3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền chuyển đổi giới tín hở
3.2.5. Góp ý cụ thể về sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật khác liên
quan đến quyền chuyển đổi giới tính
Bộ luật Dân sự 2015
Liên quan đến các Điều 36, 37 của Bộ luật này, cần sửa đổi theo hướng không nên chỉ cho phép người có khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác được phép phẫu thuật xác định giới tính, mà cần mở rộng quyền này cho cả người chuyển đổi giới tính.
32,34, 38), các quy định này cần được sửa đổi để nêu cụ thể, đầy đủ hơn về quyền riêng tư nhằm bảo đảm cho người chuyển giới được bảo vệ, tôn trọng và được đối xử bình đẳng như những người khác trong xã hội. Việc ghi nhận bằng cách liệt kê như hiện nay không còn phù hợp và chưa theo kịp với thực tiễn đời sống. Trên thế giới đã ghi nhận một quyền chung là quyền riêng tư. Về mặt khái niệm, có thể hiểu quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận, công khai trừ trường hợp được chính người này đồng ý hoặc bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, quyền riêng tư có nội hàm rộng hơn quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp và trong pháp luật Việt Nam. Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các văn bản như: Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948 (Điều 12), Công ước Nhân quyền châu Âu năm 1950 (Điều 8), Tuyên bố châu Mỹ về Quyền và trách nhiệm của con người năm 1965, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 17), Công ước của Hội đồng châu Âu 1981 về bảo vệ cá nhân đối với việc xử lý tự động của dữ liệu cá nhân ... đã khẳng định sự riêng tư, quyền riêng tư của công dân được bảo hộ, bảo đảm thực thi. Như vậy, có thể nhận thấy xu hướng ghi nhận quyền riêng tư đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Trong hệ thống pháp luật các nước có nhiều mô hình xây dựng pháp luật về quyền riêng tư và đã khẳng định đầy đủ nội dung của quyền này.
Từ các lý do trên, Điều 32 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 nên được gộp chung lại với tên gọi “Quyền riêng tư” về thông tin cá nhân, cơ thể, thông tin liên lạc, nơi cư trú. Tiếp theo đó, có thể ban hành một luật về quyền riêng tư để cụ thể hóa quy định của điều này.
Liên quan đến quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 (về quyền thay đổi tên), để đảm bảo quyền thay đổi tên của người chuyển đổi giới tính, nên bổ sung một điểm trong khoản 1 của Điều 28 với nội dung: “Thay đổi họ, tên của người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Trong trường hợp người chuyển giới chưa phẫu
thuật chuyển đổi giới tính có thể đổi tên theo các quy định cụ thể của pháp luật”. Việc cho phép người chưa phẫu thuật có thể đổi tên với mục đích “trung dung”, giảm sự kỳ thị trong xã hội, giúp họ hòa nhập cuộc sống hơn.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Nên sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để thừa nhận hình thức kết hôn cùng giới. Đây là một giải pháp quan trọng vì nó vừa bảo vệ quyền bình đẳng của người chuyển giới, cũng như giúp giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh khi hai người cùng giới sống chung và thiết lập quan hệ gia đình. Bên cạnh đó, pháp luật cũng là công cụ để giáo dục, chính vì vậy, việc thừa nhận quan hệ cùng giới là hợp pháp và bình đẳng sẽ giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như bạo lực với người đồng tính và các thành viên của gia đình họ. Có thể chia vấn đề quyền kết hôn của người chuyển giới thành các trường hợp sau đây:
-Nếu họ không thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ và mong muốn sống chung với một người có cùng giới tính sinh học hiện tại của họ thì họ có thể đăng ký kết hợp dân sự (sống chung có đăng ký). Ngược lại, nếu họ kết hôn với một người có giới tính khác với giới tính sinh học của hiện tại của họ thì tương tự như cặp đôi dị tính kết hôn với nhau.
-Nếu họ đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và làm lại giấy tờ tùy thân thì có thể chia làm hai trường hợp: (i) Nếu họ muốn sống chung với một người có giới tính giống với giới tính của họ sau khi phẫu thuật thì tương tự như cặp đôi đồng tính, họ có thể đăng ký kết hợp dân sự; (ii) Ngược lại, nếu họ muốn sống chung với một người có giới tính khác với giới tính của họ sau khi phẫu thuật thì tương tự như cặp đôi dị tính, họ có thể đăng ký kết hôn.
