- Rủi ro do lừa đảo và giả mạo
2.2.3.9. Thẩm quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh
Về thẩm quyền ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh, Ðiều 15 Thông tư 28/2012/TT-NHNN quy định như sau:
1. Hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh của bên bảo lãnh phải được ký bởi:
a) Người đại diện theo pháp luật;
b) Người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh; c) Người thẩm định khoản bảo lãnh.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định việc ủy quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, các cam kết bảo lãnh
đối với người đại diện theo pháp luật, người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh cho các chức danh trong hệ thống của mình bằng văn bản hoặc ban hành văn bản quy định thẩm quyền ký các văn bản bảo lãnh phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật.
Có lẽ quy định chặt chẽ nêu trên phát sinh từ sau những tranh chấp liên quan đến các bảo lãnh ngân hàng được cho là ký vượt thẩm quyền của người ký. Tại MB hiện nay, thẩm quyền ký trên các văn kiện bảo lãnh được quy định như sau:
- Người đại diện theo pháp luật: là người được Tổng giám đốc ủy quyền ký cam kết bảo lãnh, hợp đồng cấp bảo lãnh theo thẩm quyền phán quyết;
- Người quản lý rủi ro trong hoạt động bảo lãnh: Trưởng bộ phận hỗ trợ nghiệp vụ hoặc Trưởng/Phó phòng hỗ trợ (hoặc các chức danh tương đương) theo thẩm quyền phán quyết từng thời kỳ;
- Người thẩm định khoản bảo lãnh: Trưởng/Phó phòng Quan hệ Khách hàng tại các đơn vị kinh doanh theo thẩm quyền phán quyết từng thời kỳ [11].
Thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề này hiện nay tại Ngân hàng TMCP Quân đội đang bộc lộ bất cập. Quy định cam kết bảo lãnh phải được ký bởi 3 người là khiên cưỡng, mang tính chữa cháy sau những vụ tranh chấp liên quan đến bảo lãnh giả mạo, bảo lãnh được cho là ký vượt thẩm quyền của người ký nhưng vô hình chung lại gây ra nhiều rủi ro cho bên thụ hưởng, bên được bảo lãnh.
Ví dụ: Tháng 2/2012, Công ty CP Trường Phú ký hợp đồng mua bán dây đồng với Công ty CP Thiên Phú với thư bảo lãnh thanh toán của MB - Chi nhánh Ninh Bình với giá trị bảo lãnh là 26 tỷ đồng. Đến khi Thiên Phú (bên mua hàng) không thể thanh toán, Trường Phú (bên bán hàng) đã yêu cầu
MB- Chi nhánh Ninh Bình thực hiện nghĩa vụ theo chứng thư bảo lãnh nhưng không được chấp nhận do giám đốc Chi nhánh Ninh Bình đã ký phát thư bảo lãnh thanh toán vượt quá thẩm quyền phán quyết được giao (theo văn bản ủy quyền của tổng giám đốc MB cho giám đốc chi nhánh Ninh Bình, giám đốc Chi nhánh Ninh Bình chỉ được đại diện cho MB ký kết trên các văn bản bảo lãnh với trị giá không vượt quá 25 tỷ đồng). Công ty Thiên Phú đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Tòa án Tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tổ chức các buổi hòa giải giữa các bên có liên quan. Căn cứ Điều 146 Bộ Luật Dân sự 2005 " Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện..." và để giữ uy tín trên thị trường, MB Hội sở đã thanh toán số tiền bảo lãnh trị giá 26 triệu đồng cho Công ty CP Thiên Phú theo đúng thư bảo lãnh đã phát hành. Đây là bài học không chỉ cho Ngân hàng TMCP Quân đội mà của các bên có liên quan khi giao kết với bên thứ ba phải tuân thủ chặt chẽ các quy định nội bộ về thẩm định khoản bảo lãnh, thẩm quyền ký kết khoản bảo lãnh để hạn chế tối đa tranh chấp xảy ra giữa các bên, kéo dài thời gian liên quan đến kiện tụng và làm giảm uy tín trên thương trường.