Vai trò và ‎‎ý nghĩa của HĐUTMBHH

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 40 - 42)

Cùng với sự khẳng định của thời gian và những đóng góp quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, hoạt động UTMBHH đã thể hiện vai trò và ý nghĩa của nó trong sự vận động, phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Ngay từ thời kỳ, khi mà các hoạt động TGTM khác chưa có vị trí trong nền kinh tế, hoạt động UTMBHH đã khẳng định được vai trò và ý nghĩa của nó trong khu vực kinh tế có yếu tố nước ngoài, với các hoạt động uỷ thác xuất nhập khẩu. Đến nay, UTMBHH vẫn được xem là kênh giao dịch thiết yếu trong kinh doanh.

1.7.1 HĐUTMBHH là thoả thuận quan trọng mang tính nền tảng pháp lý cho hoạt động UTMBHH

Sẽ không có cơ chế nào hữu hiệu hơn cho thoả thuận kinh doanh mà không thông qua cơ chế hợp đồng. Hợp đồng là biểu hiện vật chất ghi nhận có sự tồn tại của một thoả thuận pháp lý hướng đến sự xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng.

HĐUTMBHH là cơ sở pháp lý cho các bên tham gia quan hệ UTMBHH xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp đồng.

1.7.2 Ghi nhận sự tự do thể hiện ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng

Hợp đồng ghi nhận tự do ý chí và sự thể hiện tự do ý chí của các bên tham gia quan hệ HĐUTMBHH, yếu tố quan trọng hình thành hợp đồng và từ đó phát sinh các quyền, nghĩa vụ pháp lý. Chỉ các hành vi xuất phát từ ý chí của một người mới có hiệu lực ràng buộc với người đó. Và, về nguyên tắc, một người chỉ bị ràng buộc khi ý chí của người đó muốn như vậy và theo cách người đó muốn. Các điều khoản trong hợp đồng là kết quả cuối cùng của sự tự lựa chọn của các bên. Mọi biểu hiện vi phạm tự do ý chí sẽ được loại trừ khi tự do ý chí xác định cơ chế hợp đồng.

1.7.3 Căn cứ pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên

Sẽ không có căn cứ cho bất cứ giải pháp nào của thoả thuận đã giao kết nếu không có sự hiện diện thực tế của hợp đồng. HĐUTMBHH là cơ sở pháp lý cho các giải pháp đối với tranh chấp trong quá trình thực hiện hoạt động uỷ thác mua, bán hàng hoá. Thông qua HĐUTMBHH, các cơ quan tài phán có thể xác định được lỗi, thiệt hại thực tế, giải quyết các bất đồng, áp dụng chế tài phù hợp nhằm bảo vệ quan hệ hợp đồng.

1.7.4 Tạo điều kiện cho thương nhân khai thác và sử dụng TGTM như một kênh giao dịch hiệu quả trong hoạt động kinh doanh

Bên nhận uỷ thác thường là thương nhân hiểu biết, nắm vững tình hình thị trường, pháp luật và tập quán địa phương. Do đó, họ có khả năng đẩy

mạnh việc giao lưu buôn bán, hạn chế được rủi ro, có nhiều cơ hội mua, bán hàng hoá với giá cả có lợi cho bên uỷ thác.

Các thương nhân nhận uỷ thác có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên thực hiện các dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp, thông qua họ bên uỷ thác giảm bớt được thời gian, chi phí cho việc mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh. Các chi phí thường lớn hơn rất nhiều so với khoản thù lao mà bên uỷ thác bỏ ra khi sử dụng dịch vụ trung gian thương mại.

1.7.5 Giúp nhà nước kiểm soát hoạt động MBHH qua trung gian

Thực tiễn giao kết và thực hiện HĐUTMBHH và quá trình giải quyết những tranh chấp phát sinh từ hoạt động UTMBHH giúp nhà nước kiểm soát tốt hơn các hoạt động MBHH qua trung gian.

Qua kiểm tra, phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng có thể sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn kinh doanh, bảo vệ quan hệ hợp đồng, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 40 - 42)