3.2. Giải pháp thực hiện pháp luật bìnhđẳng giới
3.2.2. Tổ chức thực hiện và tuyên truyền giáo dục về pháp luật bình
đẳng giới
Thực tiễn cho thấy pháp luật dù có tốt đến đâu nhưng không được tổ chức thực hiện có hiệu quả và người dân không biết đến thì pháp luật đó cũng vô nghĩa, có pháp luật bình đẳng giới tốt chưa đủ mà còn cần có những hoạt động cụ thể để tổ chức thực hiện đưa pháp luật bình đẳng giới vào đời sống. Mục tiêu của bình đẳng giới là xóa bỏ khoảng cách về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Khi thừa nhận nam nữ có những khác biệt về cả tự nhiên và xã hội thì điều kiện để đạt tới sự bình đẳng là cần phải có các đối xử đặc biệt, thậm chí là các điều kiện ưu tiên dành cho nhóm yếu thế hơn. Cho nên để đạt được bình đẳng giới thực chất thì cần có những biện pháp ưu tiên cho phụ nữ. Cũng chính vì điều này mà nhiều người cho rằng bình đẳng giới đem lại cho phụ nữ nhiều lợi ích hơn.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới trên nhiều lĩnh vực, do đó, tâm lý của người dân là coi việc đấu tranh cho bình đẳng giới đồng nghĩa với đấu tranh cho nữ quyền, đảm bảo bình đẳng giới là bảo vệ phụ nữ. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân để hiểu rõ, hiểu đầy đủ về bình đẳng giới bởi lẽ, đấu tranh cho sự bình đẳng nam, nữ không phải là trách nhiệm của phụ nữ và các cơ quan bảo vệ phụ nữ mà còn là trách nhiệm chung của mỗi công dân và của toàn xã hội. Việt Nam là một nước chịu ảnh
hưởng nhiều từ Nho giáo. Nho giáo coi trọng gia đình, chú trọng xây dựng gia đình nền nếp, gia giáo và giữ lễ. Nho giáo cũng nêu ra bốn đức tính quan trọng của người phụ nữ đó là: Công, dung, ngôn, hạnh. Đó là những nét đẹp truyền thống của phụ nữ trong đó “công” của phụ nữ đã được thừa nhận, đó là phụ nữ có quyền tham gia các công việc gia đình và xã hội, điều đó tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và điều đó cũng thể hiện sự bình đẳng của phụ nữ cũng như việc công nhận các giá trị của người phụ nữ, công nhận nhân phẩm cũng như thừa nhận đây là một trong những nét đẹp truyền thống của phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh đó nho giáo cũng khắt khe đối với người phụ nữ, quy định những trói buộc đối với người phụ nữ như: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nghĩa là ở nhà thì phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết thì phải theo con. Góa chồng sớm thì không được tái giá mà phải thủ tiết chờ chồng. Như vậy, nho giáo đã quy định sự ngặt nghèo của phụ nữ vào nam giới theo đạo “tam tòng”. Trong quan hệ vợ chồng thì “phu xướng, phụ tùy” người phụ nữ không được chủ động mà chỉ làm việc nâng khăn sửa túi cho chồng, làm công việc nội trợ, họ không được tham gia vào việc họ, việc làng, việc nước. Vì thế phụ nữ cũng không được đi học, không được làm quan. Trong hôn nhân, phụ nữ cũng không có quyền tự quyết, họ phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, với chế độ đa thê, phụ nữ phải “lấy chồng chung” và không có quyền bình đẳng với chồng, giữa vợ cả và vợ lẽ cũng không bình đẳng. Phụ nữ và nam giới còn bị ngăn cách bởi tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân”, nghĩa là nam giới và nữ giới không có quyền gần gũi một cách tự nhiên.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ là căn nguyên sâu xa dẫn tới bất bình đẳng giới, do đó công tác tuyên truyền cũng cần tập trung vào để làm thay đổi nhận thức của công dân, gia đình và xã hội để thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của cả hai giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về
vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Tăng cường giáo dục nhằm thay đổi hành vi, tăng cường phổ biến và tuyên truyền về điều ước quốc tế và áp dụng điều ước, đặc biệt đối với những người có trách nhiệm thi hành điều ước.
Ở Việt Nam, vị trí, vai trò của phụ nữ nói chung trong gia đình và xã hội được nâng lên so với trước. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều chuyên ngành khoa học ra đời trong đó có khoa học giới và các khoa học có liên quan như tâm lý học, xã hội học, dân số học... nghiên cứu tiếp cận các vấn đề giới dưới nhiều góc độ khác nhau, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giới trong sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, những định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng như quan điểm định kiến giới đã ăn sâu vào ý thức của cả nam giới và phụ nữ, đã in đậm trong cách sống hàng ngày, trong phong tục tập quán của người dân hiện vẫn còn tồn tại trong đại đa số bộ phận nhân dân, trong đó có cả nam giới và nữ giới. Vì vậy, ngay một lúc không thể làm thay đổi tư tưởng cũng như những phong tục truyền thống đối xử bất bình đẳng với phụ nữ và trẻ em do đó việc thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới là vô cùng quan trọng.
Để thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta đặt ra. Từ cơ sở đó, mỗi người ý thức tốt về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc". Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục giới trong hệ thống nhà trường, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này. Kèm theo đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới ở nước ta hiện nay, để từ đó, mỗi người có ý thức trách nhiệm
trong thực hiện bình đẳng giới. Trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp.
Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới nói chung và Luật bình đẳng giới nói riêng giúp cho mọi công dân, nam, nữ hiểu được quyền của mình và cách thức thực hiện để đạt được bình giới thực chất cũng như biết bảo vệ mình khi bị vi phạm. Việc tuyên truyền phải được thực hiện qua nhiều kênh thông tin: Qua báo, đài,..bằng các hình thức truyền thông với phong phú, đa dạng hình thức: Sách, báo, băng rôn, khẩu hiệu, sân khấu hoá,..phù hợp với phong tục tập quán và đối tượng tham gia. Để tuyên truyền luật bình đẳng giới có hiệu quả cần có sự tham gia tích cực của đông đảo các cơ quan truyền thông như: Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và nhiều các cơ quan đại chúng khác. Cũng cần có thêm hình thức tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới như có thể dịch ra tiếng dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, cần có sự tham gia tích cực của Trung ương Đoàn thanh niên, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đây là những tổ chức có số lượng hội viên lớn vì vậy việc tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới tới những tổ chức này sẽ đem lại hiệu quả to lớn. Việc tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới phải có kế hoạch thực hiện, phải được làm thường xuyên, liên tục tránh việc làm hình thức theo kiểu " đánh trống bỏ dùi".
3.2.3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm về bình đẳng giới