3.3. Giải pháp kiến nghị
3.3.3. Những vấn đề chính trong quá trình cải tổ
Mở rộng thành viên Hội đồng bảo an: So với thời điểm 1945, khi Liên
hiệp quốc được thành lập, bối cảnh quốc tế mới đã có nhiều thay đổi, chiến tranh thế giới cũng như chiến tranh lạnh đã kết thúc, quan hệ quốc tế chuyển sang xu thế đối thoại, các nước bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai đã trở thành các cường quốc, đóng góp nhiều cho hòa bình, an ninh quốc tế nhưng lại không phải là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an (điển hình là Nhật Bản với mức đóng góp lớn thứ nhì cho ngân sách thường niên của Liên hiệp quốc chiếm 19,5%; tiếp đó là Đức với mức đóng góp nhiều thứ ba chiếm 8,7%; Anh chiếm 6,1% và Pháp 6%) – Vấn đề cải tổ Liên hiệp quốc trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay, Đinh Quý Độ, 2007 [8]. Bên cạnh đó, những mối đe dọa mới như nội chiến, tranh chấp, khủng bố đang xuất hiện đe dọa hòa
bình và an ninh quốc tế. Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần một Hội đồng bảo an hoạt động chủ động và hiệu quả hơn để đẩy mạnh hòa bình và an ninh thế giới. Trong khi cơ cấu của Hội đồng bảo an với 15 thành viên và phương thức vận hành theo nguyên tắc nhất trí của 5 nước thường trực không hề thay đổi trong suốt 60 năm qua thì số lượng thành viên Liên hiệp quốc đã tăng từ 51 nước ban đầu lên 193 nước. Thực tế cho thấy, cơ chế và thành phần đó là không dân chủ và không phản ánh được sự tiến triển của hệ thống thế giới với sự nổi lên của các cường quốc khu vực mới (như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…) và sự gia tăng cả về số lượng và vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự kinh tế quốc tế. Như vậy, cơ cấu thành phần của Hội đồng bảo an dựa trên tương quan lực lượng và hiện thực của thời điểm vừa kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đã không còn mang tính đại diện cho tương quan quốc tế về quyền lực và tầm ảnh hưởng của các quốc gia ngày nay. Do đó, mở rộng thành viên của Hội đồng bảo an để thích ứng vớ một thế giới mới là yêu cầu thực tế khách quan.
Cải tổ quyền phủ quyết (veto) Quyền phủ quyết được coi là công cụ
quan trọng nhất của các nước thành viên thường trực (P5) trong việc thực hiện duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Quyền này đồng thời cũng được thừa nhận như một công cụ để bảo vệ quyền lợi của các nước lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng quyền phủ quyết trong 60 năm qua không thật sự đáp ứng được những mong muốn của Liên hiệp quốc, có phần bị lạm dụng và tỏ ra không phù hợp với nguyên tắc công bằng. Đi liền với vấn đề cải tổ thành phần Hội đồng bảo an có cả vấn đề tăng hay hạn chế quyền phủ quyết cho các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an. Tính đến năm 2007, quyền phủ quyết đã được sử dụng 261 lần, trong đó Nga 123 lần, Mỹ 82 lần, chiếm 3/4 tổng số. Nhiều lần quyền phủ quyết được sử dụng không đúng với mục tiêu đề ra. Ví dụ khoảng 1/4 số lần sử dụng quyền phủ quyết (59/261) là để bác bỏ việc cho
một nước mới trở thành thành viên, tập trung vào những năm đầu thành lập, thực sự không liên quan gì đến duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 43 lần veto (1/6) được sử dụng để ngăn chặn việc giới thiệu ứng viên chức vụ Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Quyền phủ quyết các thành viên thường trực Hội đồng bảo an cần có sự thay đổi theo hướng giảm tính tuyệt đối: Để bác bỏ một quyết định cần có phiếu phủ quyết của từ hai đến ba thành viên thường trực thay vì một phiếu duy nhất như hiện nay. Cải cách này cũng đảm bảo tăng cường tính dân chủ trong hoạt động của Hội đồng bảo an.
