3.2. Các giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động công bố thông tin
3.2.2. Hoàn thiện cơ chế công bố thông tin của công ty đại chúng
Hoạt động công bố thông tin của công ty đại nhằm giúp việc tìm kiếm và thu thập thông tin cho các bên được dễ dàng. Xem xét cách thức thực hiện CBTT của công ty đại chúng tại một số quốc gia cho thấy công ty đại chúng có thể thực hiện công bố thông tin qua hai cơ chế sau:
Công bố thông tin trực tiếp: là hình thức công ty đại chúng CBTT trực
tiếp ra công chúng (qua website) song song với báo cáo cho cơ quan quản lý
Công bố thông tin gián tiếp: là hình thức công ty đại chúng CBTT qua cơ quan quản lý như Uỷ ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán, tiếp đó cơ quan quản lý sẽ kiểm tra thông tin và CBTT ra thị trường. Đây là cơ chế được phổ biến áp dụng với những nước có quy mô thị trường nhỏ, các công ty chưa quen với việc công bố thông tin và khung pháp lý chưa rõ ràng, đầy đủ.
Cơ chế CBTT nào cũng có những thuận lợi và bất cập đi kèm. Tại một số nước như Đức, Anh... việc CBTT của công ty đại chúng được thực hiện kết hợp giữa hai cơ chế trên, cụ thể là các công ty đại chúng CBTT trực tiếp ra công chúng song song với báo cáo cơ quan quản lý, ngoại trừ một số thông tin nhạy cảm công ty phải báo cáo cơ quan quản lý như UBCKNN, SGDCK để kiểm tra về mức độ chính xác thông tin, rồi mới được công bố ra công chúng. Thời hạn để cơ quan quản lý kiểm tra thông tin được quy định rất nghiêm ngặt (chỉ khoảng từ 1/2 tiếng đến 1 tiếng), nhằm tránh việc lợi dụng thông tin kiếm lời.
Tại Việt Nam, công ty đại chúng thực hiện CBTT theo cơ chế trực tiếp, nghĩa là việc CBTT được tiến hành song song với báo cáo cơ quan quản lý. Cơ chế CBTT này mang lại sự kịp thời về thông tin tới nhà đầu tư. Tuy nhiên do không được kiểm duyệt trước khi công bố nên các công ty có thể công bố một lượng lớn thông tin không có giá trị ra thị trường, những thông tin quan trọng có thể bị che đậy bởi các thông tin không thích hợp. Chẳng hạn, công ty có thể CBTT về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới hay công bố về cơ cấu chủ sở hữu của công ty theo yêu cầu của pháp luật, tuy nhiên Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm không đạt đúng tiêu chuẩn như quy định hoặc cơ cấu chủ sở hữu thực sự của công ty lại có sự khác biệt so với thông tin đã công bố. Nếu các thông tin sai lệch không được phát hiện sẽ tạo ra cái nhìn sai lệch của nhà đầu tư với công ty và có thể gây hậu quả không tốt đối với chính các nhà đầu tư trên thị trường.
Việc phát hiện thông tin sai lệch có thể thực hiện trước hoặc sau khi thông tin được công bố ra thị trường. Muốn phát hiện thông tin sai lệch trước khi thông tin công bố ra thị trường, đòi hỏi phải áp dụng cơ chế CBTT gián tiếp, tức là cơ
quan quản lý kiểm tra thông tin trước khi nó được công bố ra thị trường. Với cơ chế CBTT trực tiếp, các thông tin sai lệch được phát hiện sau khi được công bố ra thị trường thông qua công tác giám sát từ cơ quan quản lý. Chính vì vậy một cơ chế CBTT hiệu quả khuyến khích sự minh bạch của công ty đại chúng tại Việt Nam nên là sự kết hợp giữa cơ chế CBTT trực tiếp và gián tiếp, kèm theo đó là công tác giám sát thị trường của cơ quan quản lý. Ngoài ra, pháp luật cũng cần quy định chặt chẽ và rõ ràng về việc công ty đại chúng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra đối với các nhà đầu tư liên quan đến việc cung cấp những thông tin sai lệch, không đầy đủ hoặc bị bóp méo và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại gây ra khi CBTT không đầy đủ và thiếu chính xác.