Khái lược lịch sử các quy định về chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ theo pháp luật việt nam (Trang 36 - 39)

2.1. Khái lược lịch sử các quy định về chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ ở Việt Nam vụ ở Việt Nam

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, chính quyền non trẻ trong thời kháng chiến chưa thể xây dựng ngay được hệ thống pháp luật nhưng không thể tồn tại nếu không có luật. Ngày 10/10/1945, Chính phủ lâm thời đã ra Sắc lệnh số Không số về việc tạm thời sử dụng một số luật lệ của chế độ cũ, gồm một số luật lệ về dân sự, thương mại, hình sự và thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, những luật lệ này đều được xem xét, chọn lọc để không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và Chính thể dân chủ cộng hòa. Từ năm 1945 trong thời gian dài kháng chiến bảo vệ đất nước đến năm 1975, do điều kiện hoàn cảnh mà lý do lịch sử khác mà chưa có các văn bản đáng kể quy định về chế định hợp đồng nói chung và các chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói riêng.

Tiếp đến giai đoạn 1975 – 1986, dưới chế độ tập trung bao cấp và nền kinh tế chỉ quy kế hoạch, các quan hệ giao dịch dân sự trong đời sống xã hội rất hạn chế. Bởi vậy, nhà nước cũng chưa ban hành các quy định đáng kể nào về hợp đồng. Đáng chú ý chỉ có Nghị định 54-CP do Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 10/3/1975 quy định Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế và Thông tư số 525/HĐ của Hội đồng trọng tài kinh tế nhà nước ban hành ngày 23/6/1975 hướng dẫn thi hành Nghị định 54-CP. Nghị định 54-CP và Thông tư số 525/HĐ có ghi nhận các quy định về hợp đồng kinh tế, song còn chung chung, mang tính hành chính và chưa rõ ràng. Nghị định 54-CP có đề cập đến vấn đề phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại (Điều 21) nhưng không nêu rõ cơ sở, nội dung áp dụng mà do sự quyết định của cơ quan trọng tài kinh tế khi xét xử.

Đến giai đoạn kế tiếp bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, với chủ trương từ bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, thừa nhận và tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, các giao dịch dân sự, thương mại mới được chú trọng và xây dựng hành lang pháp lý. Phải kể đến các

văn bản đầu tiên quy định về hợp đồng gồm: Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 và Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991.

Trong Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991, mặc dù chưa có quy định định nghĩa về các chế tài đối vi phạm hợp đồng, trong các Điều từ Điều 43 đến Điều 55 khi quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng, Pháp lệnh cũng đã có quy định năm chế tài gồm: (1) buộc thực hiện đúng hợp đồng; (2) đình chỉ hợp đồng; (3) hủy bỏ hợp đồng; (4) yêu cầu bồi thường thiệt hại; (5) phạt vi phạm hợp đồng. Điều chỉnh về quan hệ hợp đồng kinh tế, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 lại chỉ quy định có hai chế tài được áp dụng là phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 quy định khung phạt vi phạm là từ 2% đến 12%, mức tiền phạt chi tiết theo loại vi phạm đối với từng loại hợp đồng kinh tế thực hiện theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng. Với các chế tài mà Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 đưa ra, tác giả nhận định: (1) quá hạn hẹp và không đủ để giải quyết thấu tình đạt lý các vi phạm hợp đồng, nhất là lĩnh vực kinh tế rất phức tạp; (2) quá đề cao chế tài vi phạm, coi chế tài vi phạm như một quan hệ hành chính bị can thiệp quá sâu bởi Nhà nước. So với Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 đã thể hiện sự tiến bộ hơn khi đưa nhiều loại chế tài để áp dụng hợp lý và linh hoạt khi xử lý vi phạm hợp đồng.

