3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÉT XỬ CÁC
3.2.2. Nâng cao kỹ năng xét xử cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân
Về phía ngành Tòa án, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được quan tâm và chỉ đạo sát sao. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao luôn quan tâm chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Các cơ quan báo chí tuyên truyền của ngành, như Công thông tin điện tử, Tạp chí Tòa án nhân dân, Báo Công lý thường xuyên đăng tải chủ trương đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xét xử cho các Thẩm phán, trong đó có kinh nghiệm trong việc xét xử
những vụ án tham nhũng. Hàng năm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên có những văn bản tổng kết kinh nghiệm xét xử, tổng kết các vấn đề vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn xét xử các vụ án tham nhũng của Toà án các cấp để các quy định về loại tội phạm này được áp dụng thống nhất ở các Tòa án địa phương.
Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên chỉ đạo Tòa án các cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; tăng cường việc tranh tụng tại các phiên toà; phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; giải quyết dứt điểm các vụ án lớn, trọng điểm; tăng cường công tác xét xử lưu động; đảm bảo việc áp dụng các hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo; khắc phục triệt để tình trạng cho bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đặc biệt là tội tham nhũng không đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án; hạn chế việc huỷ, sửa án; ra quyết định thi hành án đúng pháp luật đối với 100% người bị kết án.
Trong công tác xét xử các vụ án về tham nhũng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án các cấp phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng; cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chỉ áp dụng đối với những bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, đúng với
quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tư pháp trung ương và Tòa án nhân dân tối cao. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013, hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo, theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các điều kiện cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó có việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp. Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án về Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này. Đối với các trường hợp để các vụ án tham nhũng quá thời hạn xét xử hoặc cho các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, thì sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Việc nâng cao kỹ năng xét xử và trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án, viết bản án theo đúng quy định của Luật tố tụng và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là công tác thu thập chứng cứ, định giá, đo vẽ, thẩm định tại chỗ để bản án được tuyên chính xác, đúng pháp luật đảm bảo xử đúng người, đúng tội và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đảm bảo tính khả thi tạo điều kiện cho công tác thi hành án có hiệu quả.