Việt Nam là một quốc gia nằm trong bán đảo Đông Dương, thuộc vùng Đông Nam Á. Lãnh thổ Việt Nam chạy dọc bờ biển phía đông của bán đảo này với diện tích là 331.212 km² trong đó có khoảng 327.480 km² đất liền. Với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển sản xuất và mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình đổi mới ở Việt Nam được đánh dấu với sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Sau đó, tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đã ghi nhận bước khởi đầu trong tiến trình hội nhập ở nước ta với chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Tháng 4/2001 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã tiếp tục khẳng định đường lối hội nhập và phát triển kinh tế phù hợp với xu thế toàn cầu hóa với mục tiêu được đặt ra là: “Chủ động hội
nhập quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa hóa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích của dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”.
Năm 2016 với dấu mốc của 30 năm đổi mới, đánh dấu bằng sự kiện thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo công bố của Tổng Cục Thống kê, tính đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động và là con số cao nhất kể từ năm 2011. Trong số đó, hơn 3.100 doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà
nước; hơn 11.300 doanh nghiệp thuộc khu vực vốn đầu tư nước ngoài và gần 387.000 doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Bước qua năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, trong đó quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Trong mức tăng 6,68% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm [27].
Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014 (Năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7%; số vốn tăng 8,4% so với năm 2013). Bên cạnh đó, có 851 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn trong năm 2015. Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm nay là 1452,5 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014.
Cũng trong năm 2015, cả nước có 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Điều này cho thấy hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển [27].
Với sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm trở lại đây thì cần có một thị trường tài chính ổn định có thể là cầu nối vững chắc trong sự phát triển của doanh nghiệp. Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng bằng các giao dịch bảo đảm đã và đang tạo tiền đề cho doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả cao. Ngoài ra, cùng với quá trình hội nhập, tham gia vào những sân chơi lớn trên trường quốc tế thì những giao dịch bảo đảm nói chung và thế chấp nói riêng cần có những quy phạm pháp luật điều chỉnh từng khía cạnh của mỗi vấn đề một cách sâu sắc hơn. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thế chấp tài sản nói chung và thế chấp phần vốn góp trong công ty cũng cần phải đặc biệt chú ý. Bởi lẽ, thông qua những công cụ pháp lý đó sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan khi tham gia vào mối quan hệ thế chấp được pháp luật Việt Nam quy định.
Vì vậy, nhu cầu áp dụng pháp luật về thế chấp phần vốn góp trong công ty là một đòi hỏi khách quan của quá trình toàn cầu hóa, là xu thế chung của các nước và cũng là nhu cầu thực tế ở Việt Nam. Công việc này không chỉ duy trì sự phát triển của doanh nghiệp trên thị trường nội địa mà còn chuẩn bị cho doanh nghiệp nguồn lực khi tham gia vào sân chơi quốc tế trong thời kỳ hội nhập.