Qua 9 vòng đàm phán (bắt đầu từ năm 1996 và kết thúc và tháng 7/1999) Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã được ký kết vào tháng 7/2000 tại Hoa Kỳ. Hiệp định này đã được hai viện Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Việt Nam kỳ họp thứ X, Quốc hội Khoá X (tháng 12.2001) phê chuẩn. Hiệp định đã có hiệu lực sau khi hai quốc gia trao đổi tài liệu phê chuẩn vào ngày 11/12/2001.
“Quyền sở hữu trí tuệ” là một trong 7 Chương của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Chương II). Ba nguyên tắc sau đây đã được áp dụng cho việc xây dựng phương án đàm phán và tiến hành đàm phán:
Thứ nhất: Các cam kết của Việt Nam về nghĩa vụ SHTT với Hoa Kỳ không vượt quá các cam kết đã được đề ra trong Hiệp định TRIPS-WTO.
Thứ hai: Các cam kết của Việt Nam về nghĩa vụ SHTT với Hoa Kỳ mà không thuộc phạm vi của Hiệp định TRIPS không được vượt qua các cam kết phổ biến của các nước khác trong các Hiệp định song phương mà Hoa Kỳ đã ký kết với các nước đó, đặc biệt là những nước có điều kiện tương tự như Việt Nam.
Thứ ba: Hiệp định phải thể hiện điều kiện cụ thể của các Bên ký kết, tức là thể hiện hoàn cảnh khó khăn và trình độ kém phát triển của Việt Nam so với Hoa Kỳ [53].
Các cam kết cơ bản về SHTT trong khuôn khổ Hiệp định là:
- Mỗi bên dành sự bảo hộ quyền SHTT cho công dân của Bên kia như dành cho công dân của mình (nguyên tắc NT);
- Hệ thống bảo hộ quyền SHTT phải bao gồm 8 đối tượng: (i) quyền tác giả và quyền liên quan; (ii) tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa; (iii) nhãn hiệu hàng hóa; (iv) sáng chế; (v) thiết kế bố trí mạch tích hợp; (vi) thông tin bí mật; (vii) kiểu dáng công nghiệp và (viii) giống thực vật;
- Mức bảo hộ quyền SHTT tối thiểu phải đạt các tiêu chuẩn quy định trong Chương II và trong các điều ước quốc tế tương ứng;
- Hệ thống bảo đảm thực thi quyền SHTT phải bao gồm các biện pháp chế tài và các thủ tục dân sự, hình sự và hành chính, theo tiêu chuẩn quy định trong Chương
Chương II gồm 18 điều khoản với nội dung tóm tắt như sau:
Điều 1: Mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và phạm vi của các nghĩa vụ: Mục tiêu
của Hiệp định là các Bên phải bảo hộ, thực thi đầy đủ và có hiệu quả quyền SHTT; Nguyên tắc bảo hộ SHTT là phải bảo đảm mục tiêu phát triển công nghệ và không cản trở hoạt động thương mại hợp pháp; Phạm vi các nghĩa vụ là các Bên phải thực hiện các điều khoản trong Chương II của Hiệp định này và các điều khoản mang tính chất nội dung của 5 Công ước đa phương về SHTT.
Điều 2: Các định nghĩa: Định nghĩa các thuật ngữ được sử dụng trong Chương
II.
Điều 3: Đối xử quốc gia: Mỗi Bên phải dành cho công dân của Bên kia chế độ
đối xử như đối xử với công dân của mình. Được loại trừ áp dụng nguyên tắc này là các thủ tục liên quan đến thực thi quyền SHTT và các thủ tục về xác lập và duy trì quyền SHTT quy định trong các thỏa ước đa phương được ký kết dưới sự bảo trợ của WIPO.
Điều 4: Quyền tác giả và quyền liên quan: Chủ sở hữu các tác phẩm phải được
dành đầy đủ các quyền theo quy định của Công ước Berne. Thời hạn bảo hộ các tác phẩm có thời hạn bảo hộ không tính theo đời người không được dưới 75 năm. Chủ thể quyền đối với bản ghi âm có quyền cho phép hoặc cấm sao chép, phát hành công khai lần đầu tiên bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, cho thuê bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm. Quyền làm bản sao, truyền phát chương trình biểu diễn của người được bảo hộ.
