1.4. Nội dung của chế định công ty cổ phần một thành viên
1.4.6. Quản lý trị công ty cổ phần một thành viên
Thông thường có sự tách bạch giữa chức năng của chủ sở hữu với chức năng điều hành công ty cổ phần. Trong công ty cổ phần một thành viên việc quản trị được tập trung cao độ vào chủ sở hữu công ty. Tuy nhiên do tính linh động trong việc biến đổi hình thức giữa một thành viên và nhiều thành viên, nên khi xây dựng các qui định về quản trị công ty cổ phần một thành viên cần lưu ý tới đặc tính này và đặc tính về sự tách bạch giữa chức năng của chủ sở hữu với chức năng điều hành.
Việc không chú ý tới hai đặc tính trên có thể gây sự khó khăn trong việc tổ chức quản trị công ty trong trường hợp hình thức bị biến đổi. Tuy nhiên cần quan niệm rằng vấn đề quản trị công ty nói chung không thể xa rời tính nội bộ của công ty. Khi phân tích các mối quan hệ do luật công ty điều tiết, PGS. TS. Ngô Huy Cương viết:
Luật công ty nói về thương nhân pháp nhân điều chỉnh bốn loại quan hệ sau:
Quan hệ giữa các thành viên công ty với nhau (nếu công ty nhiều thành viên);
Quan hệ giữa công ty với thành viên công ty; Quan hệ giữa công ty với chủ nợ; và
Quan hệ giữa thành viên công ty với chủ nợ.
Hai loại quan hệ đầu là các quan hệ mang tính chất hành vi pháp lý, và là quan hệ nội bộ công ty. Các quan hệ này là các đối tượng chủ yếu của luật công ty. Hai loại quan hệ sau là các quan hệ bổ sung nhằm bảo vệ người thứ ba (các chủ nợ) trong trường hợp công ty mất khả năng trả nợ tới hạn. Về nguyên tắc, công ty là một người (thương nhân pháp nhân), do đó phải trả nợ bằng tất cả các tài sản của công ty. Còn các thành viên công ty phải trả nợ tùy theo chế độ trách nhiệm của họ. Các thành viên thuộc chế độ trách nhiệm hữu hạn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của họ vào công ty. Các thành viên thuộc chế độ trách nhiệm vô hạn được xem như những người bảo lãnh liên đới cho hoạt động của công ty. Do vậy họ phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định đối với các khoản nợ của công ty. Hai loại quan hệ đầu là các quan hệ tương tác. Còn hai loại quan hệ sau là các quan hệ bổ sung, chỉ nhằm bảo vệ người thứ ba bằng cách áp đặt nghĩa vụ cho một bên là công ty và thành viên hoặc các thành viên của công ty [11, tr. 21-29, tr. 26 - 27].
Công ty cổ phần một thành viên ban đầu thành lập không có mối quan hệ giữa các thành viên công ty với nhau. Nhưng do đặc tính biến đổi nhanh chóng, người ta không thể không dự liệu mối quan hệ này khi thành lập. Nhà làm luật cũng không thể bỏ qua việc xem xét mối quan hệ đó.
Chương 2
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG CHẾ ĐỊNH CÔNG TY CỔ PHẦN MỘT THÀNH VIÊN
TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY