đối với vi phạm hợp đồng song vụ trong thương mại
Khi so sánh, các điểm khác biệt giữa chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ trong dân sự với chế tài đối với vi phạm hợp đồng song vụ trong thương mại tồn tại do các yếu tố gồm: (1) các điểm khác biệt giữa quan hệ hợp đồng trong dân sự và quan hệ hợp đồng trong thương mại; (2) cách tư duy và kỹ thuật xây dựng pháp luật;
Là luật chung làm nền tảng cho việc xây dựng pháp luật tư, BLDS được xây dựng theo hướng đưa ra các quy định chung điều chỉnh quan hệ dân sự chung giữa các chủ thể trong đời sống xã hội. Trong khi đó, LTM là một luật tư chuyên ngành, điều chỉnh riêng quan hệ thương mại, trong đó có quy chế pháp lý của hợp đồng song vụ trong thương mại. Về cơ bản các quy định của LTM về chế tài đối với vi phạm hợp đồng phải phù hợp với quy định của BLDS. Tuy nhiên LTM điều chỉnh quan hệ kinh doanh thương mại nên chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố kinh tế, tập quán thương mại, thông lệ quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế. Về các điểm khác biệt cơ bản giữa quan hệ hợp đồng song vụ trong dân sự và hợp đồng song vụ trong thương mại gồm: Chủ thể, đối tượng của hợp đồng, mục đích giao kết.
- Về chủ thể, hợp đồng song vụ trong dân sự được giao kết giữa các cá nhân, tổ chức (có hoặc không có tư cách pháp nhân) đủ điều kiện giao kết hợp đồng theo quy định của BLDS. Trong khi đó, chủ thể chính của hợp đồng song vụ trong thương mại là các thương nhân theo tiêu chí của LTM 2005 và các bên có liên quan.
- Về mặt đối tượng của hợp đồng, hợp đồng song vụ trong dân sự có đối tượng là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện được xác định cụ thể. Đối tượng của hợp đồng song vụ trong thương mại chủ yếu là hàng hóa và dịch vụ thương mại với những tiêu chuẩn do pháp luật ban hành cụ thể hoặc do các bên thỏa thuận ấn định trước.
- Về mục đích giao kết, hợp đồng song vụ trong dân sự được giao kết để thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần, vật chất trong đời sống xã hội nói chung. Đối với hợp đồng song vụ trong thương mại, hợp đồng được giao kết nhằm mục đích sinh lời.
Ngoài ra, ở Việt Nam, BLDS được giao cho Bộ Tư pháp phụ trách soạn thảo, trong khi đó LTM được giao cho Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) soạn thảo. Cách tư duy và kỹ thuật xây dựng pháp luật của hai Bộ riêng biệt này còn nhiều điểm chưa thống nhất, dẫn đến có sự vênh nhau về một số nội dung và cách sử dụng thuật ngữ.
Bởi các yếu tố được viện dẫn, hiện BLDS 2005 và LTM 2005 có quy định khác nhau về một số nội dung như: vi phạm cơ bản, xác định phạm vi thiệt hại phải bồi thường, xác định lỗi, giới hạn mức phạt vi phạm,... Trong Chương 2 của Luận văn, tác giả phân tích và so sánh để làm rõ cụ thể các điểm khác biệt giữa BLDS và LTM về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng.