Thực trạng của người sống chung với HIV hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống phân biệt đối xử với người sống chung với HIV ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 28)

1.1. Bối cảnh của vấn đề nhiễm HIV

1.1.3. Thực trạng của người sống chung với HIV hiện nay

Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV/AIDS khá phổ biến. HIV/AIDS có tất cả các đặc điểm của những căn bệnh bị kỳ thị nhất. Những đặc điểm này bị liên hệ với quan hệ tình dục sai trái, tiêm chích ma túy như những hành vi bị xã hội lên án và được coi là lỗi của cá nhân người bệnh. AIDS là căn bệnh nan y và luôn gắn liền với “một cái chết không mong muốn”. Mọi người thường có suy nghĩ sai lầm rằng bệnh này dễ lây lan qua tiếp xúc và nó là mối đe dọa cho cộng đồng. Những người dân, thậm chí là các nhân viên y tế, không được thông báo một cách đầy đủ và thiếu sự hiểu biết sâu về HIV và AIDS. Chính vì vậy, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người sồng chung với HIV/AIDS là một thử thách lớn cần phải giải quyết.

UNAIDS định nghĩa về sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS như sau: Sự kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS được mô tả như một “quá trình mất giá” của những người sống chung hoặc có quan hệ với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị này thường có nguồn gốc từ kỳ thị mại dâm và tiêm chích ma túy là hai con đường thông dụng nhất dẫn đến lây nhiễm HIV.

Sự phân biệt đối xử đi sau kỳ thị là việc đối xử không công bằng đối với một người nào đó do bị nhiễm hoặc do cảm tưởng là người đó bị nhiễm HIV. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vi phạm đến các quyền cơ bản của con người, ở các cấp độ khác nhau từ chính trị đến kinh tế, xã hội, tâm lý và thể chế.

Một khi có sự kỳ thị thì người ta thường muốn làm ngơ trước tình trạng thực sự hoặc có thể nhiễm HIV của mình. Điều này dẫn đến nguy cơ làm cho bệnh tật tiến triển nhanh hơn đối với bản thân họ cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV sang những người khác.

Phân biệt đối xử là thái độ, hành động làm mất thể diện hoặc không tôn trọng, đối xử không công bằng một cách thiếu căn cứ đối với một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó. Kỳ thị, phân biệt đối xử có thể dẫn đến những định kiến, hành vi hoặc hành động làm tổn thương người khác. Với những người sống chung với HIV/AIDS đó là sự coi thường, xa lánh, từ chối và trừng phạt họ. Phân biệt đối xử hình thành trên cơ sở xã hội, do đó cần có những giải pháp mang tính xã hội để chống lại nó nhằm thay đổi thái độ và hành vi.

Theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS: “Phân biệt đối xử với người nhiễm

HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV”.

Phân biệt đối xử với người sống chung với HIV/AIDS là bất cứ một hành vi, hành động nhằm phân biệt, trừng phạt, phỉ báng, hạn chế quyền của người nhiễm hoặc người liên quan chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Kỳ thị nói về thái độ còn phân biệt đối xử nói về hành động cụ thể đối với người sống chung với HIV. Phân biệt đối xử là hệ quả của sự kỳ thị.

Phân biệt đối xử là một trong những rào cản lớn nhất cho việc tiếp cận tới các dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe. Phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV đồng nghĩa với “cái chết” về mặt xã hội, khi người nhiễm HIV bị chính những người thân trong gia đình, cộng đồng và các quan hệ xã hội của mình cô lập và chối bỏ. Nhiễm HIV đồng nghĩa với việc mất việc làm, bị chối bỏ các quyền, bị bạo hành, bị các dịch vụ y tế, xã hội từ chối hỗ trợ, khó tiếp cận được với các dịch vụ trợ giúp pháp lý. Hãy thử hình dung nếu chính chúng ta hay những người thân trong gia đình chúng ta cũng bị tước đoạt những quyền cơ bản đó ?

Phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, còn khiến HIV lây lan nhanh chóng hơn trong cộng đồng, khi người nhiễm HIV e sợ những gì người khác nghĩ về họ, hoặc sợ người khác có thể sẽ đối xử tệ với mình, thì họ không muốn đi xét nghiệm hay sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Do vậy, họ có thể vô tình lây truyền HIV sang những người thân của mình không hay biết. Một người chồng có thể lây truyền HIV cho vợ, người vợ ấy có thể truyền HIV sang đứa con mà họ sẽ sinh. Như vậy, đáng lẽ ban đầu chỉ một người nhiễm HIV nhưng chính do sự phân biệt đối xử, kỳ thị đã làm lây truyền ra nhiều người vô tội khác. Nhiều người bị nhiễm HIV còn từ chối hoặc trì hoãn tiếp cận dịch vụ y tế. Đã có nhiều hoàn cảnh của những người nhiễm HIV đã chấp nhận đi xa khỏi nơi mình sinh sống để được nhận dịch vụ chăm sóc và điều trị của những cán bộ y tế hoàn toàn xa lạ, cốt để tránh bị lộ danh tính tại cơ sở y tế nơi người đó cư trú. Họ chỉ chịu tham gia điều trị khi bệnh đã quá nặng và không thể giấu được các triệu chứng.

Những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới hay người bán dâm còn phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nặng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống phân biệt đối xử với người sống chung với HIV ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)