Việc xác định đúng, đủ nội dung hoạt động giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giáo dục pháp luật, tuy nhiên nội dung giáo dục pháp luật không thể tự đi vào nhận thức, tình cảm của đối tượng, mà phải thông qua cách thức tác động phù hợp với đặc thù và khả năng tiếp nhận của đối tượng.
Một hình thức giáo dục pháp luật cần đặc biệt chú trọng, đó là dạy học pháp luật ở nhà trường. Nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học là con đường đem lại hiệu quả giáo dục pháp luật cao. Muốn vậy, cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và hình thức ngoại khóa pháp luật. Dạy học không chỉ tiến hành ở trên lớp mà còn cùng các em đi vào thực tế cuộc sống, vừa trang bị kiến thức vừa giúp các em tích lũy vốn sống và rèn luyện để trở thành chủ thể pháp luật có tri thức, có văn hóa pháp lý.
Cũng như việc giáo dục các môn học, các lĩnh vực khác, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên muốn đạt hiệu quả cao thì ngoài việc đổi mới, hoàn thiện nội dung, cần cải tiến phương pháp và hình thức giáo dục. Vì pháp luật là vấn đề gần với đời sống và dễ tìm được những thực tiễn điển hình nên giáo viên, giảng viên có những thuận lợi nhất định trong việc truyền tải nội dung và thu hút sự chú ý của thanh thiếu niên. Việc lựa chọn, áp dụng hình
thức giáo dục pháp luật phải dựa trên cơ sở phù hợp với nội dung và điều kiện sinh hoạt của địa bàn dân cư.
Phương hướng chung trong cải tiến phương pháp, hình thức giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên như sau:
- Phát huy vai trò chủ thể nhận thức, tính chủ động của thanh thiếu niên để đưa họ vào các hoạt động và thực sự hoạt động thông qua các "tình huống" mà giáo viên, giảng viên đưa ra. Qua đó, người học sẽ nắm bắt những tri thức về pháp luật và hình thành ý thức pháp luật, hình thành thái độ, hành vi và thói quen xử sự phù hợp với các quy tắc pháp luật.
- Nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng bộ công cụ hỗ trợ dạy và học môn giáo dục công dân, pháp luật, bao gồm: sách, tài liệu tham khảo, đĩa hình, giáo cụ trực quan khác. Đa dạng hóa các loại tài liệu giáo dục pháp luật, bao gồm: sách, tờ gấp, băng, đĩa hình, đĩa tiếng, lịch, panô, áp phích.
Phương hướng cụ thể đối với các Đoàn, Hội ở Hà Nội:
Trước hết, tăng cường hình thức phổ biến, tuyên truyền miệng. Đây là hình thức phổ biến, giáo dục rất hiệu quả, nó không chỉ truyền đạt thông tin mà còn truyền cảm xúc, thái độ, sắc thái tình cảm sang người nghe, làm cho người nghe đón nhận vấn đề bằng cả lý trí và tình cảm. Vì vậy, cần đa dạng hóa cách thức thể hiện, không chỉ thông qua buổi lên lớp mà bằng những cách thức như tọa đàm, buổi nói chuyện, hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát... Khi giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, các bài viết cần đi vào những vấn đề thực tiễn, đặt ra và định hướng giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội. Bài viết phải thể hiện thái độ dứt khoát, thẳng thắn, có tính đấu tranh. Cần xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các hoạt cảnh trên phát thanh hoặc truyền hình và yêu cầu khán giả trả lời có thưởng qua hệ thống tin nhắn, điện thoại và mở thêm các chuyên mục pháp luật với nhà nông, pháp luật với học sinh, sinh viên, pháp luật với doanh
nghiệp... Xây dựng trang web riêng về công tác giáo dục pháp luật để người dân có thể cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật.
