* Thẩm quyền giải quyết tranh chấp QSDĐ của cơ quan hành chính Nhà nước
Theo Điều 136 LĐĐ năm 2003, trường hợp TCĐĐ mà đương sự không có GCN QSDĐ hoặc không có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 thì việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, mà không cần khởi kiện ra TAND, cụ thể là:
- Trường hợp Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định cuối cùng;
- Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.
Trong đó, Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh giải quyết lần đầu đối với TCĐĐ giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết đối với tranh chấp giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, các nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư [8, Điều 160].
Như vậy, về cơ bản giống với LĐĐ năm 1993, LĐĐ năm 2003 cũng phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần đầu giữa UBND các cấp dựa vào tiêu chỉ chủ thể tham gia tranh chấp. Tuy nhiên, đến LĐĐ năm 2003, các chủ thể tham gia tranh chấp đã được dự liệu cụ thể và đầy đủ hơn, phạm vi chủ thể được mở rộng, xuất hiện một số chủ thể mới là cơ sở tôn giáo, người Việt
Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài. So với pháp luật giải quyết TCĐĐ thời kỳ trước, LĐĐ năm 2003 đã đạt được một bước phát triển hơn hẳn khi lần đầu đặt vấn đề tranh chấp có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Điều này hoàn toàn hợp lý với giai đoạn hiện nay, trong xu thể mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế, các chủ thể nước ngoài tham gia ngày càng nhiều vào các quan hệ dân sự, cụ thể là quan hệ đất đai.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 136 LĐĐ năm 2003, việc giải quyết TCĐĐ tại UBND được thực hiện theo hai cấp, trong đó cấp thứ hai là cấp giải quyết cuối cùng. Cấp giải quyết đối với khiếu nại quyết định lần đầu của Chủ tịch UBND huyện là Chủ tịch UBND tỉnh, khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều này hoàn toàn khác với quy định trước đây. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 LĐĐ năm 1993, nếu không có sự đồng ý với quyết định của UBND đã giải quyết tranh chấp, đương sự có quyền khiếu nại lên cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, do UBND giải quyết tranh chấp bằng một quyết định hành chính mà theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo cũng như Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp và muốn tiếp tục khiếu nại thì trước hết phải khiếu nại với người ra quyết định giải quyết tranh chấp. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại, tố cáo mà chưa được trả lời thì có quyền khiếu nại lên người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo hoặc khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 38 LĐĐ năm 1993 chưa khớp với Luật Khiếu nại tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. LĐĐ năm 2003 đã khắc phục được điều bất hợp lý này. Việc giải quyết TCĐĐ tại UBND được thực hiện ở hai cấp trong đó cấp thứ hai là cấp giải quyết cuối cùng một mặt đảm bảo được quyền công dân, mặt khác xác định rõ phạm vi, chức năng, thẩm quyền giải quyết TCĐĐ giữa TAND và cơ quan hành chính các cấp, tránh tình trạng đùn đẩy trách
nhiệm giữa các cơ quan khi giải quyết các tranh chấp, không để kéo dài thời gian giải quyết như trước đây.
Như đã phân tích, việc quy định cho UBND thẩm quyền giải quyết các TCĐĐ khi NSDĐ không có giấy tờ về QSDĐ xuất phát từ chính chức năng chủ yếu của UBND các cấp là thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai. Song, do những điều kiện về lịch sử, việc xác định ai là người có QSDĐ hợp pháp của UBND các cấp đôi khi cũng gặp phải ít nhiều khó khăn. Để đảm bảo cho việc giải quyết của UBND được chính xác, đúng pháp luật và có căn cứ, LĐĐ năm 2003, lần đầu tiên quy định các căn cứ để giải quyết TCĐĐ trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về QSDĐ. Khi giải quyết các tranh chấp loại này, UBND các cấp phải dựa trên: i) Những chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên đưa ra; ii) Ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết TCĐĐ của xã, phường, thị trấn do UBND xã, phường, thị trấn, tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp, bản, buôn, phum, sóc đối với khu vực nông thôn, đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn; iii) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương; iv) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; v) Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước; vi) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất [8, Điều 161].
Có thể nói, những quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động giải quyết TCĐĐ của UBND các cấp khá đầy đủ, rõ ràng và cụ thể, đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thời gian trước. Việc quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết TCĐĐ về QSDĐ khi NSDĐ chưa có các giấy tờ về QSDĐ chỉ mang tính "quá độ" trong điều kiện hiện nay khi Nhà nước ta chưa cấp xong GCN QSDĐ cho NSDĐ. Theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ phấn đấu trong thời gian nhanh nhất cấp xong GCN QSDĐ cho
NSDĐ trong cả nước, khi đó, thẩm quyền giải quyết TCĐĐ của UBND các cấp sẽ được chuyển giao cho TAND giải quyết.
* Thẩm quyền giải quyết TCĐĐ liên quan đến địa giới hành chính
Khác với tranh chấp về QSDĐ do cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết theo quy định tại Luật Đất đai, các TCĐĐ liên quan đến địa giới hành chính phần lớn được điều chỉnh bởi các quy phạm của Hiến pháp.
Theo Điều 137 LĐĐ năm 2003, các TCĐĐ liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị đó cùng phối hợp giải quyết. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm tham mưu, cung cấp tài liệu cần thiết để làm sáng tỏ những bất đồng về địa giới để các cơ quan hành chính các cấp phối hợp tìm biện pháp giải quyết tìm biện pháp giải quyết một cách có hiệu quả.
Nếu trong quá trình phối hợp giải quyết mà các bên không đạt được sự nhất trí về phương án và cách thức giải quyết thì căn cứ vào quy định của Hiến pháp năm 1992 về thẩm quyền phân vạch địa giới các cấp hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, căn cứ và khoản 10 Điều 84 Hiến pháp 1992, Quốc hội có thẩm quyền phân vạch địa giới giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và theo khoản 8 Điều 112 của Hiến pháp, Chính phủ có thẩm quyền phân vạch địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.
Như vậy, đối với TCĐĐ liên quan đến địa giới hành chính trách nhiệm phối hợp của các cấp hành chính là rất quan trọng, để từ đó có phương án tối ưu trong việc đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân trong vùng tranh chấp, đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, gắn việc giải quyết quyền lợi về đất đai với việc ổn định về địa giới trong trường hợp có sự thay đổi về địa giới hành chính.