2.1.1.Quy định về điều kiện cho vay
Thứ nhất là quy định về nguyên tắc vay vốn và điều kiện vay vốn
Những quy định về nguyên tắc vay vốn tại:
Khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng phải đảm bảo: Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.
….Hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng [7, Điều 6].
Những quy định về điều kiện vay vốn được quy định tại các văn bản: Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và điều 7 Quyết đinh 1627/2001/QĐ-NHNN.
Đây là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo việc kinh doanh có hiệu quả của các Ngân hàng thương mại. Việc tuân thủ các nguyên tắc về vay vốn và điều kiện vay vốn sẽ giúp các Ngân hàng thương mại tránh được các rủi ro trong quá trình kinh doanh, bởi các Ngân hàng thương mại có thể cho vay theo hình thức, phương thức, thời hạn khác nhau, điều đó tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng với những đảm bảo cần thiết cho việc vay vốn. Do vậy, hoạt động cho vay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các Ngân hàng thương mại. Rủi ro có thể từ phía người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi khi đến hạn thanh toán hay rủi ro xuất phát từ phía Ngân hàng thương mại do cách tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh kém, không hiệu quả, kinh doanh không có lãi. Việc thực hiện đúng các
nguyên tắc và điều kiện vay vốn sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại, cũng như vị trí và uy tín của Ngân hàng thương mại đó trên thương trường.
Thứ hai là quy định về lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại ở Việt Nam
Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về mức lãi suất cho vay,mà mức lãi suất cho vay là do Ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận phù hợp với các quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. “Thông báo công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, các quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng” [12, Điều 10].
Theo các quy định pháp luật thì mức lãi suất cũng theo sự thỏa thuận của Ngân hàng thương mại với khách hàng,và mức lãi suất cũng sẽ phải thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Tổ chức tín dụng xác định lãi suất cho vay bằng Đồng Việt Nam trên cơ sở cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm đối với khách hàng vay là các pháp nhân và cá nhân Việt Nam, pháp nhân và cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục công bố lãi suất cơ bản trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được lựa chọn theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ để làm tham khảo và định hướng lãi suất thị trường, phù hợp với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp để kiểm soát biến động của lãi suất thị trường, đảm bảo được yêu cầu và mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ
Theo quy định trên thì NHNN chỉ đề ra mức lãi suất cơ bản mà không đề ra một mức lãi suất cụ thể. Một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các Ngân
hàng thương mại trong việc xác định mức lãi suất phù hợp cho từng đối tượng khách hàng vay khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế phụ thuộc vào nhiều trường hợp khác nhay vẫn có việc áp dụng mức lãi suất không công bằng giữa các đối tượng khách hàng có đủ những điều kiện để vay nguồn vốn của ngân hàng thương mại.
Số vốn vay, lãi suất và thời hạn cho vay
Thứ nhất là quy định về số vốn vay: Căn cứ vào khoản 1 Điều 12 Quy chế cho vay 1627 thì số vốn vay được hình thành từ ba yếu tố: Một là, nhu cầu vay vốn của khách hàng thông qua đơn xin vay; Hai là, căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng; Ba là, căn cứ vào nguồn vốn của Ngân hàng thương mại. Ngoài ra, để đảm bảo khả năng thu hồi nợ của các Ngân hàng thương mại, pháp luật còn yêu cầu các ngân hàng khi quyết định mức vay vốn đối với khách hàng, nếu khoản vay có đảm bảo bằng tài sản, phải dựa trên giá trị tài sản được khách hàng sử dụng để đảm bảo cho khoản vay. Giá trị tài sản được định giá có ý nghĩa tại thời điểm vay. Và theo nguyên tắc thì giá trị tài sản bảo đảm tiền vay luôn phải lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Cho nên, nhiều trường hợp, mặc dù đã tìm kiếm được các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khả thi nhưng vì khách hàng chưa đủ điều kiện vay bằng tín chấp và giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn số tiền dự kiến vay, nên các Ngân hàng thương mại không thể cho vay vốn đối với khách hàng đó.
Theo Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì các Ngân hàng thương mại và khách hàng có thể thỏa thuận về lãi suất phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường thì Ngân hàng nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Lãi suất có thể là lãi suất cố định trong suốt thời kỳ vay vốn nhưng cũng có thể quy định một lãi suất biến đổi lên xuống tùy theo sự biến động
của thị trường. Tuy nhiên, với tình hình nền kinh tế lạm phát như hiện nay, chỉ số tiêu dùng diễn biến thất thường, lãi suất Ngân hàng thường bị động trước những biến đổi ấy. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại thường áp dụng quy định một lãi suất biến đổi theo từng thời kỳ. Trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế, nhu cầu vốn cũng theo đó mà ngày càng tăng lên. Ngân hàng thương mại cũng như các loại hình tổ chức tín dụng khác tiến hành hàng loạt các biện pháp để thu hút vốn. Điều này có thể dẫn đến việc tăng lãi suất huy động vốn giữa các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Điển hình theo số liệu thống kê năm 2015, lãi suất cho vay ở ngân hàng VP Bank (Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng) khi cho vay tiêu dùng là 5%. Cụ thể, khách hàng được phê duyệt sẽ được hưởng mức lãi suất 5%/năm đối với các khoản vay nhà đất, vay kinh doanh, vay tiêu dùng thế chấp bất động sản và 5,5%/năm với khoản vay mua ô tô thế chấp bằng chính chiếc ô tô đó trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, còn có các lựa chọn hấp dẫn khác như khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 10%/năm trong 3 tháng đầu, các tháng tiếp theo áp dụng lãi suất quy định hiện hành hoặc 9 tháng tiếp theo hưởng lãi suất cố định 12%/năm và các tháng còn lại cộng thêm 0,5% vào biên độ lãi suất theo quy định hiện hành.
