hệ với vốn điều lệ trong công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay
3.1.1. Gia tăng thường xuyên các ngành, nghề phải có vốn pháp định trong khi có một số ngành nghề không cần thiết trong khi có một số ngành nghề không cần thiết
Ở Việt Nam, vốn pháp định được hiểu là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Đó còn được hiểu như là một biện pháp kiểm tra khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp (solvency test)
[61]. Trước hết, cần khẳng định, việc quy định về vốn pháp định là việc làm cần thiết để nhằm tạo ra sự an toàn cho xã hội và đảm bảo trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp trước đối tác và chủ nợ. Vì thực chất những ngành nghề như kinh doanh tiền tệ - tín dụng, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán trên thế giới nhiều quốc gia cũng đã và đang áp dụng mức vốn pháp định, ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy vậy, cũng cần phải xem xét đến việc quy định cần phải có vốn điều lệ của ngành nghề kinh doanh nào là hợp lý. Từ khi LDN 1999 ra đời thì chỉ còn 4 ngành nghề là kinh doanh tiền tệ - tín dụng, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán và kinh doanh vàng bạc là có quy định vốn pháp định (riêng ngành kinh doanh vàng bạc thì từ năm 2005 quy định về vốn điều lệ đã chính thức bãi bỏ). Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2000 đến ngày 30/6/2006 thực chất chỉ tồn tại 3 - 4 ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2006 đến nay, khi bắt đầu triển khai thi hành LDN 2005, cùng với đó là nhiều đạo luật chuyên ngành khác cũng được ban hành thì bên cạnh ba ngành nghề kinh doanh tiền tệ - tín dụng, kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh chứng khoán như đề cập trên các ngành nghề khác như dịch vụ đòi nợ thuê, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển hàng không, kinh doanh bất động sản, kinh doanh sản xuất phim, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thiết lập mạng viễn thông… đã được chính thức bổ sung phải có vốn pháp định cho những doanh nghiệp
thành lập mới và đã thành lập và tiếp theo danh sách các ngành nghề kinh doanh cần phải có vốn pháp định lại tiếp tục được bổ sung thêm ngày càng dài và có những ngành, nghề kinh doanh không thực sự cần thiết để quy định mức vốn tối thiểu phải đáp ứng. Các ngành nghề đó nhà đầu tư đã kinh doanh, đã thành lập doanh nghiệp nhưng không phát sinh các vấn đề lớn liên quan đến vốn của doanh nghiệp thì có cần thiết phải đặt ra quy định mới về vốn pháp định không, khi mà điều này dễ gây nên những xáo trộn lớn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của rất nhiều doanh nghiệp. Ví dụ như dịch vụ bảo vệ, dịch vụ đòi nợ thuê phải có vốn điều lệ ít nhất là 2 tỷ đồng, và quy định chỉ được phép dùng số vốn tối thiểu 2 tỷ này để kinh doanh một dịch vụ duy nhất là bảo vệ, đòi nợ thuê trong khi đây lại là ngành nghề dịch vụ, không đòi hỏi chi phí lớn, như vậy vô hình chung quy định khắt khe này đã tạo ra rào cản làm cho các nhà đầu tư không mấy mặn mà đối với ngành, nghề kinh doanh đang rất thịnh hành trong nền kinh tế này, do đó đặt ra câu hỏi, có cần phải quy định mức vốn tối thiểu đối với loại hình kinh doanh ngành nghề này hay không? Quy định này còn làm cho các nhà đầu tư hoài nghi liệu rằng quy định điều kiện về vốn pháp định như vậy có phải được sử dụng để tạo lực cản cho nhà đầu tư gia nhập thị trường hay không, trong khi xu hướng hiện nay pháp luật doanh nghiệp của hầu hết các nước đều khuyến khích các nhà đầu tư gia nhập thị trường nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Sự gia tăng các ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định ở Việt Nam cũng gây nhiều lo ngại cho doanh nghiệp đồng thời đi ngược lại tiến trình cải cách thủ tục hành chính mà Nhà nước đang tiến hành hiện nay. Bởi song song với quy định vốn pháp định đó thì hàng loạt các thủ tục hành chính liên quan đến vốn pháp định sẽ gắn chặt với doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có thêm nhiều loại giấy tờ khi thành lập bằng các phương thức khác nhau như xác nhận của ngân hàng về số dư trên tài khoản, đem báo cáo tài chính
của doanh nghiệp đi kiểm toán hoặc phải có chứng thư định giá của công ty định giá chuyên nghiệp.