Ngoài ra, cần lồng ghép việc giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Thông qua các buổi họp, buổi nói chuyện thời sự, sinh hoạt văn nghệ chào mừng các ngày lễ, lễ hội với hình thức là câu chuyện có chủ đề, vở kịch, bài hò vè, hát đối đáp, bài hát cải biên... Xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong cộng đồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa pháp lý hấp dẫn và bổ ích. Tuy nhiên, trong thực tế các cuộc thi, đặc biệt là thi viết vẫn mang tính hình thức, việc chép lại, in lại đáp án còn phổ biến. Do vậy, đối với nội dung thi viết câu hỏi theo hướng mở đồng thời qui định nếu bài làm hoàn toàn giống nhau sẽ bị loại. Nên mở rộng hình thức thi qua sân khấu, vừa đa dạng cách thức chuyển tải nội dung vừa hấp dẫn, lôi cuốn người xem, vừa có tác dụng phổ biến vừa có tác dụng giáo dục. Các cuộc thi này được phát trên truyền hình sẽ phát huy tác dụng giáo dục mạnh mẽ.
Đối với hình thức giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp luật cần mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các làng, xã, bản, tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Khi trợ giúp, một mặt vừa giúp đỡ, giải quyết vấn đề đối tượng quan tâm, mặt khác trang bị vốn kiến thức cho họ, giúp họ có khả năng xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Công tác xét xử của Tòa án cũng góp phần không nhỏ vào công tác giáo dục pháp luật và nâng cao chất lượng xét xử cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật.
Tổ chức các hình thức giáo dục pháp luật đa dạng như: sinh hoạt câu lạc bộ "thanh thiếu niên với pháp luật", hội thảo về phương pháp tuyên truyền
pháp luật, diễn đàn "thanh thiếu niên với pháp luật", hội thi tìm hiểu pháp luật, Hội thi tìm hiểu pháp luật dưới dạng sân khấu hóa; thi vấn đáp, thi trắc nghiệm về pháp luật; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn pháp luật ngắn hạn cho thanh thiếu niên, xây dựng tủ sách gắn với tổ chức phòng đọc sách, báo pháp luật; internet tuyên truyền về pháp luật, xây dựng các cụm panô, cung cấp tờ rơi, sổ tay, tuyên truyền về pháp luật cho thanh thiếu niên; tổ chức các diễn đàn Sinh viên với pháp luật tập trung vào những nội dung nhằm hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật gắn với việc cuộc vận động xây dựng văn hóa người Hà Nội; Tăng cường đưa nội dung giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, giáo dục thể chất, các hoạt động vui chơi giải trí cho thanh niên sinh viên.
Có hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, hình thức biểu hiện kết quả học tập để kích thích biểu hiện sự hứng thú, tích cực, sáng tạo của thanh thiếu niên, nhằm rèn luyện hành vi của họ phù hợp với các chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực xã hội khác và khả năng tự kìm chế những hành vi sai lệch các chuẩn mực này. Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung pháp luật. Phát huy hiệu quả của hình thức thi viết, thi qua hình thức sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật trên truyền hình; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trên mạng Internet; chú trọng lồng ghép nội dung pháp luật vào các buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Xây dựng các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mở trại sáng tác văn học về đề tài pháp luật.
Việc lựa chọn hình thức phù hợp là vấn đề quan trọng nhưng chưa đủ, chủ thể giáo dục pháp luật còn biết sử dụng phương pháp giáo dục pháp luật tối ưu để thực hiện. Muốn có phương pháp giáo dục pháp luật hiệu quả phải xuất phát từ đối tượng, nội dung cụ thể. Xu hướng chung là tránh sự truyền đạt một chiều mà tăng cường giao lưu, đối thoại, phát huy tính tích cực của
đối tượng. Cần nêu vấn đề, nêu các tình huống, các vụ án để người nghe tiếp cận, nhận diện và xử lý sau đó báo cáo viên, tuyên truyền viên chốt lại vấn đề trên cơ sở qui định pháp luật. Phương pháp giáo dục pháp luật không chỉ nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà còn cung cấp phương pháp tiếp cận, phương pháp giải quyết vấn đề cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đời sống xã hội.