Không những dành ưu đãi về mặt lãi suất, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng VPBank còn mang đến cho các khách hàng thời gian vay dài nhất thị trường, lên đến 30 năm, với hạn mức vay đến 10 tỷ đồng và thời gian phê duyệt trong vòng 02 ngày làm việc.
Theo Báo cáo thống kê giai đoạn 2014-2015 của ngân hàng thương mại Vietcombank, lãi suất cho vay cũng phân ra nhiều hạn mức nhất định, áp dụng với các trường hợp khác nhau, cụ thể là: Đối với các khoản vay từ 12 tháng trở xuống: lãi suất ưu đãi 7%/năm trong 6 tháng đầu; Còn đối với khoản vay từ trên 12 tháng đến dưới 24 tháng: lãi suất ưu đãi 7.2%/năm trong 6 tháng đầu; Đối với các khoản vay từ 24 tháng trở lên: lãi suất ưu đãi
7.2%/năm trong 12 tháng đầu. Đặc biệt, đối với khách hàng nhận lương qua Vietcombank: giảm thêm 0.2%/năm
Ngân hàng nhà nước có kỳ vọng quy định này sẽ giúp thị trường tiền tệ đi vào ổn định. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều Ngân hàng thương mại bắt đầu tiến hành hoạt động cho vay bằng cách đẩy các mức lãi suất kỳ hạn ngắn, thậm chí cực ngắn (kỳ hạn tuần) lên kịch trần 8 %/ năm. Và với biểu lãi suất huy động như vậy, lẽ đương nhiên khách hàng sẽ chỉ lựa chọn những kỳ hạn gửi cực ngắn. Thực trạng này chẳng những làm chi phí vốn bị đẩy lên khiến lãi suất đầu ra tăng cao mà còn khiến cho cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng thiếu sự ổn định, có thể gây ra rủi ro thanh khoản. Mặt khác, với lãi suất trần huy động như vậy thì ngân hàng sẽ buộc phải cho vay ở mức lãi suất 6-8% mới tồn tại được. Quy định trần lãi suất huy động là đã bao gồm các khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức.Và trên thực tế mức lãi suất huy động vốn không chỉ là 7-8%/ năm mà các ngân hàng thỏa thuận với khách hàng có thể lên đến 8%/ năm. Theo đó, lãi suất cho vay cũng tăng lên, gây áp lực cho doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp đi vay phụ thuộc nặng nề vào nguồn vay của ngân hàng. Hậu quả là ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay để nuôi nợ, dẫn đến tình trạng mất vốn ngày càng lớn. Hoặc có trường hợp vì lãi suất vay của Ngân hàng thương mại quá cao nên các doanh nghiệp thường cố tự xoay xở vốn, ngân hàng không giải ngân được khiến vốn bị tồn đọng.
Thứ ba là quy định về giới hạn trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại ở Việt Nam
Trong hoạt động cho vay, các Ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định về giới hạn cho vay. Theo quy định tại điều 79 của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung năm 2004 và khoản 1,2 điều 18 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN: tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không
được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì các tổ chức tín dụng cho vay hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay vượt quá mức giới hạn cho vay quy định tại Khoản 1 Điều này khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đối với từng trường hợp cụ thể”.
Với xu thế hội nhập kinh tế - quốc tế, các doanh nghiệp trong nước cần phải đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh theo chiều rộng và chiều sâu, để giải quyết nhu cầu vốn đầu tư lớn này cho các doanh nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo được giới hạn cho vay tối đa của ngân hàng đối với khách hàng, các ngân hàng đã tiến hành cho vay hợp vốn. Đối với các đối tượng hạn chế cho vay quy định tại Điều 20 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, tổng dư nợ cho vay không được vượt quá 5% vốn tự có của ngân hàng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tiền vay, nâng cao khả năng giám sát đối với các hoạt động tín dụng, pháp luật buộc các Ngân hàng thương mại phải thực hiện báo cáo Ngân hàng nhà nước (thông qua trung tâm tín dụng của ngân hàng nhà nước) các khách hàng có tổng dư nợ tiền vay từ 5% trở lên so với vốn tự có của ngân hàng. “Tổng dư nợ cho vay đối với các đối tượng quy định tại Điều 20 Quy chế này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng”.