2.3. TÁC ĐỘNG CỦA CAM KẾT ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ,
2.3.1. Đánh giá chung:
a) Về phạm vi cam kết:
Mặc dù WTO không có Hiệp định đa phương điều chỉnh với phạm vi rộng các hoạt động đầu tư nước ngoài nói chung cũng như các điều kiện đầu tư, kinh doanh nói riêng, song với những nội dung đã trình bày ở trên, có thể thấy rằng, Việt Nam đã đưa ra cam kết tương đối toàn diện, bao quát hầu hết các quy định về vấn đề này (từ việc minh bạch hóa Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư/ kinh doanh, Danh mục lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện đến việc thực hiện những yêu cầu ràng buộc về điều kiện, thủ tục cấp phép kinh doanh xuất nhập, khẩu và hoạt động đầu tư trong một số ngành sản xuất, dịch vụ). Mặt khác, các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo cam kết của Việt Nam với WTO cũng có phạm vi khá rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh mà trên thực tế pháp luật, chính sách hiện hành đã quy định phải có điều kiện. Do vậy, cho dù các ngành/phân ngành dịch vụ đầu tư có điều kiện được cam kết mở cửa theo nguyên tắc chọn- cho, song với phạm vi rộng như vậy, thì các cam kết với WTO về vấn đề này đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt
Nam. Thực tế cho thấy, ngoài các ngành/phân ngành dịch vụ thuộc Biểu cam kết về dịch vụ, pháp luật Việt Nam hầu như không áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với các ngành khác... Mặt khác, so với BTA (cam kết mở cửa 8 ngành dịch vụ với 65 phân ngành) thì cam kết của Việt Nam với WTO có phạm vi rộng hơn (11 ngành với 110 phân ngành).
Với những lý do đó, có thể khẳng định rằng, trừ một số ít các lĩnh vực đầu tư có liên quan đến an ninh, quốc phòng thì hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong thời gian tới sẽ chịu sự tác động và điều chỉnh chủ yếu bới các cam kết của Việt Nam với WTO.
b) Mức độ cam kết:
Trên tổng thể, các cam kết của Việt Nam với WTO về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện và các vấn đề có liên quan đều phản ánh hiện trạng pháp luật, chính sách cũng như thực tiễn quản lý ở Việt Nam. Cụ thể, đối chiếu với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, có thể đánh giá mức độ cam kết của Việt Nam với WTO về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong một số ngành dịch vụ như sau:
- Một số ngành/phân ngành dịch vụ đều được cam kết mở cửa với những điều kiện phù hợp với các quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam, hay nói một cách khác là chỉ mở cửa theo đúng các điều kiện mà pháp luật đã cho phép (VD: dịch vụ hàng hải, kiểm toán, kế toán, quảng cáo, pháp lý, điều hành tuor du lịch...).
- Mức độ mở cửa một số ngành khác thậm chí còn chặt chẽ hơn cả các điều kiện và mức độ cho phép của pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn quản lý (VD: y tế, giáo dục, nhà hàng, khách sạn, xây dựng, môi trường, vận
tải đường bộ, tư vấn kỹ thuật, tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và nhiều ngành dịch vụ kinh doanh khác...).
- Một số ngành/ phân ngành dịch vụ được cam kết mở cửa với phạm vi, điều kiện thuận lợi hơn và/hoặc chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành (VD: bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, phân phối, dịch vụ hỗ trợ vận tải; và một số quy định về lập chi nhánh đối với các ngành thuộc Biểu cam kết, về tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong các ngân hàng thương mại cổ phần nói rêng, về cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải...).
So sánh với cam kết trong BTA, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh trong các ngành dịch vụ theo cam kết với WTO có mức độ ngang bằng hoặc nếu có "mở" hơn thì mức độ cũng không đáng kể. Hầu hết các ngành dịch vụ, trong đó có một số ngành nhạy cảm (như bảo hiểm, phân phối, du lịch...) đều có mức độ cam kết gần như quy định của BTA. Một số ngành/phân ngành (như viễn thông, ngân hàng và chứng khoán...) tuy có mức cam kết tương đối cao hơn so với BTA, nhưng nhìn chung không đi quá xa thực tiễn quản lý và đều phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển đã được phê duyệt [18].
Ngoài ra, các cam kết về hình thức hiện diện thương mại trong các ngành dịch vụ, về điều kiện kinh doanh xuất, nhập khẩu, về điều kiện đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp trong khu kinh tế, về điều kiện đầu tư trong một số ngành sản xuất theo quy định tại Hiệp định TRIMs cũng như các yêu cầu về minh bạch hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh và chế độ cấp phép trong các ngành dịch vụ... đều có mức độ phù hợp với pháp luật hiện hành và/hoặc phản ánh những biện pháp mà dù các cam kết với WTO có yêu cầu hay không thì Việt Nam vẫn cần phải thực hiện nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh.