Đảm bảo tính độc lập và quyền giải thích pháp luật của Tòa án

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân - từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa Luận văn ThS. Luật 60380 (Trang 88 - 101)

Thứ nhất: Đảm bảo tính độc lập của Tòa án

Yêu cầu trước tiên và cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo tính độc lập của Tòa án. Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định rõ: “Khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Vì vậy, cần có cơ chế bảo đảm ở mức độ cao nhất cho cơ chế Tòa án độc lập trong xét xử, giảm thiểu tối đa sự can thiệp từ bên ngoài vào hoạt động xét xử của Tòa án.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 mặc dù đã thể chế hóa được những quan điểm căn bản của Đảng, tuy nhiên chưa triển khai phương án tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo vùng, mà vẫn tổ chức theo mô hình 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, bên cạnh đó là hệ thống Tòa án quân sự.

Với mô hình này, mặc dù Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã có những thay đổi là các khiếu kiện liên quan đến ủy ban nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, mà thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, với mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương thì ít nhiều vẫn bị tác động tới việc Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh thực hiện nguyên tắc “độc lập xét xử - chỉ tuân theo pháp luật”. Dù thế nào chăng nữa, hoạt động của Tòa án không thể thoát ly hoàn toàn sự tác động, chi phối của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi vậy, việc thiết kế tổ chức hệ thống Tòa hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân theo tác giả nên theo hướng: Tòa án sơ thẩm khu vực (không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện); Tòa án phúc thẩm (không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp tỉnh); Tòa án cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tòa hành chính trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, có thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống Tòa án. Trường hợp Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực không thành lập các Tòa chuyên trách, số lượng án hành chính không quá nhiều thì có thể giao thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tất cả các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và có các thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án hành chính. Đây sẽ là một bước đổi mới căn bản việc giải quyết khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Tòa án tránh được các phụ thuộc, tác động từ cơ quan hành chính ở địa phương, thẩm phán sẽ không có tâm lý “e ngại” và độc lập khi giải quyết các khiếu kiện hành chính. Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tất cả các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cho Tòa hành chính trong Tòa án nhân dân

sơ thẩm khu vực cũng là một điểm đổi mới cơ bản. Hiện nay, chúng ta quy định thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo trật tự trong quản lý hành chính là chưa phù hợp với xu hướng tăng thẩm quyền cho các Tòa án nhân dân cấp dưới. Hơn nữa, ngay quy định này cũng vẫn phải giao thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, khi đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhất là khi thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, thì việc giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện hành chính không nên gắn với trật tự trong quản lý hành chính nhà nước. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, số lượng cũng như năng lực, trình độ của các thẩm phán hành chính, nên giao cho Tòa hành chính trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống Tòa án.

Trước nhiệm vụ phát triển, bảo vệ đất nước và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, cùng với cải cách nền hành chính, Đảng ta chủ trương ban hành và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, lấy Tòa án là trung tâm, xét xử làm trọng tâm và lấy tranh tụng làm khâu đột phá; trọng tâm của cải cách tư pháp là bảo đảm cho nguyên tắc Tòa án độc lập có hiệu lực trên thực tế.

Thứ hai: Quyền giải thích pháp luật của Tòa án

Hiện nay việc giải thích pháp luật ở Việt Nam không đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội. Khi một đạo luật có hiệu lực thì cơ quan cấp xã, huyện phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp tỉnh; cơ quan cấp tỉnh phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan trung ương thì mới thi hành được. Điều này

dẫn đến các đạo luật không có hiệu lực trực tiếp trong cuộc sống, mà nhân dân phải sống trong thế giới các nghị định và phải mất một thời gian rất dài kể từ thời điểm một đạo luật có hiệu lực, các nội dung của đạo luật mới được thực thi trên thực tế. Sở dĩ có hiện tượng này vì việc giải thích pháp luật chưa được trao cho cơ quan phù hợp và chưa có các nguyên tắc rõ ràng trong việc giải thích pháp luật.

Các quy phạm pháp luật được xây dựng trên cơ sở khái quát các mô hình hành vi của các chủ thể trong xã hội. Để đưa pháp luật vào cuộc sống, các chủ thể phải làm điều ngược lại, áp dụng các quy phạm pháp luật với tư cách là quy tắc xử sự chung vào từng trường hợp cụ thể. Chính nội dung của các quy phạm pháp luật không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ hiểu và hoàn toàn sát hợp với tình huống phát sinh trong cuộc sống đã làm phát sinh hoạt động giải thích pháp luật. Hoạt động này nhằm làm sáng tỏ nội dung, tư tưởng của các quy phạm pháp luật để có nhận thức đúng và thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên hoạt động giải thích pháp luật khác hoạt động nhận thức pháp luật đơn thuần; giải thích pháp luật nhằm tác động lên nhận thức của chủ thể thứ hai. Vì vậy, có thể hiểu “Giải thích pháp luật là làm sáng tỏ về mặt tư tưởng và nội dung của các quy phạm pháp luật, đảm bảo sự nhận thức và thực hiện pháp luật của các chủ thể khác được nghiêm chỉnh, thống nhất

Hoạt động giải thích pháp luật ở nước ta do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện theo quyền hạn, thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu. Pháp luật Việt Nam không trao quyền giải thích pháp luật cho Tòa án nhưng để thực hiện chức năng xét xử của mình, Tòa án nhân dân Tối cao đã tham gia vào hoạt động giải thích pháp luật một cách có hiệu quả. Trong những năm qua, Tòa án có vị trí, vai trò nhất định trong hoạt động giải thích pháp luật thông qua các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và các

công văn hướng dẫn thi hành. Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có rất nhiều điều quy định về việc Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Luật tố tụng hành chính như quy định tại Điều 30, 31, 32, 33. Thực tiễn xét xử án hành chính cho thấy Tòa án nhân dân các địa phương vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao đối với từng vấn đề cụ thể của Luật tố tụng hành chính cũng như văn bản khác liên quan đến hoạt động xét xử. Vì vậy vấn đề quyền giải thích pháp luật của Tòa án cần được pháp luật quy định cụ thể, đảm bảo việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật. Trên thực tế, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành rất nhiều các Nghị quyết hướng dẫn việc thi hành Luật tố tụng hành chính, các văn bản này được ban hành với mục đích giải thích những điểm chưa rõ trong Luật tố tụng hành chính, hướng dẫn Tòa án các địa phương áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính.

