2.1. Chính sách, pháp luật của Việt Nam về phòng, chống phân biệt
2.1.1. Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền bình đẳng của
đẳng của con người và của người sống chung với HIV/AIDS.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng: Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ và đảm bảo thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người
Một là, Nhân dân là chủ thể của quyền, bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa:
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và
bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân”. Điều 2, Hiến pháp năm 2013
quy định: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân
dân, vì Nhân dân”. Nhân dân là chủ nhân của đất nước, tất cả quyền lực nhà
nước thuộc về Nhân dân. Như vậy, Nhân dân là chủ thể của quyền và việc bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù, được thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc: Quá trình hình
thành, phát triển quyền con người có tính phổ biến toàn nhân loại, chứ không phải là phát hiện đặc thù riêng của phương Tây. “Quyền con người là thành
quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”.
Con người thể hiện và khẳng định quyền của mình thông qua các mối quan hệ xã hội cụ thể. Vì thế, quyền con người, một mặt là giá trị phổ biến của nhân loại, bao hàm những quyền và nguyên tắc được áp dụng phổ biến ở mọi noi, mọi đối tượng. Mặt khác, quyền con người còn mang tính đặc thù của mỗi giai cấp, dân tộc và quốc gia theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa và truyền thống dân tộc. Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động về quyền con người năm 1993 khẳng định: “Tất cả các quyền con
người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, thì các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các tự do cơ bản”.
Do đó, nhất thiết không thể đối lập tính phổ biến với tính đặc thù của quyền con người và ngược lại. Trong bối cảnh thế giới hiện đại, quan điểm kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù còn là cơ sở phương pháp luận khoa học để nhận thức và giải quyết đúng các vấn đề cụ thể về quyền con người trong quan hệ quốc gia và quốc tế. Đây là phương châm cơ bản để bảo đảm hội nhập trong lĩnh vực nhân quyền.
Ba là, bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia: Quyền của quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường phát triển và chủ
quyền quốc gia là những quyền phổ biến được thừa nhận trong pháp luật quốc tế. Việc thực hiện các giá trị phổ quát của quyền con người cơ bản diễn ra trong quá trình chuyển hóa hay nội luật hóa pháp luật quốc tế trong pháp luật quốc gia. Ở nước ta, các giá trị phổ quát của quyền con người đã được thể chế hóa trong Hiến pháp.
Việc đảm bảo quyền con người theo phương châm trên giúp mỗi cá nhân được đảm bảo các quyền dân chủ, tự do cơ bản. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cá nhân không được tách rời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cộng đồng. Bảo đảm quyền con người trên cơ sở chủ quyền quốc gia, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nhân quyền quốc tế, như quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác...để loại trừ mưu toan lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” trên con đường phát triển đất nước.
Mặt khác, các tiêu chí nhân quyền của Liên Hợp quốc trong nhiều trường hợp bị chi phối hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tiêu chí nhân quyền của các nước phương Tây. Vì thế, nhằm thực hiện các giá trị phổ quát của quyền con người trên cơ sở chủ quyền quốc gia, Việt Nam chủ động và tích cực đối thoại, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, vừa giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về thành tựu, quan điểm và giá trị nhân quyền của nước ta, vừa là cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc chuyển hóa pháp luật quốc tế về nhân quyền vào pháp luật trong nước. Từ đó góp phần bảo đảm tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam, cũng như đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, gồm cả quyền tập thể và quyền cá nhân: Quyền gắn liền với nghĩa vụ, giới hạn quyền do luật định, trên cơ sở xác định rõ chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền. Đảng và Nhà nước luôn thừa nhận quyền con người là thuật ngữ
độc lập với thuật ngữ quyền công dân. Các Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Hiến pháp năm 2013, các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội luôn nhất quán phân định rõ quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp 2013 quy định về hạn chế quyền nhằm đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân một cách minh bạch, tránh sự cắt xén hay hạn chế quyền này một cách tùy tiện. Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có nghĩa vụ
tôn trọng quyền của người khác; Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Để đảm bảo quyền con người trong thực tế, việc
thể chế hoá thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền có ý nghĩa rất quan trọng. Đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam xác định và thể chế hóa nghĩa vụ của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân; đồng thời xác định và thể chế hóa quyền của người dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, nhằm ràng buộc nghĩa vụ của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Khoản 2, Điều 119, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp
do luật định”. Đây là quy định có tính nguyên tắc nhằm thiết lập cơ chế bảo
vệ Hiến pháp, trong đó có các quyền con người đã được hiến định một cách hiệu quả.
Năm là, quyền con người gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Theo C.Mác, quyền “không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ kinh tế đó quyết định”. Do đó, không thể thúc đẩy nhân quyền bằng mọi giá, mà phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Chỉ như vậy mới không làm tổn hại đến bản thân các quyền con người. Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng trong giải quyết các vấn đề về quyền con người, nhằm tránh tình trạng chủ
quan, duy ý chí trong việc xây dựng pháp luật, cũng như tình trạng lạc hậu của pháp luật so với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
Sáu là, bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền, có ưu tiên quyền của các nhóm yếu thế, thiểu số và quyền phát triển: Tất cả các quyền đều gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau và không thể phân chia, mọi chủ thể của quyền (cá nhân, nhóm xã hội, giới tính, dân tộc, chủng tộc...) đều có quyền ngang nhau trong việc thụ hưởng, phát triển quyền. Vì thế, về nguyên tắc, phải đảm bảo quyền ngang nhau của mọi quyền và đảm bảo quyền ngang nhau của tất cả các chủ thể quyền. Những yếu tố bình đẳng trong việc bảo đảm quyền con người từng bước được kết hợp, thẩm thấu vào việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của các chủ thể quyền khác nhau trong xã hội.
Trên cơ sở đó, ở mức độ nhất định, thực hiện sự ưu tiên bảo đảm quyền phát triển và an sinh xã hội, nhất là của nhóm yếu thế và thiểu số. Việc ưu tiên như vậy nhằm thúc đẩy việc đảm bảo quyền ngang nhau về mặt pháp luật đối với các chủ thể quyền trên tất cả các lĩnh vực quyền.
Bảy là, quyền con người được đảm bảo bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Dân chủ là quyền lực xã hội của con người, được thể chế hóa cơ bản theo nguyên tắc bảo đảm quyền công dân và quyền con người nói chung. Quyền con người phải thông qua thể chế dân chủ mới được thực hiện hóa, được mở rộng đảm bảo gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Nhà nước tôn trọng
và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”.
Vấn đề bảo đảm quyền của người sống chung với HIV/AIDS là vấn đề khá mới mẻ ở nước ta. Trước đây, khi đại dịch HIV/AIDS mới xuất hiện, do thiếu hiểu biết về căn bệnh này dẫn tới những đường lối chính sách của Nhà nước còn đi ngược lại với tinh thần của luật nhân quyền quốc tế. Phòng, chống HIV đồng nghĩa với việc cách ly người bệnh, ngay cả cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng, chống HIV cũng có chung nhiệm vụ là phòng chống ma túy và mại dâm. Điều này đã định hướng sai lệch với nhận thức cho cộng đồng về HIV/AIDS. Dần dần, với xu thế phát triển hội nhập, nhận thức của Nhà nước về HIV/AIDS và quyền của người sống chung với HIV được nâng lên rõ rệt. Nhà nước chủ trương công tác phòng, chống HIV/AIDS không đồng nghĩa với cách ly người bệnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thế kỷ này, hỗ trợ người bệnh chăm sóc sức khỏe, điều trị, tiếp cận các biện pháp y tế tiên tiến...Nhà nước đã chủ trương phòng, chống HIV/AIDS đi liền với việc đảm bảo các quyền của người sống chung với HIV. Hàng loạt các chính sách pháp luật được ban hành, có thể kể tới là:
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới;
Kết luận của Ban Bí thư khóa X tại thông báo số 27-TB/TW của Ban Bí thư về so kết Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới;
Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( Luật Phòng, chống HIV/AIDS) ngày 26/6/2006, Quốc hội khóa XI;
Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH2 ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII;
Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội khóa XII;
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII;
Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI;
Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người năm 2006.
Và rất nhiều những văn bản pháp luật khác đã được ban hành với mục đích phòng, chống phân biệt đối xử với người sống chung với HIV tại Việt Nam, điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta khá coi trọng công tác bảo vệ, đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS. Đảng và Nhà nước nhận thức sâu sắc công tác phòng, chống HIV sẽ không đạt được những hiệu quả tích cực, lâu dài nếu không có mối liên hệ với việc đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh những sự cố gắng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn còn nhận thức sai lệch về tầm quan trọng của vấn đề phòng, chống phân biệt đối xử với người sống chung với HIV. Một mặt giữ thái độ tư tưởng bảo thủ, với những suy nghĩ, quan điểm lạc hậu về HIV, mặt khác do sự thờ ơ với vấn đề này nên nhận thức của họ còn khiếm khuyết. Đây là sự ảnh hưởng không hề nhỏ đến
công tác đảm bảo quyền cũng như để thực hiện tốt công tác phòng, chống phân biệt đối xử với người sống chung với HIV tại Việt Nam.
Vấn đề quan tâm đến những nhóm người yếu thế trong xã hội, đảm bảo thực hiện các quyền bình đẳng, chống phân biệt đối xử luôn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng xã hội. Đây cũng là yếu tố thể hiện rõ nét tinh thần nhân đạo cũng như mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới “xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Sự cần thiết của việc phòng, chống phân biệt đối xử xuất phát từ những hậu quả của nó gây ra với những cá nhân, cộng đồng và toàn nhân loại. Về phương diện cá nhân, phòng chống phân biệt đối xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc đảm bảo cho mọi cá nhân được sống trong nhân phẩm và được hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng như được luật pháp quốc tế và quốc gia ghi nhận. Theo nghĩa đó, phòng chống phân biệt đối xử cũng chính là một biện pháp cơ bản để đảm bảo thực thi các quyền con người. Về phương diện cộng đồng, phòng chống phân biệt đối xử đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa và xóa bỏ những nguy cơ gây ra với cộng đồng từ sự hận thù, khủng bố, nổi loạn...Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã cảnh báo: Nếu không xóa bỏ được sự phân biệt đối xử dẫn đến tình trạng người sống chung với HIV/AIDS bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, học tập, quyền tự do đi lại...thì con người không những không hạn chế được đại dịch HIV/AIDS mà còn làm cho dịch HIV ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Phân biệt đối xử đẩy những người sống chung với HIV/AIDS vào bóng tối, tạo ra tâm lý thì địch xã hội, vì thế họ trở nên rất nguy hiểm với cộng đồng.
Do đó, việc chiến thắng đại dịch HIV/AIDS rất cần tinh thần và thái