3.1.2. Mức vốn pháp định không có tính ổn định
Về cơ bản, vốn pháp định ở Việt Nam chỉ áp dụng trong những ngành, nghề kinh doanh cụ thể do văn bản dưới luật chuyên ngành điều chỉnh quy định cụ thể mức vốn, không như đa phần các nước khác là vốn pháp định áp dụng theo loại hình doanh nghiệp và được điều chỉnh cụ thể trong văn bản luật về doanh nghiệp. Trong khi đó, ở nhiều nước, vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp lại có cách tiếp cận khác, đó là quy định vốn pháp định áp dụng theo từng loại hình doanh nghiệp, hoặc một mức thống nhất cho doanh nghiệp, chứ không áp dụng theo từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể như tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các dẫn chứng sau: Ở Phần Lan, vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp mà quốc gia này quy định chung là 2.500 euro. Ở Hàn Quốc, một công ty cổ phần trong lĩnh vực đầu tư phải có vốn tối thiểu 1 tỷ won. Ở Đức, thành lập CTCP phải có tối thiểu là 50.000 euro. Ở Anh Quốc, thành lập công ty cổ phần thì phải có tối thiểu 50.000 euro và ít nhất ¼ trong số đó phải được thành toán đủ khi thành lập. Ở Pháp, để thành lập CTCP thì phải có ít nhất 37.000 euro. Ở Nga, vốn điều lệ để thành lập một CTCP đóng là 10.000 RUP, tương đương khoảng 300 đô la Mỹ, vốn điều lệ để thành lập một CTCP mở là 100.000 RUR, khoảng 3.000 đô la Mỹ [32]. Việc quy định cụ thể và quy định trong các văn bản luật như vậy giúp cho việc đăng ký kinh doanh và góp vốn đầu tư của nhà đầu tư được ổn định lâu dài. Mặc dù ở Việt Nam, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định cụ thể điều kiện đó như thế nào lại là phần việc được giao rải rác cho các văn bản luật chuyên ngành khác nhưng nhiều hơn cả là giao cho các văn bản dưới luật. Với quy trình việc xây dựng văn bản dưới luật như hiện nay thì việc thay đổi mức vốn điều lệ của một ngành nghề kinh doanh
nào đó có vẻ như là khá dễ dàng. Như trường hợp điều chỉnh vốn pháp định trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi vì các quy định này đều nằm trong các Nghị định của Chính phủ nên sự thay đổi diễn ra hết sức chóng vánh, khiến cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tỏ ra hết sức lúng túng từ con số 50 (70) tỷ đồng theo Nghị định 82/1998/NĐ-CP lên 1.000 tỷ đồng theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP rồi đến 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 141/2006/NĐ-CP, dự kiến còn có thể tăng lên đến 5.000 tỷ và có thể là 10.000 tỷ đồng theo định hướng của Chính phủ, các quy định này đã gây xáo trộn lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, làm cho cung cầu tiền tệ trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo hàng loạt các thủ tục hành chính mà lẽ ra chúng phải được giảm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như: doanh nghiệp phải làm thủ tục xin phép Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho phát hành chứng khoán để tăng vốn trên thị trường chứng khoán, phải làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương thức tăng vốn, phải làm đơn xin lùi thời hạn tăng vốn pháp định nếu như tạm thời chưa đáp ứng được mức vốn yêu cầu. Hơn nữa, việc quy định vốn pháp định và thay đổi mức vốn nhiều lần trong thời gian ngắn cũng gây bức xúc cho doanh nghiệp. Điều đó thể hiện chính sách thiếu nhất quán mang tính lâu dài trong công tác quản lí nhà nước cho vấn đề vốn pháp định. Chính việc quy định vốn pháp định trong các văn bản dưới luật cũng dẫn đến hệ quả là so với nhiều nước trên thế giới thì vốn pháp định ở Việt Nam không có tính ổn định cao bằng, đó là điều tất yếu.
