Theo Từ điển tiếng Việt, "chủ thể là đối tượng gây ra hành động trong quan hệ đối lập với đối tượng bị chi phối của hành động, gọi là khách thể" [48]. Trong lý luận giáo dục, chủ thể giáo dục được xác định là thầy, cô giáo và tất cả những người làm công tác giáo dục.
Trong khoa học pháp lý, chủ thể của giáo dục pháp luật được xác định là tất cả những người mà theo chức năng, nhiệm vụ hay trách nhiệm xã hội,
đã tham gia góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật. Như vậy, căn cứ vào ba yếu tố chủ yếu là chức năng, nhiệm vụ của chủ thể và mối quan hệ trực tiếp của chủ thể với đối tượng của giáo dục pháp luật có thể phân chia chủ thể giáo dục pháp luật ở ba mức độ khác nhau:
- Là tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, các cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan đó, bằng những hoạt động của mình lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật và đóng vai trò là các "kênh" thông tin đưa kiến thức pháp luật đến với đối tượng giáo dục pháp luật.
- Là tất cả những người theo chức năng, nhiệm vụ hay trách nhiệm xã hội (cả trong và ngoài ngành giáo dục) tham gia vào thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật. Nhóm này bao gồm cả những người trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội được giao nhiệm vụ giáo dục pháp luật và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy pháp luật.
- Là những người mà nghề nghiệp (sự phân công của xã hội) trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục pháp luật - là một trong những chủ thể tham gia và quá trình dạy - học pháp luật.
Nếu căn cứ vào tính chuyên nghiệp trong hoạt động có thể chia chủ thể giáo dục pháp luật thành hai nhóm: chủ thể chuyên nghiệp và chủ thể không chuyên nghiệp.
Chủ thể chuyên nghiệp được hiểu là người có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu, trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giáo dục pháp luật. Đối với họ, hoạt động giáo dục pháp luật là nghề nghiệp chính, đem lại thu nhập chính trong đời sống hàng ngày, thời gian chủ thể đầu tư vào nó nhiều nhất. Trên thực tế, đã là các giáo viên giảng dạy pháp luật trong các nhà trường, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các biên tập viên, phát thanh viên, ban biên tập các tạp chí, sách báo có liên quan đến giáo dục pháp luật, các cá
nhân, tổ chức quản lý về công tác giáo dục pháp luật, các cá nhân, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ pháp luật, tổ chức trợ giúp pháp lý, cán bộ làm công tác nghiên cứu, chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật... Chủ thể chuyên nghiệp, là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục pháp luật.
Chủ thể không chuyên nghiệp là những người mà tuy chức năng chính không phải là giáo dục pháp luật nhưng một trong các nhiệm vụ của họ là bằng hoặc thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện các mục đích giáo dục pháp luật. Họ làm việc ở nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau như các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các cán bộ cơ quan hành pháp, tư pháp, các luật gia, luật sư, công chứng viên... chủ thể không chuyên nghiệp tuy không giữ vị trí nòng cốt nhưng có vai trò rất quan trọng. Nhờ những chủ thể không chuyên nghiệp nên công tác giáo dục pháp luật được triển khai rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng. Điều đó tạo được sức mạnh tổng hợp và đồng bộ cho công tác giáo dục pháp luật.
Về yêu cầu đối với chủ thể giáo dục pháp luật, do đặc thù của hoạt động giáo dục pháp luật mà chủ thể giáo dục cần có những yêu cầu sau:
Một là, chủ thể giáo dục cần có kiến thức pháp lý nhất định. Đây là yêu cầu hiển nhiên, bắt buộc đối với người làm công tác giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật nói riêng. Bởi lẽ, không có kiến thức pháp lý thì làm sao và lấy gì để truyền đạt kiến thức, giáo dục đối tượng.
Hai là, chủ thể phải có nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với công tác giáo dục pháp luật. Vì giáo dục pháp luật là một hoạt động mang tính chất xã hội, đối tượng phục vụ của giáo dục pháp luật là quảng đại quần chúng nhân dân, do đó một trong các yêu cầu đầu tiên và hết sức quan trọng của người làm công tác giáo dục pháp luật là có tinh thần nhiệt tình, tận tụy với công tác.
Tinh thần nhiệt tình trong công tác giáo dục pháp luật được thể hiện là không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn phấn khởi, hăng say trong công tác,
lấy công tác giáo dục pháp luật làm niềm vui, là niềm say mê; nó không đơn thuần là trách nhiệm được giao phó mà việc giáo dục pháp luật được cho nhiều người, nhiều đối tượng với chất lượng và hiệu quả là niềm vui của người làm công tác giáo dục pháp luật.
Người làm công tác giáo dục pháp luật còn cần phải tận tụy với công việc, luôn phấn khởi phục vụ cho mọi đối tượng, không quản ngại đối với những vấn đề mới, văn bản pháp luật mới; bản thân luôn phải cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên; tích lũy kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành, tài liệu, số liệu, dẫn chứng minh họa để hoàn thành công việc được giao.
