Thực hiện cơ chế công bố công khai thông tin về ô nhiễm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của cộng đồng đối với việc giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường (Trang 122 - 125)

2. CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN TẰNG CƯỜNG VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA

2.6. Thực hiện cơ chế công bố công khai thông tin về ô nhiễm

Cộng đồng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình giám sát tuân thủ, họ vừa có khả năng giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm, vừa hỗ trợ các cán bộ quản lý môi trường trong việc phát hiện vi phạm, trong nhiều trường hợp, họ lại đóng vai trò quyết định trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm, buộc các đối tượng phải tuân thủ những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong nhiều trường hợp, do sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến ô

nhiễm và môi trường nên dẫn đến những khiếu kiện, phản ánh không chính xác từ phía cộng đồng. Một trong những nguyên nhân chính làm cho người dân thiếu hiểu biết về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường nơi họ sinh sống là họ không được tiếp cận một cách đầy đủ với những thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường nơi họ sinh sống, thông tin về luật pháp liên quan đến bảo vệ môi trường.

Cơ quan quản lý môi trường muốn các cộng đồng cùng tham gia trong các quá trình theo dõi và giám sát tuân thủ luật về bảo vệ môi trường thì cần phải cung cấp đầy đủ và kịp thời tất cả những thông tin cần thiết về ô nhiễm và môi trường của địa phương đó cho người dân. Doanh nghiệp muốn có được sự ủng hộ của người dân để họ không gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất của mình thì cũng cần phải sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin về các hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mình để họ hiểu rõ được thực chất của vấn đề. Như vậy, có thể thấy rõ được vai trò của công tác “Phổ biến công khai thông tin môi trường cho cộng đồng” như một công cụ hỗ trợ tích cực trong các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường.

Nhưng để công tác “Phổ biến thông tin môi trường cho cộng đồng” thực sự có hiệu quả cần tìm hiểu kỹ về trình độ, hiểu biết và tập quán của các cộng đồng liên quan để có các phương thức truyền thông thích hợp. Bên cạnh đó, việc tạo nên một diễn đàn chung cho các doanh nghiệp – cộng đồng – các nhà quản lý môi trường cùng nhau trao đổi và thảo luận về các phương thức bảo vệ môi trường, tránh định kiến về “sự đối đầu giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và các nhà bảo vệ môi trường” là rất cần thiết. Cần làm cho tất cả các bên hiểu được rằng bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn đem lại lợi ích cho tất cả các bên (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp). Trong cách tiếp cận mới này, chúng ta cần phải hiểu rằng sẽ rất khó đạt được những mục tiêu bảo vệ môi trường nếu thiếu sự cộng tác chặt

chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên: doanh nghiệp - cộng đồng – cơ quan quản lý môi trường.

Với cách tiếp cận nói trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế công khai thông tin về môi trường cho cộng đồng, trong quy định những vấn đề cụ thể như sau:

– Các loại thông tin về môi trường cần được công khai, bao gồm: chất lượng môi trường tại các khu vực đông dân cư; các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường nghiêm trọng; báo cáo hiện trạng môi trường cấp quốc gia, địa phương; danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọn; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường v.v.; – Quy trình công khai thông tin về môi trường cho cộng đồng, bao gồm các giai đoạn: thu thập và tổng hợp các thông tin về môi trường, phân tích và xử lý thông tin, các hình thức công khai thông tin và trình tự tiến hành, xử lý các thông tin phản hồi từ cộng đồng;

– Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc công khai thông tin về môi trường cho cộng đồng, bao gồm trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng được nêu trong thông tin về môi trường được công khai; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân làm công tác truyền thông; trách nhiệm của cộng đồng dân cư nhận được thông tin.

Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả Quy chế công khai thông tin về môi trường cho cộng đồng cần triển khai đồng bộ các nội dung sau đây:

– Xây dựng mạng lưới các cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình cung cấp, lưu trữ, chia sẻ và công khai thông tin về môi trường nhằm tạo điều kiện để có thể dễ dàng truy cập tới các nguồn thông tin về môi trường nhiều hơn nữa thông qua mạng lưới các trung tâm thông tin môi trường quốc gia.

– Tăng cường năng lực của các bên thu thập, cung cấp thông tin về môi trường (năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn, số lượng nguồn) thông qua việc áp dụng các công nghệ thông tin thích hợp; xây dựng cơ sở vật chất đủ mạnh để triển khai các hoạt động thu thập, xử lý và công khai thông tin về môi trường cho cộng đồng; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, lưu giữ và công khai thông tin về môi trường; xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, lưu giữ thông tin môi trường quốc gia.

2.7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của cộng đồng đối với việc giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường (Trang 122 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)