2.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng áp dụng các
2.2.1. Hoàn thiện pháp luật về chống thất thu thuế nhập khẩu
Xuất phát từ trực trạng trên, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế nhập khẩu nói chung và các quy định về biện pháp pháp lý chống thất thu thuế nhập khẩu nói riêng để đáp ứng những yêu cầu thực tế, góp phần đẩy mạnh công tác chống gian lận trốn thuế nhập khẩu, đảm bảo nguồn thu từ thuế nhập khẩu cho ngân sách. Để làm được điều đó thì cần chú trọng các định hướng sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần phải quán triệt chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế và tham nhũng. Các đường lối, chính sách này được ghi trong nhiều văn kiện của Đảng, như Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Trong lĩnh vực tài chính công, Nghị quyết số 48-NQ/TW chỉ rõ:
Hoàn thiện pháp luật về tài chính công, xác định rõ nguồn thu và cơ cấu chi của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, thống nhất chế độ chi tiêu; tiếp tục cải cách pháp luật về thuế theo hướng ổn định, đơn giản hơn, mức thuế phù hợp, có tính đến các định chế kinh tế Quốc tế và khu vực cũng như các điều ước Quốc tế khác có liên quan.
Trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm mọi hoạt động quản lý Nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ, đồng thời khắc phục tình trạng công tác thanh tra, kiểm tra gây khó khăn, phiền hà
cho hoạt động của các cơ quan hành chính và doanh nghiệp… Bảo đảm mọi quyết định và hành vi hành chính trái pháp luật đều được phát hiện và có thể bị khởi kiện trước toà án; đổi mới thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thủ tục giải quyết các vụ án hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận lợi cho dân, đồng thời đảm bảo tính thông suốt, hiệu quả của quản lý hành chính.
Thứ hai, pháp luật thuế nhập khẩu được xây dựng, sửa đổi theo hướng
ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và hoàn cảnh đất nước. Để đảm bảo hệ thống pháp luật thuế trong nước phù hợp với thông lệ Quốc tế, yêu cầu cơ bản đặt ra là phải đảm bảo tính tương đồng về nguyên tắc, định hướng. Bên cạnh đó, việc nội luật hóa cần được vận dụng một cách linh hoạt, hợp lý để chuyển hóa các nội dung, quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật trong nước sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta. Sự phù hợp của các pháp luật với các quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện vô cùng quan trọng đảm bảo cho tính khả thi và hiệu quả của pháp luật.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế nhập khẩu theo hướng xây
dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có tính ổn định cao, minh bạch, cụ thể. Tính thống nhất đòi hỏi các quy định về pháp luật thuế nhập khẩu nói chung hay biện pháp pháp lý chống thất thu thuế nhập khẩu nói riêng phải nhất quán với nhau; nhất quán và đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung; loại bỏ mâu thuẫn, trùng lặp hay chồng chéo ngay trong bản thân từng đạo luật (luật hải quan, luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật quản lý thuế…) và giữa các đạo luật với nhau. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần nghiên cứu, tiên liệu trước xu thế phát triển của xã hội để xây dựng một hệ thống pháp luật có tính ổn định cao.
Thứ tư, trên cơ sở rà soát các văn bản pháp luật thuế nhập khẩu hiện
thuế nhập khẩu, Nhà nước ta cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Từ định hướng nêu trên, tác giả kiến nghị thực hiện các giải pháp sau đây nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp pháp lý chống thất thu thuế nhập khẩu ở Việt Nam:
Một là, quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế nhập khẩu.
Pháp luật thuế nhập khẩu nước ta và các văn bản liên quan cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc và được quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng vừa để đảm bảo tính răng đe vừa có tính khả thi. Chú ý quy định rõ ràng, chi tiết các điều kiện áp dụng, trường hợp áp dụng, trình tự thủ tục tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế để tránh sự ngộ nhận, tùy tiện và lúng túng trong việc thực hiện. Đối với các cơ quan Hải quan, pháp luật cần quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn trong việc đấu tranh phòng chống, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận thuế nhập khẩu, nợ thuế kéo dài nhằm chiếm đoạt tiền thuế. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các cơ quan có nghĩa vụ phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế mà cố tình làm trái, chây ỳ. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của một số nước trên thế giới khi quy định về việc xử lý vi phạm thuế nhập khẩu. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong Luật hải quan Cộng hòa Pháp, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Inđônêsia, Cộng hòa Philippine, Malaysia… có các đặc điểm chung:
- Hành vi vi phạm hành chính về hải quan, hình thức xử phạt, các chế tài hành chính khác đều được quy định ở hình thức văn bản luật. Vi phạm hành chính được xác định bao gồm: hành vi vi phạm về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, hải quan; hành vi vi phạm hành chính sau khi hàng hóa đã thông quan; hành vi vi phạm thủ tục nộp các loại thuế, phí hải quan; hành vi
không chấp hành các biện pháp chế tài hành chính hải quan; hành vi cản trở, chống đối công chức hải quan thực hiện các nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hải quan [60, tr. 52].
- Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và các biện pháp hành chính khác đều được luật quy định rất cụ thể, chi tiết, nhất là về mức phạt tiền, mức phạt thuế được quy định “cứng” (số tiền, số thuế cụ thể). Phần lớn, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm hành chính về hải quan đều được xác định trên cơ sở trị giá tang vật vi phạm, trị giá số thuế gian lận, từ đó quy định mức phạt vi phạm theo số lần trị giá vi phạm. Điều đáng lưu ý nhất là các hình phạt, biện pháp xử lý đều rất nghiêm khắc [60, tr. 53].
- Luật Hải quan các nước đều quy định trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ của quân đội, cảnh sát để thực thi các chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về hải quan [60, tr. 53].
Về mức độ xử phạt cũng cần quy định nghiêm nhằm răn đe những đối tượng có ý định vi phạm và giáo dục, cải tạo các đối tượng vi phạm để tránh tái phạm. Như pháp luật thuế của Cộng hòa Séc quy định: “Thuế nộp không đúng hạn sẽ bị phạt 0,1%/ngày/trên số thuế phải nộp; không nộp tờ khai, nộp tờ khai thiếu sẽ tăng 105 số thuế phải nộp, ngoài ra có thể bị xử hình sự từ 6 – 12 tháng tù” (theo báo cáo khảo sát thuế tại Cộng hòa Sec của Tổng cục thuế), pháp luật Thụy Điển quy định: “Trường hợp đối tượng nộp thuế lập tờ khai đã nộp thiếu so với số thuế phải nộp, khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện, họ phải nộp bổ sung số thuế thiếu, đồng thời còn bị tính lãi trên số thuế nộp thiếu theo tỷ lệ 2%. Nếu kéo dài sẽ bị tính theo tỷ lệ 7% hoặc 9%” (theo báo cáo khảo sát thuế tại Thụy Điển của Tổng cục thuế) [55, tr. 58].
Bên cạnh việc xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm, Nhà nước cũng nên có chính sách khen thưởng đối với người có công phát hiện các trường
hợp trốn thuế như chính sách của Philippines. Ở Philippines, người cung cấp thông tin giúp phát hiện các trường hợp trốn thuế lớn ở nước này sẽ được thưởng một khoản tiền theo quy định hoặc 10% số tiền thuế truy thu hoặc tiền phạt ngay khi cơ quan thuế thu được số tiền thuế, phí nộp phạt hoặc sau khi tòa án có phán quyết đối với kẻ trốn thuế [18].
Hai là, quy định về biện pháp buộc người nộp thuế bồi thường thiệt hại cho Nhà nước do hành vi vi phạm nghĩa vụ thuế nhập khẩu
Để biện pháp buộc người nộp thuế bồi thường thiệt hại cho Nhà nước đạt hiệu quả cao hơn trong tình hình hiện nay, tác giả cho rằng cần hoàn thiện một số quy định trong việc ấn định thuế và ân hạn thuế, cụ thể như sau:
- Quy định về xác định trị giá hải quan.
Mọi quy định về xác định trị giá hải quan cần được xây dựng ở cấp độ văn bản luật và quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng áp dụng sai nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan như hiện nay. Chúng ta có thể tham khảo pháp luật hải quan của New Zealand về vấn đề này. Theo Luật Hải quan New Zealand mọi quy định về xác định trị giá hải quan đều được xây dựng ở cấp độ văn bản luật với mức độ chi tiết cao, nhờ đó, các nhà nhập khẩu hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp vào hoạt động thực tế. Đồng thời nếu có vướng mắc trong việc xác định trị giá hải quan thì có thể liên hệ với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, ngành Hải quan New Zealand có hệ thống văn bản hướng dẫn cho cán bộ Hải quan về công tác xác định, kiểm tra trị giá hải quan (chủ yếu là bộ phận kiểm tra sau thông quan).
