1.4. Nội dung của chế định công ty cổ phần một thành viên
1.4.2. Tư cách pháp nhân của công ty cổ phần một thành viên
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập. Chính hình thức công ty này và hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên góp phần làm thay đổi nhận thức về pháp nhân. Có hai học thuyết chính về pháp nhân là học thuyết giả tưởng và học thuyết thực tại. Học thuyết giả tưởng về pháp nhân có nền tảng là chủ nghĩa cá nhân. Học thuyết này cho rằng chỉ có con người mới có nhân tính và ý chí. Nên con người mới là chủ thể của pháp luật. Học thuyết này cho rằng các tổ chức của con người không có nhân tính và ý chí. Tuy nhiên học thuyết này xem tổ chức có tư cách pháp nhân là chủ thể giả tưởng của pháp luật, mô phỏng vị trí pháp lý của thể nhân. Học thuyết này có một hệ quả logic là sự tồn tại của các pháp nhân đều phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật. Trong khi đó học thuyết thực tại về pháp nhân khẳng định pháp nhân là những thực tại không kém gì thể nhân và có ý chí, nên phải là chủ thể của pháp luật. Học thuyết này dẫn đến một quan niệm rằng, pháp nhân không phải là sự tạo lập của nhà làm luật mà là một thực tại buộc pháp luật phải thừa
nhận. Học thuyết này được chia thành hai trường phái: (1) Trường phái tâm lý xã hội coi pháp nhân là một cơ thể gồm các tế bào là các thành viên của nó; bản thể của con người không phải ở phần thể xác mà ở phần ý chí; do đó một đoàn thể có ý chí tập thể phải được coi là pháp nhân; (2) Trường phái thực tại kỹ thuật cho rằng nhân tính có thể được xem xét tách rời với cơ thể sinh lý; nhân tính chỉ là khả năng trở thành chủ thể của các quyền vì ý chí không phải là điều kiện của nhân tính; và trung tâm của pháp luật là các quyền lợi của cá nhân và tập thể, nên có pháp nhân và thể nhân; cho nên nhà nước không thể tạo ra pháp nhân mà chỉ có thể kiểm soát chúng [8, tr.76-77]. Nhìn nhận từ hai học thuyết này, chúng ta có thể thấy trường phái thực tại kỹ thuật của Học thuyết thực tại về pháp nhân gần gũi với công ty cổ phần một thành viên.
Pháp luật cũng như đa số các quan niệm ở Việt Nam hiện nay coi pháp nhân là một tổ chức hay một đoàn thể bao gồm nhiều người liên kết lại với nhau. Điều đó không sai đối với công ty nhiều thành viên, nhưng không phù hợp với công ty một thành viên như công ty cổ phần một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty cổ phần một thành viên là một thực thể riêng biệt tách biệt với chủ sở hữu của nó, và có khả năng hưởng quyền (điển hình là quyền sở hữu tài sản) và gánh vác các nghĩa vụ (điển hình là các nghĩa vụ phát sinh do hợp đồng, và nghĩa vụ nộp thuế). Chủ sở hữu của công ty không chịu trách nhiệm dân sự thay cho công ty. Vì vậy công ty là một nhóm lợi ích (một quyền lợi của một cá nhân hay một tổ chức) năng lực pháp luật. Vì vậy nhà làm luật phải thừa nhận nó là một pháp nhân.
Điều này khẳng định trường phái thực tại kỹ thuật của Học thuyết thực tại về pháp nhân là học thuyết căn bản để xây dựng nên quan niệm công ty cổ phần một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân. PGS. TS. Ngô Huy Cương nhận định:
Đứng về phía học thuyết thực tại, nhiều nhà khoa học pháp lý Nhật Bản nhận định: không có gì là quá đáng, khi nói rằng hiện nay thực tế tất cả các quan điểm khoa học pháp lý về pháp nhân đang phát sinh và tồn tại đều thuộc quan điểm thực tế, tuy rằng có nhiều khuynh hướng khác nhau. Có thể nói, sự thắng thế của học thuyết thực tại được xem là sự thắng thế của quyền tự do lập hội, bởi học thuyết này chống lại quan điểm của học thuyết giả tưởng coi sự ra đời và tồn tại của pháp nhân phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật hay chính quyền [8, tr.77 -78].