Phạm tội có tổ chức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong luật hình sự việt nam (Trang 50 - 53)

Khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp phạm tội thông thường, vì chúng thể hiện sự câu kết chặt chẽ của những người phạm tội. Sự câu kết chặt chẽ thể hiện ở cả trong mặt khách quan và chủ quan của tội phạm, về mặt khách quan phạm tội có tổ chức thường có số đông người tham gia vào việc thực hiện tội phạm, có sự phân công vai trò chặt chẽ trong hoạt động phạm tội, mỗi người phạm tội thực hiện công việc nhất định do người chủ mưu, cầm đầu giao cho, đồng thời hỗ trợ hoạt động của những người đồng phạm khác; về mặt chủ quan, những người phạm tội có tổ chức có sự thống nhất tư tưởng, ý chí, quyết tâm phạm tội cao. Dự thảo Thông tư ngày 16-3-1973 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an hướng dẫn thống nhất nhận thức về Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, đã đưa ra khái niệm phạm tội có tổ chức:

Phải xuất phát từ đặc điểm tình hình phạm tội ở nước ta mà hiểu thế nào là phạm tội có tổ chức. Đây là một hình thức cộng phạm của hai hay nhiều người:

- Trong đó có một hoặc một số tên cầm đầu, hoặc một số tên đóng vai trò chủ chốt, cùng nhau bàn bạc trước về việc thực hiện một hoặc nhiều tội phạm nào đó, thủ đoạn phạm tội thường là tinh vi, xảo quyệt, vai trò của từng tên phân công giữa bọn chúng trong nhiều trường hợp có thể không dứt khoát, rõ ràng.

- Hoặc lợi dụng hay nấp dưới danh nghĩa một tổ chức công khai để bàn bạc nhau về việc thực hiện tội phạm; hoặc có khi chúng không bàn bạc nhau trước, nhưng do quan hệ công tác hàng ngày

nên hiểu ý đồ nhau rồi cùng hành động phạm tội, mặc nhiên cấu kết nhau chặt chẽ [5, tr. 239].

Trong dự thảo Thông tư này, hình thức phạm tội có tổ chức được phân biệt với hình thức cộng phạm thông thường ở ba điểm: Hình thức cộng phạm thông thường không có sự bàn bạc, phân công chặt chẽ trước; không có vai trò cầm đầu hoặc chủ chốt; thủ đoạn phạm tội đơn giản. Tổng kết thực tiễn xét xử của nước ta, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Nghị quyết số 02 ngày 16-11-1988, đã nêu lên một số dấu hiệu cơ bản của tội phạm có tổ chức như sau:

a. Những người phạm tội có cấu kết chặt chẽ với nhau tham gia một tổ chức phạm tội: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ, trộm, cướp…

b. Cùng nhau phạm tội nhiều lần theo kế hoạch đã thống nhất trước; hoặc chỉ phạm tội một lần nhưng cùng theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm [9, tr. 76].

Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tình tiết phạm tội có tổ chức thường được thể hiện dưới dạng hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc cùng nhau phạm tội nhiều lần theo kế hoạch đã thống nhất từ trước. Ví dụ: tại bản án hình sự sơ thẩm số 06/HSST ngày 10-01-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định các bị cáo Bùi Ngọc Th, Nguyễn Lai H đều là những thanh niên không có nghề nghiệp, từ bỏ gia đình, sống lang thang, câu kết chặt chẽ với nhau trong việc mua xe máy của những đối tượng trộm cắp với giá rẻ, làm giả đăng ký xe, chứng minh nhân dân, rồi mang đến hiệu cầm đồ đặt vay tiền và bỏ luôn xe lại. Vụ án bị phát hiện Bùi Ngọc Th, Nguyễn Lai H đã đưa cán bộ Công an thu được 5 xe đã đặt tại 5 hiệu cầm đồ. Ngoài số xe đã bị thu giữ trong vụ án

này, Th còn khai nhận đã chủ mưu tiêu thụ nhiều xe máy khác, nhưng không nhớ cụ thể số lượng, bán ở đâu. Trong vụ án này, Bùi Ngọc Th là người khởi xướng, cầm đầu và thực hiện tích cực hành vi phạm tội, nên phải chịu trách nhiệm chính của vụ án. Cả hai bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết phạm tội có tổ chức được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999.

- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp phạm tội của những người chuyên sống bằng nghề trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có... Khái niệm lưu manh chuyên nghiệp đã được đề cập từ lâu trong báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 1971 của Tòa án nhân dân tối cao: "Coi là lưu manh chuyên nghiệp những tên chuyên lấy việc trộm cắp, lừa đảo, chứa chấp, tiêu thụ của gian hoặc lấy các hoạt động phi pháp khác làm nguồn sống chính, hoặc tuy có nghề nghiệp nhưng đó không phải là nguồn sống chính, có khi chỉ là để ngụy trang" [5, tr. 247].

Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự. Tại mục 5 của Nghị quyết có hướng dẫn về tình tiết "Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" như sau:

Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính [7]. Trên cơ sở hướng dẫn trên đây, thì hành vi phạm tội của các bị cáo Bùi Ngọc Th, Nguyễn Lai H phải thuộc trường hợp có tính chất chuyên

nghiệp, bởi lẽ các bị cáo lấy các lần tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong luật hình sự việt nam (Trang 50 - 53)