Điều 5: Bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã mã hóa: Mỗi bên phải
quy định các biện pháp chế tài dân sự, hành chính và hình sự để bảo đảm chủ thể phát tín hiệu mang chương trình đã mã hóa truyền qua vệ tinh có quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác thu và phân phối tín hiệu, sản xuất và phân phối thiết bị giải mã tín hiệu.
Điều 6: Nhãn hiệu hàng hóa: Chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa có quyền ngăn
cấm người khác sử dụng mọi dấu hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình. Hệ thống xác lập quyền phải bao gồm đầy đủ các thủ tục thuận lợi cho người nộp đơn. Việc sử dụng là điều kiện duy trì đăng ký. Thời hạn đăng ký ít nhất là 10 năm và gia hạn nhiều lần, mỗi lần ít nhất 10 năm.
Điều 7: Sáng chế (patent): Sáng chế thuộc hầu hết các lĩnh vực công nghệ đều
được bảo hộ (trừ 1 số lĩnh vực quy định tại khoản 2). Chủ sở hữu patent có quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng patent của mình, có quyền chuyển nhượng,
để thừa kế sáng chế của mình. Li-xăng không tự nguyện đối với sáng chế phải tuân theo những điều kiện chặt chẽ, đảm bảo quyền chủ sở hữu và lợi ích xã hội. Thời hạn bảo hộ patent không dưới 20 năm kể từ ngày nộp đơn.
Điều 8: Thiết kế bố trí mạch tích hợp: Mỗi bên phải dành cho chủ sở hữu thiết
kế bố trí mạch tích hợp quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác làm bản sao, nhập khẩu hoặc phân phối thiết kế bố trí đã được bảo hộ hoặc một vật phẩm chứa mạch tích hợp nếu mạch đó chứa đựng thiết kế bố trí bị sao chép một cách bất hợp pháp. các Bên không cấp li-xăng không tự nguyện đối với mạch tích hợp. Thời hạn bảo hộ không dưới 10 năm.
Điều 9: Bí mật thương mại (Thông tin bí mật): Mỗi Bên phải dành chủ sở hữu
bí mật thương mại quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác tiếp cận, bộc lộ hoặc sử dụng bất hợp pháp thông tin đó mà không có sự đồng ý của mình. Các dữ liệu trong các đơn xin phép lưu hành dược phẩm và nông hóa phẩm được bảo vệ bí mật.
Điều 10: Kiểu dáng công nghiệp: Mỗi bên phải dành cho chủ sở hữu kiểu dáng
công nghiệp quyền cấm hoặc cho phép chế tạo, bán, phân phối dưới các hình thức khác hoặc nhập khẩu các sản phẩm mang hoặc thể hiện kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, nếu đó là các hành vi mang tính chất thương mại. Ngoại lệ đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không được ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường kiểu dáng công nghiệp. Thời hạn bảo hộ ít nhất là 10 năm.
Điều 11: Thực thi quyền SHTT: Mỗi bên phải tuân thủ các nguyên tắc chung về
thực thi quyền SHTT. Mỗi Bên quy định trong luật quốc gia của mình các thủ tục, biện pháp để bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả quyền SHTT. Các thủ tục này phải đủ để ngăn chặn vi phạm xảy ra và không gây cản trở thương mại hợp pháp.
Điều 12: Các thủ tục và chế tài dân sự và hành chính: Các thủ tục, chế tài dân sự
và hành chính để bảo hộ quyền SHTT phải rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ SHTT thực thi quyền của mình. Quyền của chủ SHTT nhỏ được bảo vệ bằng các khoản bồi thường ấn định trước. Cơ quan xét xử có quyền loại khỏi các kênh thương mại hàng hóa vi phạm hoặc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm nếu gây thiệt hại cho chủ SHTT.