Đặc biệt, vì đối tượng giáo dục pháp luật ở đây là thanh thiếu niên với trình độ nhận thức còn hạn chế nên những người là công tác giáo dục pháp luật lại càng cần phải kiên trì, nhẫn nại để chuyển tải được toàn bộ những nội dung giáo dục pháp luật cần thiết cho thanh thiếu niên, không được mệt mỏi, cáu gắt với những thắc mắc nhiều khi rất "ngây ngô" của thanh thiếu niên.
Ba là, chủ thể cần có khả năng nói và viết tốt. Giáo dục pháp luật là truyền đạt thông tin pháp luật và giải thích pháp luật cho người khác, chính vì thế ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của người làm công tác giáo dục pháp luật. Sự kết hợp giữa khả năng nói và viết trong người làm công tác giáo dục pháp luật sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác.
Bốn là, chủ thể giáo dục pháp luật phải có khả năng hòa đồng và giao tiếp. Làm công tác giáo dục pháp luật là làm công tác vận động quần chúng, nó không thuần túy là đi thông tin và giải thích pháp luật cho các đối tượng được tuyên truyền.
Trước khi thực hiện công tác giáo dục pháp luật, người làm công tác giáo dục pháp luật cần phải biết đối tượng được giáo dục là ai, họ cần gì, công
việc của họ ra sao, họ đang cần lĩnh vực pháp luật nào và mình phải quan hệ công tác với họ như thế nào?
Giáo dục pháp luật là một hoạt động mang tính chất hai chiều, không đơn thuần là sự truyền đạt thông tin và giải thích pháp luật của người làm công tác giáo dục pháp luật có mà sự phản hồi của đối tượng được tuyên truyền. Họ có lắng nghe thông tin về pháp luật không? Đồng thời, họ có thể đặt câu hỏi hay thể hiện chính kiến về việc giải thích pháp luật đúng hay không đúng của người đi giải thích không? Sự cọ xát hai chiều về cùng vấn đề được trao đổi sẽ làm cho công tác giáo dục pháp luật đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Năm là, người giáo dục pháp luật phải biết tích lũy tư liệu, kiến thức. Hoạt động giáo dục pháp luật vừa mang tính thời sự vừa mang tính lâu dài. Chỉ có thể tham gia vào hoạt động giáo dục pháp luật khi có đủ kiến thức, trình độ, kinh nghiệm về công tác pháp luật. Để đạt được các điều kiện đó thì người làm công tác giáo dục pháp luật cần phải tích lũy tư liệu, kiến thức; bao gồm kiến thức pháp lý, pháp luật hiện hành, đường lối chính sách của Đảng, kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội, kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam và nước ngoài.
Sáu là, chủ thể giáo dục pháp luật phải có kiến thức nhất định về tâm lý học tuyên truyền. Hiểu được tâm lý học tuyên truyền chính là hiểu được các quy luật tâm lý phát sinh, vận động trong quá trình tiếp nhận thông tin pháp luật của các loại đối tượng được thể hiện trong tất cả các giai đoạn tiến hành giáo dục pháp luật đối với các đối tượng. Trong quá trình giáo dục pháp luật còn phải nắm bắt sự phản ứng, sự tiếp nhận của họ như thế nào về nội dung được tuyên truyền.
Sau khi tuyên truyền giáo dục pháp luật cho một loại đối tượng, chủ thể giáo dục pháp luật còn phải biết nghe dư luận xã hội và sự phản ứng tích cực, tiêu cực của các đối tượng được giáo dục về nội dung được giới thiệu.
Tất cả những động thái như vậy, người làm công tác giáo dục pháp luật đều cần phải nắm bắt để dự liệu, để chuẩn bị hành trang cho mình. Sự chuẩn bị về kiến thức cho công tác giáo dục pháp luật là cần thiết, đồng thời người làm công tác giáo dục pháp luật còn phải hiểu biết trạng thái tâm lý khác nhau của các đối tượng được tuyên truyền, đó chính là tâm lý học tuyên truyền mà người làm công tác giáo dục pháp luật cần phải có.
Bảy là, tùy từng vị trí công tác, địa bàn hoạt động, người làm công tác giáo dục pháp luật cần phải có những hiểu biết về xã hội, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền nhất định. Chẳng hạn, khi giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở Hà Nội, người giáo viên, giảng viên không thể không hiểu biết về những đặc điểm đặc trưng của thủ đô, về đặc điểm, tình hình thanh thiếu niên ở quận, huyện, phường xã nơi mình giảng dạy, những thói quen, tập quán của khu vực đó. Những hiểu biết đó góp phần quan trọng vào thành công, hiệu quả của từng bài giảng nói riêng và cả chương trình giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở khu vực nói chung.