Cải tổ phương thức làm việc: Yêu cầu của dân chủ hóa và minh bạch
hoạt động của Hội đồng bảo an Bên cạnh việc mở rộng cơ cấu thành viên, yếu tố trọng yếu để có thể thích ứng với tình hình hiện nay là làm cho Hội đồng bảo an mang tính hiệu quả, công khai, minh bạch hơn, nhất là về phương thức làm việc. Sau hơn 60 năm kể từ khi thành lập, quy trình hoạt động của Hội đồng bảo an còn mang nặng tính “tạm thời” và chủ tịch Hội đồng thì thay đổi luân phiên theo tháng. Các hoạt động của Hội đồng bảo an còn mang tính “đóng”, thiếu cơ chế kiểm soát và giải trình trách nhiệm. Quyền tham dự các cuộc họp của Hội đồng bảo an theo quy định Điều 35 và Điều 37 Hiến chương Liên hiệp quốc chỉ có thể được thực hiện khi Hội đồng bảo an tiến hành họp công khai và mở rộng thành phần tham dự. Tuy nhiên, lấy lý do là phức tạp hoặc cho rằng các vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng nên Hội đồng bảo an còn tiến hành khá thường xuyên các cuộc họp kín, loại bỏ những nước không phải là thành viên Hội đồng bảo an được quyền tham gia các cuộc họp Hội đồng bảo an. Vấn đề còn không minh bạch hơn nữa khi 5 thành viên thường trực họp riêng rẽ (không có các thành viên khác của Hội đồng bảo an) trong khi họ đưa ra những giải pháp và quyết định có hiệu lực ảnh hưởng đến hầu hết các công việc còn lại của Hội đồng. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng không thỏa mãn với báo cáo hàng năm của Hội đồng bảo an trình lên Đại hội đồng bởi nó chưa
kịp thời, thiếu thông tin, nhất là sự phân tích cũng như cơ hội để các thành viên góp ý và đưa ra kiến nghị. Cải tiến phương thức làm việc của Hội đồng bảo an theo cơ chế mở và minh bạch hơn là điều cần thiết. Hội đồng bảo an nên tăng cường những hình thức họp công khai với sự tham gia đông đảo của các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, tăng cường những hình thức họp cho phép các bên liên quan và các bên quan tâm đến vấn đề mà Hội đồng bảo an giải quyết được nêu ý kiến và tham gia tranh luận. Biện pháp này có tác dụng gia tăng áp lực đối với các ủy viên Hội đồng bảo an, hạn chế việc họ lợi dụng hoạt động của Hội đồng vì lợi ích cá nhân của mình. Song song với đó là giảm bớt các phiên họp kín, với thành phần hạn chế.
Cải tổ mối quan hệ giữa Hội đồng bảo an với các cơ quan khác của
Liên hiệp quốc. Hiện nay, Hội đồng bảo an được giao thẩm quyền rất lớn,
quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đời sống kinh tế nhưng trách nhiệm của nó lại không tương xứng với quyền lực được trao. Rất khó để có thể truy cứu trách nhiệm của ủy viên Hội đồng bảo an, nhất là các ủy viên thường trực khi họ đưa ra những quyết định sai trái hay các giải pháp không hiệu quả. Cần phải có cơ chế kiềm tỏa và chế ước quyền lực dường như vô hạn này. Chẳng hạn như cơ chế cho phép Đại hội đồng xem xét lại các nghị quyết và quyết định của Hội đồng bảo an trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cho phép Đại hội đồng đánh giá hiệu quả hoạt động và có những biện pháp đòi hỏi Hội đồng bảo an phải có những động thái tích cực hơn về một số tình huống và tranh chấp cụ thể. Bên cạnh đó cần nâng cao vai trò của Ban Thư ký, đặc biệt là Tổng thư ký và Tòa án công lý đối với hoạt động của Hội đồng bảo an. Đã đến lúc cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch và dân chủ hơn trong các mối quan hệ này.