Phương hướng chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho thuê tài chính ở việt nam (Trang 77 - 79)

Chương 3 : Giải pháp kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho thuê tài chính

3.1. Phương hướng chung

Dựa trên lý luận về bản chất của hoạt động cho thuê tài chính, quy định thực của pháp luật thực định, thực tiễn áp dụng và thi hành tại Việt Nam cùng với kinh nghiệm của một số quốc gia, tổ chức trên thế giới, tác giả xin đưa ra những phương hướng hoàn thiện các biện pháp pháp lý nhằm kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho thuê tài chính như sau:

Thứ nhất, xây dựng pháp luật về cho thuê tài chính cần có cái nhìn bao quát từ luật dân sự và luật thương mại nói chung trước khi đưa ra các quy định cụ thể dựa trên lĩnh vực luật tài chính ngân hàng.

Định nghĩa về cho thuê tài chính thiếu đồng bộ giữa Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định 39/2014/NĐ-CP, không xây dựng trên định nghĩa về cho thuê tài sản cho thấy các quy định về cho thuê tài chính thiếu tính hệ thống. Điều này dẫn tới các quy định về quan hệ cho thuê tài chính không phản ánh được bản chất ba bên của giao dịch này, thiếu sót khi quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên. Nhiều quốc gia trên thế giới có những đạo luật hoặc nhóm quy định riêng về cho thuê và cho thuê tài chính nhằm điều chỉnh vấn đề này một cách chi tiết. Chúng ta thường quy định nó dưới dạng một nghị định hướng dẫn của Luật các tổ chức tín dụng thì càng cần thận trọng hơn trong việc giải quyết những mâu thuẫn của luật chuyên ngành và luật chung.

Thứ hai, xây dựng pháp luật về cho thuê tài chính trước tiên cần tham khảo và sau đó hướng tới đồng bộ hóa với pháp luật cho thuê tài chính quốc tế.

Có sự hài hòa giữa các hệ thống pháp luật và xây dựng được hành lang pháp lý chung sẽ hạn chế nhiều rủi ro trong các giao dịch cho thuê tài chính có yếu tố nước ngoài. Theo tác giả, những nguồn luật có giá trị tham khảo là (i) Bộ luật thương mại thống nhất (UCC) của Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ là nơi khai sinh ra công cụ

cho thuê tài chính và hệ thống pháp luật có nhiều kinh nghiệm điều chỉnh vấn đề này; (ii) Công ước UNIDROIT về cho thuê tài chính quốc tế năm 1988 vì đây là điều ước quốc tế về cho thuê tài chính có nhiều quốc gia tham gia nhất (20)145

trong đó có cả Hoa Kỳ; (iii) Luật mẫu về cho thuê của UNIDROIT năm 2008 vì đây là công trình được nghiên cứu công phu bởi các học giả hàng đầu thế giới về cho thuê tài chính nhằm hướng dẫn hoạt động lập pháp về cho thuê tại các quốc gia đang phát triển hoặc các quốc gia muốn hội nhập vào thị trường cho thuê tài chính quốc tế, Luật mẫu cũng được những tổ chức tài chính quốc tế như IFC đánh giá cao và luôn sử dụng trong các dự án hỗ trợ phát triển thị trường cho thuê tài chính của mình.146

Thứ ba, xây dựng pháp luật về cho thuê tài chính cần tham khảo những kiến nghị từ Hiệp hội cho thuê tài chính.

Hiệp hội cho thuê tài chính có vai trò đại diện cho các công ty cho thuê tài chính trong kênh giao tiếp với cơ quan chính sách. Các công ty cho thuê tài chính là những chủ thể trực tiếp áp thi hành các quy định của pháp luật về cho thuê tài chính và do đó có hiểu biết rõ ràng nhất về tính hiệu quả thực thi của các quy định này trên thực tế. Họ đóng vai trò phản biện quan trọng trong việc chỉ ra những bất cập của hành lang pháp lý. Những phản hồi của các công ty cho thuê tài chính là thước đo chuẩn mực xem pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh hay chưa, tồn tại rủi ro pháp lý gì từ hệ thống pháp luật chưa được giải quyết. Tuy vậy nhiều ý kiến đóng góp của họ về hoàn thiện pháp luật vẫn chưa được tiếp thu kịp thời, chẳng hạn trong vấn đề thu hồi tài sản có những bất cập của Thông tư liên tịch số 08/2007/TT-NHNN-BCA-BTP đã được phản ánh từ năm 2011 mà đến nay 7 năm sau vẫn chưa có quy định nào thay thế.

145

Status - UNIDROIT Convention on international financial leasing (OTTAWA, 1988) https://www.unidroit.org/status-leasing-conv-1988 truy cập 17/11/2018

Thứ tư, pháp luật về cho thuê tài chính hướng tới kiểm soát rủi ro cần đứng trên vị trí trung lập, bảo vệ lợi ích cân bằng cho cả bên cho thuê và bên thuê.

Nhu cầu kiểm soát rủi ro của nhà làm luật chủ yếu hướng tới chủ thể cho thuê tài chính vì pháp luật điều chỉnh hoạt động này thuộc lĩnh vực luật tài chính ngân hàng nhưng cũng cần phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường cho thuê tài chính nói chung. Tuy nhiên đối tượng khách hàng của thị trường cho thuê tài chính chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm lực kinh tế, xã hội yếu. Nếu không bảo vệ quyền lợi của bên thuê một cách thích hợp thì sẽ làm các doanh nghiệp e ngại tiếp cận kênh vốn này và do đó không đạt được mục tiêu dẫn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế kênh vay vốn ngân hàng.

Thứ năm, cần tuyên truyền phổ biến hiệu quả hơn về việc tự áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với mỗi bên trong giao dịch cho thuê tài chính.

Tuy có liên quan đến lợi ích công cộng và có sự kiểm soát từ nhà nước nhưng giao dịch này vẫn mang đầy đủ đặc thù của quan hệ kinh doanh thương mại, do vậy các biện pháp kiểm soát rủi ro dựa trên hợp đồng và công cụ quản trị doanh nghiệp vẫn là những biện pháp hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho thuê tài chính ở việt nam (Trang 77 - 79)