- Quy định về ân hạn thuế.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp "xù" nợ thuế, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị bổ sung quy định, hàng hóa xuất nhập khẩu phải nộp xong thuế
trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng. Nếu chậm nộp thuế, doanh nghiệp phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp và phải chịu tiền lãi chậm nộp. Thời gian bảo lãnh do Chính phủ quy định cụ thể. Hết thời hạn bảo lãnh, nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền lãi chậm nộp, thì tổ chức bảo lãnh phải nộp thay số tiền thuế, tiền lãi chậm nộp. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, để khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách thuế nhập khẩu, một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… không cho nợ thuế đối với hàng nhập khẩu. Một số nước khác vẫn cho phép nợ thuế, nhưng người nộp thuế phải có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thu hồi tiền thuế cũng như tiền lãi chậm nộp [24].
Theo quan điểm của tác giả luận văn thì với tình hình nước ta vẫn nên áp dụng chính sách ân hạn thuế để khuyến khích phát triển kinh tế nhưng phải xiết chặt quản lý, kiểm tra điều kiện ân hạn thuế cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng về quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện giải pháp bảo lãnh nợ thuế chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả. Mặt khác, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp chế tài để răn đe hành vi chiếm dụng thuế.
Ba là, quy định về biểu thuế và thuế suất.
Về vấn đề này có thể học hỏi kinh nghiệm của Liên bang Nga, quốc gia này xây dựng một chính sách thuế nhập khẩu đơn giản, thu gọn các mức thuế suất vừa giảm các chi phí liên quan đến việc kê khai thuế, tính thuế cũng như kiểm soát thuế, truy thu thuế. Đồng thời, sự giảm bớt mức độ phân tán của thuế suất nhập khẩu sẽ làm giảm các động cơ trốn thuế. Từ đó, hiệu quả của công tác thuế sẽ được nâng cao, vừa tạo điều kiện cho Nhà nước tăng thu ngân sách. Ngoài ra, ta có thể ở một số nước khác như Chile, Hồng Kông, Estonia đều có mức thuế nhập khẩu đồng nhất. Một số nước khác có các mức thuế suất chênh lệch thấp như Singapore có mức thuế suất đơn giản trung bình 0,5% và một
khoảng giao động chuẩn ít hơn 3%, hay Brunei, Ecuador, Mexico có mức thuế bình quân dưới 135 với giao động nhỏ (dưới 6%) [55, tr. 57].
Như vậy, để góp phần chống thất thu thuế nhập khẩu, hạn chế tình trạng kê khai sai thông tin; chúng ta cần xây dựng và sửa đổi biểu thuế và thuế suất nhập khẩu như sau:
- Cần xây dựng biểu thuế theo bản chất, tính chất của hàng hóa, đơn giản hóa biểu thuế cả về số lượng mức thuế suất và khoảng cách giữa các mức thuế suất, đặc biệt chú ý là không nên để mức thuế suất quá chênh lệch giữa các mặt hàng có cấu tạo, công dụng gần giống nhau để tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sơ hở vi phạm.
- Đảm bảo sự ổn định cao của biểu thuế nhập khẩu. Thực trạng thường thấy ở nước ta là biểu thuế thường hay biến động, sửa đổi, bổ sung. Điều này xuất phát từ yêu cầu phải điều tiết hoạt động nhập khẩu cho phù hợp với tình hình kinh tế đất nước. Nhưng đó cũng là điểm bộc lộ sự yếu kém trong việc hoạch định chính sách, thiếu tính tiên liệu của các nhà quản lý. Vì vậy, trong thời gian tới Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng biểu thuế nhập khẩu có tính ổn định cao hơn nhằm góp phần hạn chế tình trạng gian lận trốn thuế nhập khẩu, cũng như giảm bớt khó khăn trong việc tính thuế của người dân và kiểm tra, áp thuế suất của cán bộ Hải quan.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng tên hàng và mã số hàng hóa của Biểu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu hiện hành chưa tương thích với nhau, chúng ta cần chuẩn hóa mô tả tên hàng ở cấp độ 6 chữ số, đồng thời thống nhất tên hàng và mã số hàng hóa ở cấp độ 10 chữ số. Việc hoàn thiện Biểu thuế nhập khẩu cần phải dựa vào danh mục hàng hóa nhập khẩu của Tổ chức Hải quan thế giới đảm bảo tính chi tiết, cụ thể với từng nhóm mặt hàng và tính ổn định cao. Ngoài ra, cần chuẩn hóa 6 quy tắc phân loại hàng hóa nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện áp mã hàng hóa chính xác. Đồng thời, chúng ta nên áp
dụng hình thức phân loại trước khi hàng hóa đến cửa khẩu, tách và phân loại rõ ràng đối với trường hợp có mẫu hàng và không có mẫu hàng.