Một số nguyên tắc cơ bản của HĐUTMBHH

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 29 - 31)

Nguyên tắc cơ bản của HĐUTMBHH là những tư tưởng chủ đạo có tính bắt buộc chung đối với các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng.

1.5.1 Nguyên tắc tự do, tự nguyện và bình đẳng

Nội dung của nguyên tắc này là thoả thuận giữa các bên về công việc MBHH được uỷ thác phải đảm bảo quyền tự do ý chí trong giao kết và thực

hiện hợp đồng. Không thể lấy lý do khác biệt để làm biến dạng các quan hệ hợp đồng. Chỉ khi nguyên tắc tự do ý chí được đảm bảo thì sự tự nguyện và bình đẳng mới được thể hiện đầy đủ.

Mọi biểu hiện về sự lừa dối, nhầm lẫn trong giao kết và thực hiện hợp đồng đều bị xem là vi phạm nguyên tắc và vô hiệu. Tính bảo đảm trong thoả thuận hợp đồng thể hiện, các quyền, nghĩa vụ giữa các bên là tương xứng, những biểu hiện đặc quyền hay đơn vụ đều được xem là không đáp ứng nguyên tắc.

1.5.2 Nguyên tắc thiện chí, trung thực

Nội dung của nguyên tắc thể hiện, việc giao kết và thực hiện hợp đồng trên tinh thần hợp tác, tương trợ, hướng tới sự cùng tồn tại, cùng phát triển. Không thể có sự thiện chí, trung thực khi có dấu hiệu lừa dối ở bất kỳ giai đoạn nào của hợp đồng.

Yêu cầu về sự trung thực, thiện chí trong hợp đồng không chỉ nhằm phát triển quan hệ thân thiện, đó còn là nguyên tắc căn bản trong kinh doanh.

1.5.3 Nguyên tắc đảm bảo cam kết

Nội dung của các thoả thuận trong HĐUTMBHH là kết quả của sự tự do, tự nguyện và bình đẳng giữa các bên. Các điều khoản trong hợp đồng là kết quả cuối cùng của sự độc lập về ý chí. Các bên tự đảm bảo rằng lựa chọn đó được quyết định trong hoàn cảnh mà sự tự do ý chí được thể hiện đầy đủ. Các bên tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Khi các bên đã thống nhất các điều khoản trong hợp đồng thì nó có giá trị ràng buộc các bên. Cam kết hợp đồng cần được tôn trọng nhằm tránh thiệt hại cho các bên khi thực hiện thoả thuận đó.

Nguyên tắc hướng tới sự ổn định, vận động bình thường có kiểm soát của các quan hệ kinh doanh cũng như các quan hệ xã hội. LTM và BLDS không nêu cụ thể nguyên tắc này nhưng tinh thần của các nguyên tắc và điều luật đều hướng đến nội dung này.

1.5.4 Nguyên tắc không xâm phạm đến lợi ích hợp pháp khác

Đây là nguyên tắc quan trọng nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng khi các bên giao kết và thực hiện hợp đồng. Hợp đồng là kết quả cuối cùng của tự do ý chí, tuy nhiên trong mối liên hệ xã hội, không có hoạt động nào lại không ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới các mối quan hệ xã hội khác. Do đó, việc giao kết và thực hiện hợp đồng của các bên không được xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước.

Nhà nước đã đặt ra các giới hạn và có cơ chế để bảo vệ các lợi ích đó, tuy thế xác định và đòi hỏi tuân thủ nguyên tắc được xem là cần thiết đối với mọi mối quan hệ, trong đó có quan hệ hợp đồng.

Các nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng, là chuẩn mực, định hướng xử sự cho các bên trong giao kết và thực hiện HĐUTMBHH; đó cũng đồng thời là căn cứ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát quan hệ hợp đồng theo định hướng nhất định.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 29 - 31)