Tổ chức tập huấn quán triệt hoạt động trợ giúp pháp lý và hƣớng dẫn thực hiện các chƣơng trình giảm nghèo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 38 - 44)

hƣớng dẫn thực hiện các chƣơng trình giảm nghèo

Để triển khai thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo một cách đồng bộ, thống nhất, bằng các nguồn kinh phí

khác nhau, Bộ Tư pháp đã tổ chức 03 lớp tập huấn tại 03 miền (Bắc, Trung, Nam) để phổ biến, quán triệt nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo và hướng dẫn các Sở Tư pháp và Trung tâm triển khai thực hiện các hoạt động: xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, xây dựng Đề án và hướng dẫn thành lập các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc các chương trình giảm nghèo, hướng dẫn hoạt động và sử dụng kinh phí hỗ trợ của chương trình.

Để nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, hàng năm, Cục trợ giúp pháp lý tổ chức tập huấn nghiệp vụ toàn quốc cho Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý của các Trung tâm nhằm bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, cập nhật kiến thức pháp luật... Ngoài ra, Cục còn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về các kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng đặc thù (trẻ em, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị buôn bán, thành viên nòng cốt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...), bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tập huấn cho những người tham gia trợ giúp pháp lý của một số tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... Từ 2007 đến nay, Cục đã tổ chức trên 07 lớp tập huấn toàn quốc và khoảng 20 lớp tập huấn chuyên đề cho trên 1.500 lượt người. Qua các đợt tập huấn, kiến thức, kỹ năng trợ giúp pháp lý của các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý và cộng tác viên đã được nâng cao bước đầu, đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của công tác trợ giúp pháp lý trong từng giai đoạn.

Trên cơ sở nội dung, tài liệu tập huấn của Cục trợ giúp pháp lý, hàng năm các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương. Mỗi Trung tâm đã tổ chức ít nhất 1 đến 2 lớp/năm, nhiều địa phương đã tổ chức được 6 - 7 lớp/năm (Bình Dương,...), thậm chí là 8 lớp (Quảng

Trị). Việc tập huấn ngày càng được được chú trọng và mở rộng hơn về đối tượng và nội dung, chương trình. Ngoài Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật, nhiều Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho cán bộ Điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ (bao gồm cả cơ quan tiến hành tố tụng của quân đội) trong toàn tỉnh nhằm thực hiện tốt các quy định về trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Một số nơi còn tổ chức tập huấn cho Trưởng, Phó phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, hòa giải viên, bộ đội biên phòng, cán bộ kiểm lâm, trưởng thôn, bản... về kiến thức pháp luật, kiến thức trợ giúp pháp lý và một số kỹ năng trợ giúp pháp lý. Các địa phương đã chú trọng tập huấn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Thời gian tập huấn từ 1-3 ngày và chia thành nhiều lớp.

Phương pháp tập huấn đã được đổi mới theo hướng tăng thời lượng trao đổi, thảo luận theo nhóm, giải quyết tình huống và giải đáp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Nội dung tập huấn tập trung chủ yếu về kiến thức pháp luật trợ giúp pháp lý (Luật trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành về các vấn đề: trợ giúp pháp lý trong tố tụng; trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý; chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý…), các kỹ năng trợ giúp pháp lý cơ bản (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, kiến nghị, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý…) và kiến thức pháp luật ở các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý như: đất đai; chính sách đối với người có công; chính sách xã hội và bảo trợ xã hội; các quy định về quản lý và đăng ký hộ tịch; Bộ luật Hình sự; Luật Khiếu nại; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật An toàn giao

thông đường bộ; Luật Thi hành án dân sự; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Quốc tịch, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Bảo hiểm; lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý, các quy định pháp luật về các chương trình giảm nghèo…

Giảng viên là lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý, các đơn vị thuộc Sở, Trợ giúp viên pháp lý và lãnh đạo, cán bộ của các cơ quan có liên quan của tỉnh như: Thanh tra, Bộ Chỉ huy quân sự, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Công an, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh...

Nguồn kinh phí tập huấn chủ yếu từ Dự án "Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, giai đoạn 2005-2009", một phần từ Quỹ trợ giúp pháp lý, các chương trình giảm nghèo và ngân sách địa phương.