Luật nuôi con nuôi năm 2010
Nên sửa đổi Luật nuôi con nuôi năm 2010 theo hướng mở rộng hình thức nhận nuôi trẻ em tạm thời hoặc nhận nuôi trong một khoảng thời gian xác định. Hình thức này không tạo nên mối quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi như các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Nuôi con nuôi, bao gồm mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, thừa kế, nhân thân... mà chỉ tạo nên mối quan hệ chăm sóc và nuôi
dưỡng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, bảo đảm được các lợi ích của trẻ em và nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của mọi đối tượng, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ.
Bên cạnh đó, cũng cần có văn bản dưới luật hướng dẫn các điều kiện của người nhận nuôi vì hiện nay nên thực tế mỗi địa phương xác định theo tiêu chí phù hợp với địa phương mình, ví dụ như mức thu nhập bình quân của địa phương. Các tiêu chí đánh giá nên giống với trường hợp cân nhắc trao quyền nuôi con khi cặp vợ chồng ly hôn, với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ quyền cho đứa trẻ. Bộ Tư pháp cần ban hành một bộ quy chuẩn để hướng dẫn việc đánh giá các tiêu chí mang tính chất định tính chủ quan nhằm bảo đảm việc xem xét hồ sơ xin nhận con nuôi là minh bạch và hợp pháp, bảo đảm quyền lợi cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục hay bản dạng giới khi thực hiện thủ tục nhận nuôi, đồng thời góp phần bảo đảm quyền lợi cho trẻ khi trẻ được nhận nuôi bởi người có đủ điều kiện. Thêm vào đó, cũng cần đưa ra hướng dẫn thế nào là “hồ sơ hợp lệ” và thời điểm xác nhận Uỷ ban nhân dân đã tiếp nhận “hồ sơ hợp lệ” từ phía người đăng ký nhận nuôi con nuôi để bảo đảm việc tuân thủ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính cho người liên giới tính
Nên bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính (trong đó quy định: “Nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”).
Luật bình đẳng giới năm 2006
Luật này cần được sửa đổi để mở rộng quan niệm bình đẳng giới không chỉ là bình đẳng giữa nam và nữ mà là bình đẳng cả về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Luật cũng cần ghi nhận nguyên tắc cấm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các xu hướng tính dục.
Luật Hình sự 2015
Bộ luật Hình sư cần sửa đổi để xử lý được các hành vi tội phạm tình dục với người đồng giới, chuyển giới. Ví dụ, ngoài quy định hành vi khách quan của tội
hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em còn cần phải quy định thêm “hoặc có hành vi tình dục khác mà xét về tính chất và hoàn cảnh chung thì tương tự như hành vi giao cấu (như quan hệ tình dục qua đường hậu môn, qua đường miệng...)” là dấu hiệu khách quan của những tội phạm nêu trên để bảo vệ người chuyển giới trước các hành vi xâm phạm tình dục như hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung thêm trong Bộ luật Hình sự tội dâm ô để xử lý đối với trường hợp có hành vi dâm ô đối với người đồng giới hoặc người khác giới từ đủ 16 tuổi trở lên.
Luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Các luật này cần sửa đổi để bảo vệ quyền của người chuyển giới trong trường hợp khám người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính trong tố tụng hình sự. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần có hướng dẫn cụ thể trong những trường hợp này, ví dụ như người khám và người chứng kiến cần là người cùng giới với giới tính của họ sau khi đã phẫu thuật chuyển giới.
Liên quan đến vấn đề nhà tù, nhà tạm giam, nhà tạm giữ cho người chuyển đổi giới tính, trước mắt, khi pháp luật chưa điều chỉnh thì các nhà tạm giữ, trại giam thực hiện giam riêng để họ được bảo đảm an toàn. Dĩ nhiên, để đảm bảo trật tự cũng cần phân loại là họ đã chuyển giới thành nam hay nữ để tách ra giam riêng nam với nam, nữ với nữ. Về lâu dài, các cơ quan tố tụng cần phối hợp khảo sát về thực trạng phạm tội của những người chuyển giới để xây dựng những quy định phù hợp trong việc giam giữ họ.
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003
Điều 3 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm cần được sửa đổi như sau: Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác hoặc hành vi tình dục mà xét về tính chất và hoàn cảnh chung thì tương tự như hành vi giao cấu để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
khác trả cho người bán dâm để được giao cấu hoặc hành vi tình dục mà xét về tính chất và hoàn cảnh chung thì tương tự như hành vi giao cấu.
[...].
Việc sửa đổi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm như trên sẽ là căn cứ pháp lý để xử lý hành vi môi giới hoặc chứa mại dâm đồng giới, hành vi mua dâm người chưa thành niên đồng giới về các tội phạm tương ứng như chứa mại dâm (Điều 327 BLHS), tội môi giới mại dâm (Điều 328 BLHS) hoặc tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329 BLHS). Điều đó sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ trật tự, trị an xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của những người chưa thành niên chuyển giới.
Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
Luật này cần sửa đổi để xoá bỏ mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử và vi phạm quyền của người chuyển giới trong chăm sóc y tế vì trong khi các tổ chức sức khỏe thế giới (như Tổ chức sức khỏe Thế giới, hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ) đều đã khẳng định chuyển giới không phải là bệnh hay rối loạn tâm lý và đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn cụ thể về chủ đề này thì tại Việt Nam, thực hành của nhiều bệnh viện, bác sĩ vẫn chưa phản ánh được sự cập nhật đó. Ngành y tế Việt Nam chưa bao giờ chính thức khẳng định các kiến thức khoa học về chuyển đổi giới tính đã được thế giới thừa nhận, chưa bao giờ nghiêm cấm các hành vi cố gắng “chữa” chuyển giới. Kết hợp với sự phân biệt đối xử và thông đồng từ gia đình, nhiều người chuyển giới bị ép buộc gặp bác sĩ để cưỡng bức tuân thủ các biện pháp như điều trị tâm thần, ép thay đổi lối sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, khuyến khích gia đình kiểm soát con cái tránh “tiếp xúc với chuyển giới”, gây ra những hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người chuyển giới. Sự chủ động và lên tiếng của ngành y tế lúc này là vô cùng có ý nghĩa và cấp thiết. Các tài liệu, hướng dẫn chăm sóc y tế cho người chuyển giới cũng cần được nhanh chóng ban hành nhằm hiện thực hóa quyền chuyển đổi giới tính đã được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Một số khuyến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật khác
- Cần ban hành luật chống phân biệt đối xử bởi đạo luật này được đánh giá là động lực để người chuyển giới công khai về xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng như thể hiện tình cảm với người yêu của họ, từ đó việc công khai của người chuyển giới trở nên an toàn hơn, và được pháp luật bảo vệ.
- Các chương trình, chính sách của nhà nước cần ghi nhận một cách rõ ràng về sự tồn tại của trẻ em là người chuyển giới để bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Trẻ em lang thang chuyển giới là những trẻ em “ba lần dễ bị tổn thương”: Là trẻ em, sống lang thang, và là người chuyển giới. Cần quan tâm đến nhu cầu của nhóm trẻ em chuyển giới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quan trọng nhất là Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 để thực sự bảo vệ được các em.
- Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em hiện nay ghi nhận nguyên tắc không phân biệt đối xử với trẻ em, theo đó, trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật (Điều 4). Sẽ là toàn diện hơn nếu nguyên tắc này của Luật ghi nhận thêm rằng sự đa dạng về giới tính và tính dục của bản thân trẻ em hay của cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ cũng không là tiêu chí để phân biệt đối xử trẻ em.
- Với những khó khăn thường ngày, người chuyển giới rất cần trợ giúp pháp lý về các vấn đề như: Sự khác nhau giữa phẫu thuật chuyển giới và xác định giới tính; bồi thường thiệt hại về tổn thương danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng; các quy định về hôn nhân gia đình, con nuôi; chế độ tài sản; đặc biệt là vấn đề phân biệt đối xử, kỳ thị... Nếu coi khung pháp luật, chính sách là công cụ để thực hiện trợ giúp pháp lý thì có một vấn đề dễ thấy là chúng ta đang thiếu công cụ để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người chuyển giới. Tính đến thời điểm này, các quy định pháp luật, chính sách đối với người chuyển giới là khoảng trống khá lớn tại Việt Nam. Vai trò của việc trợ giúp pháp lý không nên chỉ dừng lại ở việc trợ giúp những vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà còn phải nhìn nhận trên phạm vi rộng hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy, xây dựng, sửa đổi pháp luật liên quan đến người chuyển đổi giới tính.
KẾT LUẬN
Người chuyển giới là những người chịu nhiều sự kỳ thị và thiệt thòi trong cuộc sống do những suy nghĩ khác với giới tính được sinh ra. Trong xã hội họ thường bị nhìn với ánh mắt kỳ thị, phân biệt, thậm chí còn bị coi là bệnh hoạn hay có vấn đề về tâm thần. Về cơ bản, hiện tại xã hội vẫn chưa chấp nhận họ, chính sách của nhà nước vẫn còn chung chung, chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh các vấn đề của người chuyển giới. Đây là những trở ngại với người chuyển giới trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia vào các hoạt động của xã hội… dẫn đến khó khăn trong cuộc sống