Về việc xác định thiệt hại và mức bồi thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan trong luật tố tụng hình sự việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 90 - 92)

Theo nguyên tắc chung, quan hệ bồi thường thiệt hại mang bản chất của quan hệ dân sự, cho nên mọi thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ, kịp thời khi đã được xác định rõ ràng. Để xác định được thiệt hại thực tế xảy ra đối với người được bồi thường thì việc liệt kê chi tiết các thiệt hại cũng như việc quy định cụ thể về chứng cứ và chứng minh thiệt hại là rất quan trọng. Trên cơ sở nhận thức trên, tác giả có một số kiến nghị cụ thể trong việc hướng dẫn và thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong việc xác định thiệt hại và mức bồi thường đối với những người bị oan như sau:

Thứ nhất: Cần quy định cụ thể những “chi phí hợp lý” cho việc cứu chữa, bồi thường chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết được quy định tại Điều 48 hoặc cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại quy định tại Điều 48 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng giữ nguyên các quy định tại điểm a, điểm c mục 2.1 phần II của TT04, cụ thể như sau:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị oan trước khi chết, bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế; chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác trước khi người bị thiệt hại chết (nếu có).

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm những khoản

như: các chi phí được sử dụng cho việc cứu chữa, bồi thường chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Thứ hai: Cần quy định rõ những tài liệu chứng minh trong thời gian người thuộc diện được bồi thường thiệt hại bị tổn hại về sức khỏe.

Việc tổn hại sức khoẻ của người bị oan cần phải được xác nhận của cơ sở y tế cũng như những tài liệu chứng minh trong thời gian họ bị bắt tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù họ đã bị tổn hại sức khoẻ (hồ sơ bệnh án, y bạ, biên lai tiền thuốc…). Trường hợp quá trình bị tạm giữ, tạm giam do bị ốm đau, sau khi tại ngoại họ còn tiếp tục điều trị và phục hồi sức khoẻ, do thời gian đã lâu đến nay họ không còn lưu được các hồ sơ bệnh án, biên lai, hoá đơn thuốc… nếu người bị oan đưa ra được các tài liệu chứng cứ khác như lời khai của những người biết việc thì cơ quan có thẩm quyền cần xác minh và quyết định bồi thường ở mức hợp lý để tránh thiệt thòi cho công dân. Chẳng hạn, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đề nghị cơ sở y tế cấp cho một phác đồ điều trị, cùng các chi phí điều trị hợp lý của một bệnh nhân bị bệnh viêm gan từ lúc vào viện cho đến khi xuất viện theo thời giá tại thời điểm bồi thường, để làm cơ sở tính toán mức bồi thường cho người bị oan. Do vậy cần quy định cụ thể về các loại giấy tờ tài liệu dùng để làm căn cứ chứng minh yêu cầu bồi thường trong thời gian điều trị như sau:

“Tài liệu chứng minh trong thời gian người thuộc diện được bồi thường thiệt hại bị tổn hại sức khoẻ bao gồm: hồ sơ bệnh án, y bạ, biên lai thuốc và các tài liệu khác chứng minh chi phí điều trị hợp lý của một bệnh nhân bị bệnh tương tự từ khi vào viện cho đến khi xuất viện (kể cả điều trị nội trú, ngoại trú) theo thời giá tại thời điểm bồi thường, để làm cơ sở tính mức bồi thường cho mức tổn hại về sức khoẻ cho người bị oan”.

Thứ ba: Cần bổ sung thêm thiệt hại được bồi thường tại Điều 48 đó là thu nhập thực tế bị giảm sút của người chăm sóc khi họ chăm sóc người thiệt hại trong thời gian điều trị trước khi người bị thiệt hại chết bởi vì trước khi chết người thiệt hại cũng cần có người chăm sóc.

Thứ tư: Về bồi thường thiệt hại tinh thần, việc lượng hoá thành tiền “khoản bù đắp tổn hại về tinh thần” theo Bộ luật dân sự cần được khẳng định như một biện pháp bắt buộc phải tính đến đối với người bị oan trong tố tụng hình sự. Cách thức xác định “khoản bù đắp tổn hại về tinh thần” được tiến hành trên cơ sở thống nhất về nguyên tắc chung của Bộ luật dân sự nhưng có tính đến đặc thù, tính chất nghiêm trọng của những tổn hại tinh thần do bị bắt, giữ, tạm giam, tù oan.

Thứ năm: Từ thực tế bồi thường thiệt hại cho người bị oan cho thấy việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần thường không gặp phải khó khăn, nhưng những khoản bồi thường này chỉ mang tính chất "tượng trưng" nếu so sánh với những thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Chính vì vậy, Luật bồi thường Nhà nước cần quy định cụ thể hơn việc xác định cũng như trách nhiệm bồi thường về vật chất, tài sản.Việc xác định thiệt hại về tài sản, vật chất cần kế thừa các quy định hiện hành của Nghị quyết 388, nhưng quy định rõ việc bồi thường thiệt hại về vật chất, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, đặc biệt là trình tự, thủ tục trả lại tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu. Ngoài ra, Luật Bồi thường Nhà nước cần xây dựng tiêu chí cụ thể để tính các thiệt hại về uy tín, cơ hội kinh doanh, thương hiệu... của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan trong luật tố tụng hình sự việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 90 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)