3.1.3. Vấn đề giám sát, quản lý doanh nghiệp trong việc duy trì mức vốn pháp định chưa được quy định cụ thể vốn pháp định chưa được quy định cụ thể
Việc quy định hàng loạt các ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định như trên cũng đặt ra vấn đề giám sát, quản lý doanh nghiệp duy trì mức vốn trong những ngành nghề đó sau đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều điều
phải bàn về tính hiệu quả của nó. Cơ quan nào có chức năng giám sát mức vốn trên của doanh nghiệp? Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu Tư? Nếu nhà đầu tư gian dối lách luật bằng cách vay mượn tiền để đủ số vốn pháp định nhằm thành lập doanh nghiệp, sau khi xong thủ tục lại rút ra trả lại cho chủ nợ thì giải quyết sao. Hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp bị phát hiện và xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trên. Đến thời điểm này, hầu hết ở các địa phương trong quá trình triển khai thi hành LDN và các Luật chuyên ngành khác có liên quan đến vốn pháp định đều hết sức lúng túng trong khâu quản lý, kiểm tra và xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm mức vốn pháp định và cách thức quản lý doanh nghiệp trong những ngành nghề này.
Thực tiễn này đã đặt các nhà hoạch định chính sách pháp luật liên quan đến doanh nghiệp ở Việt Nam phải xem xét, đánh giá lại quy định vốn pháp định để các quy định này thực sự phát huy được hiệu quả trên thực tế chứ không phải là rào cản cho quyền tự do kinh doanh của người dân như dẫn chứng trên đã phân tích.
3.1.4. Một số kiến nghị
Các thực trạng trên dẫn đến yêu cầu các nhà làm luật phải sớm có biện pháp hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp nói chung và quy định vốn pháp định nói riêng trong thời gian tới để vốn pháp định tồn tại có thực chất, là công cụ bảo vệ lợi ích của bạn hàng và chủ nợ của công ty.
Trong thời gian tới, khi cần quy định về vốn pháp định, chúng tôi kiến nghị: Nhà nước cần phải tiếp thu ý kiến phản biện của xã hội để đảm bảo những quy định về vốn pháp định thực sự khoa học và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Cần nghiên cứu, đánh giá, phân tích một cách toàn diện và sâu sắc việc đưa một ngành, nghề kinh doanh nào đó vào danh mục cần có vốn pháp định, điều này sẽ khắc phục được tình trạng quy định về vốn pháp
định tràn lan không cần thiết. Mặt khác, doanh nghiệp chỉ lo đối phó các quy định đó, còn cơ quan chức năng lại lơ là trong công tác hậu kiểm, làm giảm tính hiệu quả của pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến phát huy nội lực trong nhân dân. Đồng thời, các quy định về mức vốn pháp định là bao nhiêu cũng cần được nghiên cứu cẩn thận, chắc chắn, hợp lý đối với từng ngành nghề, mang tính dự báo để ít có sự thay đổi, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh đang ổn định của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, dựng chế tài pháp luật đủ mạnh để răn đe và ngăn ngừa hiện tượng vi phạm các quy định nêu trên, là công cụ để quản lý hiệu quả vấn đề vốn pháp định. Bởi đặt ra quy định mà không có cơ chế kiểm soát thì chắc chắn việc thực thi sẽ không hiệu quả. LDN tuy đã có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không hoạt động sau đăng ký, nhưng trên thực tế, điều này vẫn chưa được thực hiện tốt.