Các lớp tập huấn đã bảo đảm mục đích, nội dung tập huấn phần nào phù hợp với nhu cầu của học viên và yêu cầu thực tiễn, giảng viên có trình độ chuyên môn tốt và có kinh nghiệm thực tiễn nên nội dung bài giảng phong phú hơn, ngày càng có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể; việc tổ chức đã chú ý tạo thuận lợi về chỗ ăn ở, đi lại, học tập cho các học viên. Vì vậy, các lớp tập huấn đã có tác dụng tích cực bước đầu giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý cập nhật được kiến thức trợ giúp pháp luật, hiểu biết rõ hơn về các kỹ năng trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý, cách thức tổ chức, điều hành hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và kiến thức một số lĩnh vực pháp luật gắn sát với đời sống của người dân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong điều kiện hiện nay nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thì hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên vẫn còn một số hạn chế, bất cập:

- Các lớp tập huấn hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương và yêu cầu của nhiệm vụ

chuyên môn. Hiện nay, trung bình mỗi tỉnh có khoảng 150 người thực hiện trợ giúp pháp lý (gồm Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và Luật sư, Tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý) và khoảng 250 thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ với nhu cầu bồi dưỡng khác nhau nhưng mỗi năm Cục trợ giúp pháp lý tổ chức 01 lớp tập huấn toàn quốc, từ 2-3 lớp tập huấn chuyên đề, Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức từ 1-2 lớp tập huấn. Như vậy, mới đáp ứng được nhu cầu tập huấn những kiến thức chung mà chưa thể tập huấn chuyên sâu về từng kỹ năng trợ giúp pháp lý, lĩnh vực pháp luật và nhóm người được trợ giúp pháp lý đặc thù. Bên cạnh đó, để thực hiện đúng và thống nhất Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC- TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, yêu cầu đặt ra là cần tổ chức tập huấn cho những người tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện nhằm tạo bước đột phá về hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng nhưng trong thời gian qua, hầu hết các địa phương mới tổ chức được 1 lớp/năm, có địa phương chưa tập huấn lần nào;

- Việc tổ chức tập huấn ở một số địa phương chưa đúng đối tượng tham dự, chưa khảo sát nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và chưa đánh giá được chất lượng, kết quả tập huấn dựa trên cơ sở chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý;

- Nội dung tập huấn chủ yếu là giới thiệu các văn bản pháp luật (ở tầm Luật, Nghị định) mà chưa tập huấn chuyên sâu về từng lĩnh vực pháp luật (các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể của Trung ương và địa phương), kỹ năng trợ giúp pháp lý. Vì vậy, khi thực hiện trợ giúp các vụ việc cụ thể thì người thực hiện trợ giúp pháp lý còn lúng túng, chất lượng trợ giúp pháp lý một số vụ việc chưa cao;

- Việc cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn do Cục trợ giúp pháp lý tổ chức chưa phù hợp, chưa có sự cân nhắc về nhu cầu bồi dưỡng thực sự của

người thực hiện trợ giúp pháp lý. Một số Trợ giúp viên pháp lý được cử tham dự lớp tập huấn của Cục trợ giúp pháp lý chưa có đủ năng lực và kỹ năng để tập huấn lại cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý khác tại địa phương;

- Phương pháp tập huấn chủ yếu là thuyết giảng, chưa dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc; chưa thực hành các tình huống, vụ việc cụ thể nên tính ứng dụng các kỹ năng trợ giúp pháp lý trong quá trình tập huấn chưa cao;

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên:

- Ở Trung ương: Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thuộc Cục trợ giúp pháp lý đang được củng cố, kiện toàn; cơ chế và tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về hoạt động này còn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng;

- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và đầu tư cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, việc tổ chức tập huấn nhiều khi chưa nghiêm túc và hiệu quả;

- Chưa có sự rà soát thường xuyên trình độ, năng lực và khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của người thực hiện trợ giúp pháp lý để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tập huấn;

- Kinh phí để tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý của các địa phương còn hạn chế, chủ yếu được hỗ trợ từ các Dự án hợp tác quốc tế, một phần từ Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam, các chương trình giảm nghèo, nguồn ngân sách địa phương chưa chủ động được khoản chi này. Vì vậy, hoạt động này chưa mang tính bền vững;

- Một số người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa nhận thức đúng đắn về việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp nên ý thức tham dự tập huấn chưa tốt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)