Theo các quy định của pháp luật thực định hiện hành chức năng giải thích luật chưa được trao đúng chỗ, Tòa án ở Việt Nam có vai trò rất hạn chế trong việc giải thích luật. Theo tác giả cần phải dành cho Tòa án nhiều quyền, nhiều hình thức giải thích pháp luật hơn bởi các lý do:

Lý do thứ nhất: so với các cơ quan nhà nước khác, do cách thành lập và tổ chức Tòa án có sự độc lập với đời sống chính trị cao hơn. Sự độc lập này là cần thiết vì pháp luật là gắn liền với công lý. Tòa án với tư cách là trọng tài sẽ có sự giải thích pháp luật công bằng, hợp lý nhất;

Lý do thứ hai, những quy phạm pháp luật cần có sự giải thích là những quy phạm khó hiểu đối với những người bình thường; muốn làm rõ nội dung, tư tưởng của quy phạm đó phải có chuyên môn. Chỉ có Tòa án với các thẩm phán được đào tạo chuyên nghiệp và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực công tác pháp luật là thích hợp nhất với yêu cầu này;

Lý do thứ ba, chân lý luôn mang tính cụ thể nên giải thích pháp luật thường phát sinh từ một vụ việc xảy ra trên thực tế mà các quy phạm trước đó chưa quy định hoặc quy định chưa rõ, chưa cụ thể. Chính Tòa án là cơ quan thường gặp các vụ việc này nhất. Nếu Tòa án không có chức năng giải thích pháp luật trong trường hợp này thì quyền lợi của công dân lại phải chờ đợi lơ lửng từ sự giải thích luật từ Ủy ban thường vụ Quốc hội và các chủ thể khác.

Lý do thứ tư, việc giải thích pháp luật có thể dẫn đến hiện tượng lạm quyền, cắt xén, hạn chế các quyền tự do của công dân. So với các cơ quan lập pháp, hành pháp thì Tòa án ít có nguy cơ lạm quyền nhất. Trong mối “quan hệ bình đẳng” giữa nhà nước và xã hội công dân (civil society) có thể xảy ra mâu thuẫn thì mâu thuẫn đó chủ yếu xảy ra giữa năng lực của cơ quan hành pháp thực thi các nghĩa vụ của nhà nước và sự đòi hỏi của xã hội công dân. Còn Tòa án thì ít khi bị đặt vào tình thế mâu thuẫn với xã hội công dân. Bởi theo tâm lý truyền thống, người dân vẫn coi Tòa án là “cán cân công lý” và đặt niềm tin vào vai trò của cơ quan này trong hệ thống quyền lực nhà nước.

Hiến pháp 2013 đã ghi nhận Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp,là cơ quan xét xử duy nhất của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo tác giả nên quy định Tòa án có thẩm quyền giải thích pháp luật, điều này phù hợp với chức năng xét xử của Tòa án. Hiện tại quyền giải thích pháp luật của Tòa án chưa được quy định trong hiến pháp nên việc giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân Tối cao mới dừng lại ở Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Tóm lại, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét

xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân phải đảm bảo được kỹ thuật lập pháp đồng thời đáp ứng được tính hợp lý trong các quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN

Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay thì vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những vấn đề quan trọng. Bởi vì, pháp luật càng hoàn thiện góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật mà đặc biệt là chế định thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân là một vấn đề hết sức cần thiết nhằm bảo đảm cho công tác xét xử vụ án hành chính một cách kịp thời, nhanh chóng, có chất lượng, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tòa án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi bị các quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm.

Thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân là một chế định đã được ghi nhận trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 và hai lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998 và 2006. Luật tố tụng hành chính năm 2010 ra đời trên cơ sở phát triển các quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, cho đến Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì chế định thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân ngày càng được hoàn thiện và góp phần quan trọng vào công tác giải quyết các khiếu kiện của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Qua việc nghiên cứu thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính ở Tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hóa cho thấy vai trò quan trọng của Tòa án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính - một quan hệ pháp luật bất bình đẳng giữa người dân với một bên là cá nhân, cơ quan nhà nước. Với vai trò quan trọng đó, trong

thời gian qua, pháp luật quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân đã có nhiều sửa đổi, kế thừa và hoàn thiện nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người dân, bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án được thi hành, thông qua đó tính nghiêm minh của pháp luật được giữ vững. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đề tài cho chúng ta thấy trước xu hướng phát triển của xã hội cũng như yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay thì thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì trên thực tế còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa thật sự bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người dân. Do đó trong thời gian tới chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa những quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân, nhanh chóng xây dựng hệ thống Tòa án theo hướng cải cách theo tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Bên cạnh đó cần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của Thẩm phán, đây cũng là một chủ thể quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Thực hiện được những vấn đề vừa nêu sẽ góp phần hoàn thiện hơn chế định thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi bị quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm, bảo đảm công bằng, trật tự xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân - từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa Luận văn ThS. Luật 60380 (Trang 88 - 101)