Đánh giá chung thực trạng thi hành pháp luật bảo hiểm y tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng thi hành pháp luật bảo hiểm y tế bắt buộc ở Việt Nam (Trang 72 - 74)

7. Kết cấu của luận văn

2.4. Đánh giá thực trạng tình hình thi hành pháp luật bảo hiểm y tế tại Việt

2.4.1. Đánh giá chung thực trạng thi hành pháp luật bảo hiểm y tế

a) Ưu điểm và những tác động tích cực của Luật Bảo hiểm y tế

Chính sách BHYT đã được thực hiện tại Việt Nam 20 năm qua đã từng bước tạo nên những thay đổi quan trọng không chỉ về cơ chế, chính sách tài chính y tế mà còn tác động đến nhiều mặt của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và đã đạt được những kết quả nhất định.

Sau 3 lần ban hành Nghị định từ Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), năm 1998 được thay thế bởi Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ và tiếp sau là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ với nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống pháp luật về BHYT đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, góp phần tích cực, tạo nguồn tài chính cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Luật BHYT số 25/2008/QH12 được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII ngày 14/11/2008 đã cơ bản khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế để từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT 2008, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả khả quan:

- Số người tham gia BHYT tiếp tục gia tăng, quyền lợi người có thẻ tiếp tục được đảm bảo, quỹ BHYT cân đối, ổn định và có kết dư. Công tác giám sát việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở y tế đã được nâng lên, tình trạng trục lợi quỹ đã từng bước được kiểm soát.

- Hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chế độ chính sách BHYT;

- Sự phối hợp của các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong thực hiện chính sách BHYT đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2013-2020; Thủ tướng Chính phủ ban hàng Quyết định cho phép lấy ngày 01/7 hàng năm là ngày “Bảo hiểm y tế Việt Nam” để tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật;

- Chính sách BHYT cũng đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân. Góp phần củng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT; góp phần khôi phục và phát triển hệ thống y tế trường học, góp phần ổn định hệ thống an sinh xã hội.

b) Hạn chế và tồn tại trong triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế

Bên cạnh những ưu điểm trên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật về BHYT, trong tổ chức thực hiện Luật cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể là:

- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, một số cán bộ hiểu không đúng tinh thần của Luật và các văn bản hướng dẫn gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện, người dân

thiếu thông tin về những quy định mới của Luật BHYT nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn;

- Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành của địa phương chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách BHYT, dẫn tới tình trạng chậm lập danh sách, cấp phát thẻ BHYT, giải quyết vướng mắc chưa kịp thời;

- Nhân lực của cả Sở Y tế và BHXH để tổ chức thực hiện và tham mưu chính sách còn thiếu. Sở Y tế chưa có bộ phận chuyên trách (Phòng Bảo hiểm y tế) để theo dõi, tham mưu trong quản lý nhà nước về BHYT; số cán bộ theo dõi BHYT tại tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm;

- Công tác thống kê, quản lý dữ liệu và thu thập thông tin về BHYT phục vụ cho quản lý, xây dựng chính sách, giám sát chưa kịp thời;

- Số lượng cán bộ làm công tác giám định của BHXH hiện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và sự gia tăng đối tượng tham gia BHYT, nhất là năng lực trong việc theo dõi, giám sát chất lượng khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng thi hành pháp luật bảo hiểm y tế bắt buộc ở Việt Nam (Trang 72 - 74)