Điều 13: Các biện pháp tạm thời: Mỗi Bên phải quy định các biện pháp tạm thời
để tạo điều kiện cho cơ quan bảo đảm thực thi quyền SHTT ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT và bảo vệ chứng cứ liên quan đến hành vi bị khiếu kiện. Các thủ tục này phải được thực hiện theo những điều kiện nhất định để không bị lạm dụng, gây cản trở thương mại hợp pháp.
Điều 14: Các thủ tục hình sự và hình phạt: Các thủ tục, hình phạt hình sự, điều kiện thực hiện các thủ tục, hình phạt hình sự để bảo hộ quyền SHTT. Các thủ tục và hình phạt này phải được áp dụng ít nhất đối với hành vi làm giả nhãn hiệu hàng hóa và vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan với quy mô thương mại. Các biện pháp tiêu hủy, tịch thu hàng hóa xâm phạm có thể được áp dụng khi cần thiết.
Điều 15: Thực thi quyền SHTT tại biên giới: Các Bên có nghĩa vụ quy định các
thủ tục và điều kiện thực hiện các thủ tục này để bảo hộ có hiệu quả quyền SHTT tại biên giới. Khi có nghi ngờ hàng hóa nhập khẩu xâm phạm quyền của mình, chủ SHTT có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan hải quan tạm giữ hàng hóa. Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và việc ách hàng phải tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt để không ảnh hưởng đến thương mại hợp pháp. Người yêu cầu phải nộp tiền bảo đảm để bảo vệ quyền lợi của người có hàng bị giữ.
Điều 16: Các đối tượng đang tồn tại: Các Bên phải bảo hộ các đối tượng SHTT
đang tồn tại vào thời điểm Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.
Điều 17: Hợp tác: Hoa Kỳ có nghĩa vụ dành cho Việt Nam sự giúp đỡ kỹ thuật
để thi hành các cam kết trong Chương này. Sự trợ giúp nhằm vào việc tăng cường chế độ bảo hộ quyền SHTT. Sự trợ giúp kỹ thuật sẽ được cung cấp theo các điều kiện do hai Bên thỏa thuận, nhằm tăng cường hệ thống các văn bản pháp luật và năng lực của hệ thống thực thi quyền SHTT.
Điều 18: Quy định chuyển tiếp: Các thời hạn chuyển tiếp cần thiết để Việt Nam
chuẩn bị điều kiện thi hành các nghĩa vụ liên quan đến từng đối tượng SHTT trong Chương này. Thời hạn này đủ để Việt Nam thực hiện được các cam kết của mình. Thời hạn ngắn nhất là 12 tháng và dài nhất là 30 tháng tính từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhìn chung, đa số các điều khoản về SHTT trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đều tương tự như các điều khoản tương ứng của Hiệp định TRIPS. Một vài nội dung có trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ nhưng không nằm trong TRIPS đều có trong các Hiệp định mà Hoa Kỳ đã ký với các nước khác và triển vọng sẽ được bổ sung vào TRIPS, cụ thể là: Bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa; kéo dài thời hạn bảo hộ đến 75 năm cho các tác phẩm có thời hạn bảo hộ không tính theo đời người (theo TRIPS thời hạn này chỉ là 50 năm). Ngoài ra, theo đề nghị của ta, phía Hoa Kỳ đã phải cam kết trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam nhằm tăng cường chế độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT để hoàn thành các nghĩa vụ theo tinh thần của Hiệp định.
Trong quá trình đàm phán Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ muốn đưa nội dung: chống nhập khẩu song song và bảo hộ patent hồi tố vào Hiệp định và phía Hoa Kỳ đã phải chấp nhận.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng một chương trình hành động về SHTT để thi hành các cam kết được nêu trong Hiệp định. Nội dung chính của chương trình này là:
- Xúc tiến các thủ tục gia nhập Điều ước quốc tế đa phương về SHTT do Hiệp định quy định:
Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép;
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Công ước Brussel về bảo hộ tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh;
Công ước UPOV về bảo hộ giống thực vật mới.
- Ban hành văn bản pháp luật mới và sửa đổi văn bản pháp luật hiện hành về SHTT.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy để thi hành các cam kết trong Chương II sau thời gian chuyển tiếp.