Quan niệm về đói nghèo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 27 - 29)

Đói nghèo là một trong những vấn đề kinh tế, xã hội mang tính toàn cầu. Bước vào thiên niên kỷ mới, đói nghèo vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Giải quyết vấn đề đói nghèo đòi hỏi phải có một phương pháp khoa học, tiến bộ là gắn kết tăng trưởng kinh tế với xóa đói giảm nghèo; xóa đói giảm nghèo phải bảo đảm tính toàn diện, công bằng và bền vững. Hướng tới giải quyết vấn đề này, tại khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phát triển kinh tế xã hội, tháng 6- 2000 ở Giơnevơ, cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2015 giảm 1/2 số người nghèo trên thế giới. Hội nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh chiến dịch "Tấn công vào nghèo đói" và khuyến nghị các quốc gia cần có chiến lược toàn diện về xóa đói giảm nghèo. Tiếp theo, Hội nghị thiên niên kỷ đầu tháng 9-2000 của Liên hợp quốc họp tại Oasinhtơn, một lần nữa khẳng định chống đói nghèo được coi là một trong những nội dung quan trọng ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển của thế giới hiện đại. Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị lấy thập niên đầu của thế kỷ XXI làm thập niên dành ưu tiên cho xóa đói giảm nghèo trên phạm vi thế giới và được Hội nghị đồng tình cao.

Theo quan niệm của Liên hợp quốc, nghèo có hai dạng là nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Nghèo tuyệt đối là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống về ăn, mặc, ở, vệ sinh, giáo dục, y tế. Nghèo tương đối là tình trạng của một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức trung bình của cộng đồng tại địa phương.

Chủ thể của đói, nghèo được xem xét ở đây là con người, từng cá thể cũng như trong phạm vi xã hội, cộng đồng dân cư, được xác định với quy mô lớn, nhỏ, rộng, hẹp khác nhau.

Tại Hội nghị về chống nghèo, đói do Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức tại Băng Cốc - Thái Lan (9- 1993), các quốc gia trong khu vực này đưa ra định nghĩa về nghèo đói: "Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu này được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của địa phương" [32, tr. 22-23].

Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội, tổ chức tại Côpenhaghen - Đan Mạch (1995) đã đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về nghèo đói như sau: Người nghèo là tất cả những ai mà thu nhập dưới 1 USD/ ngày, là số tiền được coi như đủ để mua những sản phẩm thiết yếu để tồn tại.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới đã từng đưa ra chỉ tiêu đánh giá mức độ giàu nghèo của các nước, dựa vào GDP hằng năm quy ra USD.

Tuy nhiên, cách đánh giá này cũng chỉ mang tính tương đối và có hạn chế nhất định, bởi vì không phải bất cứ nước nào có GDP cao là hết nghèo đói.

Vì vậy, ngày nay các nước trên thế giới nhất trí cho rằng, việc đánh giá mức sống của con người, việc bình xét các quốc gia thuộc loại nước giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển là dựa vào chỉ số về phát triển con người (HDI) - một tiêu chí tổng hợp gồm ba chỉ tiêu cơ bản là GDP bình quân đầu người trong năm, thành tựu y tế xã hội và trình độ văn hóa giáo dục.

Dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tựu chung lại, quan niệm về đói nghèo phản ánh những khía cạnh cơ bản sau đây:

- Không được hoặc ít được thụ hưởng những nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu dành cho con người.

- Mức sống của người nghèo, hộ nghèo thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư tại địa bàn sinh sống.

- Thiếu hoặc không có cơ hội lựa chọn để tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng.

Đói nghèo là một hiện tượng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự phát triển của toàn xã hội, là vấn đề có tính quốc gia và toàn cầu. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, gây bất bình đẳng xã hội, kìm hãm sự phát triển con người, phá hoại môi trường sống, làm xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)