắc nền tảng về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Bởi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là một tất yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Để kiểm soát được quyền lực nhà nước, đòi hỏi phải hình thành cơ chế bao gồmkiểm soát quyền lực nhà nước ở bên trong bộ máy nhà nước, giữa ba quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp và trong nội bộ mỗi quyền vàkiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài- kiểm soát của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và cá nhân công dân. Với nhận thức đó, kiểm soát quyền lực nhà nước được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các chương của Hiến pháp sửa đổi. Đó là cơ sở để hình thành cơ chế nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước mà mình đã trao cho mỗi quyền. Đây cũng là cơ sở hiến định để sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân,… nhằm phát huy vai trò của kiểm soát quyền lực nhà nước.
Dựa trên nguyên tắc này, bộ máy nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiệnquyền lập hiến, lập pháp,quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Chính phủ được Hiến pháp khẳng định không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội, mà còn là cơ quan thực hiệnquyền hành pháp. Việc bổ sung vị trí và vai trò mới này của Chính phủ trong tổ chức bộ máy nhà nước vừa phản ánh nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, vừa chỉ rõ, Chính phủ không chỉ là cơ quan chấp hành của Quốc hội nhằm tạo cho Chính phủ có đầy đủ vị thế và thẩm quyền độc lập, chịu trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.
Tòa án nhân dân không những được quy định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Hiến pháp năm 1992, mà còn được khẳng định là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp” [32, Điều 102]. Quy định mới này chẳng những thống nhất với nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước ta
nhà nước một cách mạch lạc, mà còn nhằm đề cao trách nhiệm của tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp. Từ nay, công bằng và công lý của quốc gia được thể hiện tập trung nhất bằng quyền xét xử của tòa án; xã hội và nhân dân sẽ có địa chỉ cụ thể để tham gia xây dựng và giám sát việc thực thi quyền tư pháp mà nhân dân đã giao phó, ủy quyền.
Vai trò và nhiệm vụ của tòa án nhân dân cũng như vai trò và nhiệm vụ của viện kiểm sát nhân dân có sự điều chỉnh, thể hiện tư duy mới trong Hiến pháp sửa đổi. Đối với tòa án nhân dân, Hiến pháp đã đưa lên hàng đầu vai trò và nhiệm vụ
“bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” [32, Điều 102], sau đó mới quy định “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” [32]. Đối với viện kiểm sát nhân dân, nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ hàng đầu là “bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, sau đó mới quy định “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” [32, Điều 107]. Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 không phân biệt sự khác nhau giữa vai trò, nhiệm vụ của tòa án và viện kiểm sát; cả hai đều có chung một nhiệm vụ:
Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của công dân, bảo vệ tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân [32, Điều 126].
So sánh với quy định của hai bản Hiến pháp, có thể thấy Hiến pháp sửa đổi đã có một nhận thức mới về vai trò và nhiệm vụ của hai thiết chế tòa án và viện kiểm sát. Nhận thức mới này hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của công cuộc xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trong đó quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt nhất bằng việc thực hiện quyền tư pháp.
nước trong thời kỳ mới, Hiến pháp sửa đổi đã quy định một cách khái quát về mô hình chính quyền địa phương, làm cơ sở hiến định để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau này cụ thể hóa. Theo đó, Hiến pháp quy định:
Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định [32, Điều 111].
Hiến pháp sửa đổi quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề khó khăn và phức tạp. Bởi kiểm soát quyền lực nhà nước, một mặt, là để phòng, chống sự tha hóa và lạm dụng quyền lực nhà nước, nhưng mặt khác, làm sao để không phải vì kiểm soát quyền lực nhà nước mà làm mất đi tính năng động, mềm dẻo cần phải có trong thực hiện chức năng của Nhà nước. Vì thế, vấn đề cơ bản của kiểm soát quyền lực nhà nước là làm cho bộ máy nhà nước vừa có khả năng kiểm soát được xã hội, lại vừa không kém phần quan trọng là buộc Nhà nước phải tự kiểm soát được chính mình. Do vậy, sau Hiến pháp, dựa trên cơ sở Hiến pháp, Nhà nước sẽ ban hành các đạo luật để xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách phù hợp. Đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được cấu thành bởi các chủ thể kiểm soát không phải là Nhà nước (như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp là nhân dân) và cơ chế do các chủ thể ở bên trong Nhà nước tự kiểm soát lẫn nhau. Đây cũng chính là cơ sở hiến định để chúng ta tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay bằng việc hoàn thiện các thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước.
Như vậy, Hiến pháp 2013 là bước tiến bộ quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, bảo đảm cho bộ máy nhà nước