Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động xét xử án

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân - từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa Luận văn ThS. Luật 60380 (Trang 84 - 88)

Thứ nhất: Thực tế chứng minh, hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật của Toà án phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố, những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng áp dụng pháp luật của Toà án nhân dân nói chung, trong giải quyết các vụ án hành chính của Toà án nói riêng, đó là: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Ngành Toà án mà trước hết là trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán.

Chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia xét xử là sự tổng hợp chất lượng của từng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân… tham gia xét xử được đánh giá thông qua các tiêu chuẩn về chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức; khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao theo qui định của pháp luật và theo qui định của ngành.

Hiện nay Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa được phân bổ 346 biên chế, biên chế hiện có là 346; trong đó 125 thẩm phán và 139 thư ký. Như số liệu đã phân tích ở trên, số lượng vụ án nói chung cũng như các vụ án hành chính nói chung được Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa thụ lý ngày càng gia tăng, số lượng các vụ án phức tạp chiếm tỷ lệ lớn, với số lượng thẩm phán, thư ký được phân bổ như hiện nay thì không đủ để giải quyết án. Như Tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ khi luật tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực cho đến nay, do có sự thay đổi về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh nên số lượng các vụ án hành chính sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thụ lý, giải quyết tăng một cách đột biến, trong khi Tòa hành chính, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ có 02 thẩm phán và 02 thư ký.

Án hành chính được đánh giá là loại án khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, có nhiều luật chuyên ngành cũng như các văn bản hướng dẫn điều chỉnh trong khi đó Tòa án nhân dân cấp huyện không có tòa hành chính chuyên trách cũng như không có thẩm phán chuyên trách giải quyết án hành chính. Số lượng các vụ án tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa thụ lý, giải quyết hàng năm đang có xu thế tăng so với những năm trước đây. Đối với số biên chế hiện nay được phân bổ thì số lượng thẩm phán vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu công tác. Vì vậy để đảm bảo cho Thẩm phán thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa có thể giải quyết được các vụ án hành chính đạt chất lượng cao, đúng thời hạn quy định của pháp luật, giảm số lượng các vụ án hành chính bị hủy, bị sửa vì lỗi chủ quan của thẩm phán, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao nên tăng biên chế phân bổ thẩm phán, thư ký cho Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa. Ở tòa án nhân dân cấp huyện được thành lập Tòa hành chính, nếu chưa được thành lập Tòa hành chính thì có thẩm phán chuyên trách để giải quyết án Hành chính.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa hiện nay, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đều đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp; đa số cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Đội ngũ Hội thẩm đều là những người có trình độ hiểu biết pháp luật, được tập huấn về nghiệp vụ Tòa án, nhiều người nguyên là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu, một số người nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Hội thẩm và đều có điều kiện để tham gia công tác xét xử. Đây chính là những điều kiện quan trọng tạo ra sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua, đặc biệt là trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Theo thống kê của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa, mặc dù trung bình mỗi năm số lượng các loại vụ án mà toàn tỉnh phải thụ lý, giải quyết tăng khoảng trên hơn một nghìn vụ án các loại. Năm 2010 toàn tỉnh thụ lý 3.176 vụ án các loại, trong đó án hành chính là 14 vụ; năm 2016 toàn tỉnh thụ lý 7.241 vụ án các loại, trong đó án hành chính là 99 vụ, có thể thấy số vụ án năm 2016 giải quyết tăng gấp hơn hai lần so với năm 2010, số vụ án hành chính giải quyết tăng hơn bảy lần, nhưng các Tòa án cấp huyện cũng như cấp tỉnh vẫn đảm bảo về tiến độ giải quyết các vụ án hành chính, khắc phục có hiệu quả việc để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng ngày càng được nâng lên, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đều giảm hơn so với các năm trước.

Bên cạnh nhiều thành tích, kết quả đã đạt được thì “vẫn còn một bộ phận cán bộ, Thẩm phán còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác chưa cao; cá biệt còn có những cán bộ, Thẩm phán có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm trí bị truy cứu trách

Trước tình hình nêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác được ngành tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác định, đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch vững mạnh, trong đó việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho cán bộ, công chức Tòa án hai cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân được xác định vừa là yêu cầu và vừa là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án.

Với yêu cầu đặt ra như trên, ngành Tòa án nhân dân cần tích cực hơn nữa triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh công tác đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.

Theo thẩm quyền được phân cấp, Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ hoặc đột xuất về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân thuộc quyền quản lý.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Toà án nhân dân, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ Ngành Toà án có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng áp dụng pháp luật nói chung, trong giải quyết các vụ án hành chính tại Toà án nhân dân nói riêng. Cơ sở vật chất phục vụ xét xử bao gồm: Trụ sở làm việc, các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác xét xử, các tài liệu tham khảo, tài liệu tra cứu… có những ảnh hưởng nhất định đến việc nâng cao chất lượng xét xử của Toà án nhân dân. Điều kiện vật chất, cụ thể là máy móc; phương tiện làm việc, đi lại; trụ sở làm việc, phòng xét xử, phòng nghị án… được trang bị đầy đủ, hiện đại thì sẽ góp phần trực tiếp vào việc thể hiện sự trang nghiêm của cơ quan công quyền; đội ngũ cán bộ Toà án có đủ phương tiện làm việc thì việc xét xử sẽ đảm bảo chất lượng hơn, họ sẽ tập trung vào công việc mà không bị chi phối bởi sự khó khăn về điều kiện, phương tiện làm việc.

Chế độ đãi ngộ tốt sẽ khuyến khích cán bộ hăng hái làm việc, chống lại sự tha hoá, biến chất, mua chuộc; ngược lại, chế độ đãi ngộ không hợp lý sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lơ là công việc, không hăng say phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tham gia xét xử. Chế độ chính sách đãi ngộ giữ vai trò hết sức quan trọng, từ chế độ đề bạt, bổ nhiệm bố trí đến chế độ khen thưởng, chế độ tiền lương và kỷ luật… đây là động lực thúc đẩy cán bộ Ngành Toà án không ngừng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia giám sát của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong hoạt động xét xử của Toà án. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Toà án, đối với công tác cán bộ của Ngành Toà án, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, phát triển, là những nhân tố hậu thuẫn tích cực, đảm bảo hiệu quả cao cho hoạt động áp dụng pháp luật của Toà án nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân - từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa Luận văn ThS. Luật 60380 (Trang 84 - 88)