Căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng (Trang 37 - 39)

- Điều kiện bảo lãnh: Để được ngân hàng bảo lãnh, cần có đủ các điều kiện sau: Phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự

2.5.1. Căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Bộ luật Dân sự đã quy định tại Điều 361:

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình [20].

Theo điều luật trên thì việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh chỉ được đặt ra khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Theo quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm hướng dẫn thi hành một số quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật dân sự, thì căn cứ để thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định, bao gồm các trường hợp:

Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ đó, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; Bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trường hợp thứ nhất, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh (nghĩa vụ chính) mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Với quy định này, ta thấy rõ ý định của nhà làm luật trong việc thiết lập nghĩa vụ liên đới giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh. Nghĩa là, cứ đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, thì người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ, mà hoàn toàn không phụ thuộc vào việc người được bảo lãnh có khả năng trả nợ hay không.

Trường hợp thứ hai, nghĩa vụ bảo lãnh phải thực hiện trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính do bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Đây là trường hợp đặc biệt mà Nghị định này đã quy định bổ sung cho Bộ luật Dân sự. Quy định này là cần thiết vì thực tế quan hệ bảo lãnh thường xuyên xảy ra các tranh chấp loại này.

Ví dụ: Công ty đóng tàu A (bên được bảo lãnh) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội B (bên nhận bảo lãnh) ký kết một hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn 3 năm, có sự bảo lãnh của Tổng công ty vận tải tàu biển C (bên bảo lãnh) để thực hiện hợp đồng này. Đến một thời hạn nhất định, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả lãi vay vốn định kỳ Công ty đóng tàu A đã thực hiện không đúng nghĩa vụ trả lãi đúng định kỳ như hợp đồng tín dụng đã ký kết. Khi đó Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội B (bên bảo lãnh) có đầy đủ cơ sở để cho rằng bên được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng tín dụng, họ có quyền yêu cầu bên bảo lãnh là Tổng công ty vận tải tàu biển C phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là khi bên được bảo lãnh thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình như đã cam kết mà không phải là đến thời hạn theo như quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp thứ ba, bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Quy định này không nói rõ tình trạng không có khả năng thanh toán của người được bảo lãnh xảy ra ở thời điểm nào (trước hoặc sau khi nghĩa vụ chính đến hạn). Vì vậy, cần xem xét theo hai trường hợp sau đây:

Trong trường hợp thứ nhất là người được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ trước khi nghĩa vụ đến hạn, điển hình nhất là trường hợp người được bảo lãnh bị tuyên bố phá sản. Ngay sau khi hoàn tất thủ tục tuyên bố phá sản bằng quyết định có hiệu lực của Tòa án, thì người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ.

Trong trường hợp thứ hai, người được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ sau thời điểm nghĩa vụ chính đến hạn. Nếu khả năng trả nợ của người được bảo lãnh đã được chứng minh bằng một quyết định của Tòa án thì đương nhiên người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)