Năm 1995, một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử pháp luật dân sự Việt Nam là việc BLDS đầu tiên của Việt Nam được ban hành. BLDS 1995 đã điều chỉnh cơ bản đầy đủ và toàn diện các vấn đề trong quan hệ dân sự, đặc biệt là chế định hợp đồng nói chung và chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói riêng. Có thể tìm thấy các quy định về chế tài đối với vi phạm hợp đồng trong phần quy định về trách nhiệm dân sự, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng dân sự và trong các quy định về các hợp đồng thông dụng. Cũng lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam, nhà làm luật đã đưa ra được một loạt các chế tài cần thiết, khả thi và hợp lý mà pháp luật hiện hành vẫn đang kế thừa. Các chế tài đối với vi phạm hợp đồng trong BLDS 1995 gồm: (1) chế tài phạt vi phạm hợp đồng; (2) chế tài yêu cầu bồi thường thiệt hại; (3) chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng; (4) chế tài đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng; (5) chế tài hủy bỏ hợp đồng. Đặc biệt cần chú ý, BLDS 1995 đã quy

định sử dụng nguyên tắc lỗi tại Điều 309 khi xác định trách nhiệm dân sự nói chung và áp dụng các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ nói riêng. Theo đó, bên vi phạm hợp đồng song vụ phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. BLDS 1995 còn quy định định nghĩa lỗi cố ý gây thiệt hại và lỗi vô ý gây thiệt hại. BLDS 1995 quy định rõ việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người vi phạm nghĩa vụ dân sự. Dựa vào nguyên tắc lỗi, nhà làm luật còn đưa ra các trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng gồm; (1) do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (theo khoản 2 Điều 308); và (2) hoàn toàn do lỗi của người có quyền. Đánh giá riêng vấn đề quy định về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ, lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật Việt Nam, BLDS 1995 đã quy định tương đối rõ nét về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ, đưa ra được quy định khá rõ về 05 chế tài, nguyên tắc lỗi và các trường hợp miễn trách nhiệm. BLDS 1995 tạo cơ sở tiền đề cho việc kế thừa, phát triển và hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ.

Đến năm 1997, LTM đầu tiên của Việt Nam được ban hành. So với BLDS 1995 quy định về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng còn rải rác ở nhiều chương phần nội dung khác nhau, LTM 1997 đã có nhiều quy định về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng tập trung thành một mục riêng (Mục 1 thuộc Chương IV) từ Điều 222 đến Điều 237. Ngoài ra, LTM 1997 còn đề cập về chế tài trong một số điều khoản liên quan khác. Theo Điều 222 của LTM 1997, nhà làm luật quy định chỉ có bốn chế tài được áp dụng đối với vi phạm hợp đồng song vụ gồm: (1) buộc thực hiện đúng hợp đồng; (2) phạt vi phạm; (3) bồi thường thiệt hại; và (4) hủy hợp đồng. So với BLDS 1995, LTM 1997 quy định có ít hơn một chế tài, cụ thể là chế tài đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Mặc dù quy định có sự tập trung hơn so với BLDS 1995, tuy nhiên các quy định của LTM 1997 về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng còn ở mức sơ sài và chưa rõ ràng, có nhiều điểm mâu thuẫn với BLDS 1995.

Khắc phục các hạn chế của BLDS 1995 sau mười năm áp dụng, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thống nhất và minh bạch hóa hành lang pháp lý, Quốc hội đã ban hành BLDS 2005 để thay thế BLDS 1995, cũng như ban hành LTM 2005. BLDS 2005 có kế thừa và quy định rõ hơn về 05 chế tài, nguyên tắc lỗi và các trường hợp miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng đã quy định tại BLDS 1995. Ngoài ra, BLDS 2005 còn bổ sung chế tài “hoãn thực hiện nghĩa vụ” tại khoản 2 Điều 415. Chế tài mới này của BLDS 2005 có thể hiểu thuộc dạng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng do chưa thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn (tức đã vi phạm hợp đồng). Được đánh giá tiến bộ hơn BLDS 2005, LTM 2005 đã có một chương riêng quy định về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ trong thương mại. Theo đó, Luật LTM quy định bảy chế tài được áp dụng, các trường hợp miễn trách nhiệm, cơ sở, nội dung và hậu quả pháp lý khi áp dụng mỗi chế tài.

Ngày 24/11/2015, Quốc hội đã ban hành BLDS 2015, có hiệu lực thay thế BLDS 2005 từ ngày 01/01/2017. BLDS 2015 kế thừa và khắc phục các hạn chế của BLDS 2005, đáp ứng nhu cầu và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế và khu vực sâu rộng trong thời gian tới. Các quy định về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói chung và hợp đồng song vụ nói riêng ở BLDS 2015 kế thừa BLDS 2005, có nhiều sự điều chỉnh hoàn thiện hơn. Các điểm mới của BLDS 2015 được làm rõ trong mục 2.2 tiếp theo của Luận văn này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ theo pháp luật việt nam (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)