Trong các sách báo pháp lý của Việt Nam, khái niệm áp dụng pháp luật được đề cập đến trong nhiều tác phẩm với nội dụng có những điểm tương đồng, trên cơ sở đó có thể khái quát như sau: Áp dụng pháp luật là hoạt động có tính tổ chức, quyền lực nhà nước, do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tiến hành căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể [42].
Từ khái niệm như trên, áp dụng pháp luật bao gồm các đặc điểm như sau:
Thứ nhất, áp dụng pháp luật là hoạt động có tính tổ chức, quyền lực nhà nước.
Điều này được thể hiện qua chủ thể tiến hành, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động áp dụng pháp luật bảo lãnh thanh toán và quá trình áp dụng pháp luật, cụ thể:
+ Hoạt động áp dụng pháp luật bảo lãnh thanh toán do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tiến hành và mỗi chủ thể đó cũng chỉ được phép áp dụng pháp luật trong một phạm vi nhất định theo quy định của pháp luật. Ví dụ như chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xét xử để xét xử các tranh chấp giữa các bên khi nhận được đơn khởi kiện hoặc chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp các loại giấy phép kinh doanh, hoạt động cho các tổ chức, cá nhân thực hiện một số hoạt động nhất định.
+ Trong quá trình áp dụng pháp luật, chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể nhân danh quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để ban hành những mệnh lệnh, quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan. Các mệnh lệnh, quyết định này không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể là đối tượng áp dụng, tuy nhiên ý chí đơn phương của chủ thể có thẩm quyền không thể là ý chí cá nhân, tùy tiện mà phải là ý chí được xây dựng trên cơ sở pháp luật, căn cứ vào pháp luật và phù hợp với pháp luật.
+ Áp dụng pháp luật là hoạt động có tính tổ chức rất cao vì nó vừa là hình thức thực hiện pháp luật vừa là hình thức nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện các quy định pháp luật. Vì vậy hoạt động này pháp được tiến hành theo những điều kiện, trình tự, thủ tục rất chặt chẽ do pháp luật quy định. Trình tự, thủ tục này thường khác nhau trong các trường hợp pháp luật khác nhau tùy theo quy định cụ thể của pháp luật, tính chất vụ việc. Ví dụ như trình tự cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp sẽ không giống như trình tự giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch của doanh nghiệp đó.
Thứ hai, áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh cá biệt, cụ thể đối với các quan hệ xã hội hay là hoạt động nhằm cá biệt hóa các quy định pháp luật vào những trường hợp cụ thể, đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể.
Hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành trong các trường hợp sau: + Khi quyền và nghĩa vụ cụ thể của các chủ thể tham gia giao dịch pháp lý không mặc nhiên pháp sinh nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước.
Ví dụ như trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định các tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động cấp tín dụng, trong đó bao gồm cả bảo lãnh thanh toán nhưng các tổ chức tín dụng chỉ được quyền thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán nếu thực hiện xin phép và được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ngân hàng nhà nước.
+ Khi xảy ra tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể mà các bên không tự giải quyết được.
+ Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với các chủ thể vi phạm quy định pháp luật.
+ Khi cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong một số quan hệ pháp luật nhất định theo quy định của pháp luật.