Bên hiến bộ phận cơ thể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền hiến bộ phận cơ thể của cá nhân theo quy định của bộ luật dân sự 2005 (Trang 40 - 49)

7. Cơ cấu của luận văn:

2.1.1. Bên hiến bộ phận cơ thể

Ghép mô, BPCT là một trong những thành tựu khoa học công nghệ vĩ đại của thế kỷ XX đã giúp cứu sống rất nhiều người bệnh với chất lượng rất

tốt. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khoa học về ghép mô, BPCT người ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc khiến cho việc chữa trị bằng phương pháp này càng trở nên phổ biến trên thế giới, ghép mô, BPCT người là một biện pháp điều trị có hiệu quả và đôi khi là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân. Lĩnh vực ghép mô, BPCT người đã thực sự ngày càng hoàn thiện và tiếp tục phát triển rất nhanh chóng trong những năm qua đặc biệt ở các nước phát triển và đang phát triển. Ở Việt Nam trong những năm qua, việc ghép mô, BPCT người đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng so với thế giới, chúng ta vẫn còn tụt hậu khá xa. Trong khi đó, nhu cầu được ghép mô, BPCT người và nhu cầu có xác để phục vụ việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở Việt Nam là rất lớn và ngày một gia tăng nhưng vẫn chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh để đảm bảo cho ngành phẫu thuật ghép mô, BPCT người ở Việt Nam phát triển vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa đáp ứng nhu cầu hội nhập, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ của pháp luật Việt Nam với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nhu cầu cần BPCT người để cấy ghép, để giảng dạy và nghiên cứu khoa học là rất lớn trong khi nguồn cung cấp mô, BPCT người lại rất hạn chế. Ngoài nguồn mô, BPCT người lấy từ người chết não, từ người cho tim đã ngừng đập, từ người cho sống cùng huyết thống thì nguồn cho từ người cho sống không cùng huyết thống như khác phả hệ, khác chủng tộc, vợ chồng đang trở thành nguồn mô, BPCT người quan trọng. Nhu cầu về ghép mô, BPCT người là một nhu cầu cấp thiết của nhiều bệnh nhân nặng cần được đáp ứng khi mức sống và thu nhập của con người ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nếu nghành y tế thực hiện tốt việc ghép tạng sẽ giảm số người bệnh buộc phải đi nước ngoài để cấy ghép mô, BPCT, giảm tải các trung tâm thận nhân tạo, giảm số lượng bệnh nhân tử vong, giảm phiền toái phải đi xa, phải chi phí nhiều và mất một số lượng ngoại tệ không nhỏ.

Ở Việt Nam hiện nay ước tính trong số một triệu dân có khoảng 70 người bị suy thận mạn tính và ghép thận là phương pháp tối ưu nhất để cứu sống họ, cả nước mỗi năm có khoảng 4000 trường hợp cần được ghép thận. Ngoài nhu cầu ghép thận thì nhu cầu ghép gan cũng rất lớn, theo số liệu điều tra tại 5 bệnh viện lớn ở khu vực Hà Nội ở 4.143 người bệnh bị gan mật mạn tính có 1.353 người có chỉ định ghép gan, số liệu điều tra ở hai bệnh viện lớn ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự8

. Chính vì vậy, yêu cầu ghép gan và thận là yêu cầu cấp thiết cần được giải quyết trong khi nguồn cho của chúng ta vô cùng hạn chế, số lượng bệnh nhân chờ đợi được ghép là cả một danh sách dài. Với một đất nước trên 80 triệu dân như nước ta mỗi năm phải cần đến vài ngàn ca ghép trong nguồn cung cấp BPCT người lại rất khan hiếm. Kể từ khi BLDS 2005 và Luật hiến lấy ghép mô BPCT người và hiến lấy xác 2006 ra đời nguồn cung cấp mô, BPCT người phong phú hơn, số lượng người tình nguyện hiến BPCT của mình vì mục đích nhân đạo ngày càng tăng, có phải ai muốn hiến BPCT cũng có quyền hiến BPCT của mình hay không? Theo quy định của Luật hiến lấy ghép mô, BPCT người và hiến xác thì người hiến BPCT phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, BPCT của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác vì mục đích nhân đạo, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Theo quy định tại điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, BPCT người và hiến, lấy xác thì người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, BPCT của mình khi còn sống. Quy định về chủ thể hiến mô, BPCT người cũng được áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân là người nước ngoài có liên quan đến hiến mô, BPCT người - điều 2 Luật hiến, lấy, ghép mô, BPCT người và hiến, lấy xác.

8

Đỗ Tất Cường: “Nhu cầu ghép tạng và Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tại Việt Nam”, Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật về y tế ,Vụ pháp chế - Bộ y tế số 04 tháng 12/2006

Xét về độ tuổi của người hiến BPCT: Trong quá trình xác định độ tuổi của người hiến BPCT các nhà làm luật đã rất cẩn trọng xét đoán các khía cạnh từ các góc độ khác nhau để có thể đảm bảo được sức khoẻ và tính mạng cho người hiến, do vậy họ đã căn cứ vào sự phát triển về thể chất và tinh thần của con người, căn cứ vào quy định của các nước khác nhau trên thế giới để ban hành các quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính vì vậy đã có hai luồng ý kiến khác nhau về việc cho phép hay không cho phép người dưới 18 tuổi hiến BPCT của mình cho người khác. Trong BLDS của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi đó Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Như vậy độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa thành người lớn cũng không phải là trẻ em đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Có hay không cho phép trẻ vị thành niên hiến mô, BPCT của mình? Câu hỏi này đã được Dự thảo Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, BPCT người lần thứ 12 đưa ra ý kiến trình bày trước Quốc Hội theo hướng mở cho cả người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cũng có quyền được hiến mô, BPCT của mình với điều kiện phải có chữ ký đồng ý cha đẻ, mẹ đẻ và chỉ được hiến cho cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc anh chị em ruột của người đó, trong trường hợp không con cha đẻ, mẹ đẻ thì trong đơn tự nguyện hiến phải có chữ ký đồng ý của người giám hộ, quy định này trước hết xuất phát từ mục đích nhân đạo để cứu người. Bảo vệ quan điểm tương đối thoáng này có người đã lập luận rằng hiếu nghĩa trong gia đình vốn là truyền thống văn hoá tốt đẹp của chúng ta cần phải được phát huy và quy định trong Luật. Để con có cơ hội cứu cha mẹ mình và anh em có thể cứu sống nhau. Mặt khác với những quy định tương đối chặt chẽ phải được sự đồng ý của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ các nhà làm luật cũng hi vọng rằng sẽ hạn chế được tối đa các trường

hợp lạm dụng hay được ngụy trang bằng sự tự nguyện nhưng thực chất là hành động mua bán.

Về mặt pháp lý dù không phải là trẻ em nhưng người từ đủ mười sáu đến dưới 18 tuổi vẫn là người chưa thành niên, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia thì trẻ em là người dưới 18 tuổi, nếu cho phép người hiến là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ mở rộng thêm đối tượng hiến, đồng nghĩa với việc mở rộng thêm cơ hội cứu chữa cho nhiều người bệnh hiểm nghèo đang chờ được ghép, mặt khác đảm bảo tính nhân đạo trong chữa bệnh cũng như thể hiện được trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, ở Việt Nam cũng như các nước Á Châu vấn đề tình cảm giữa những người có quan hệ huyết thống rất sâu đậm việc cho BPCT của mình cho người thân càng thắt chặt thêm tình cảm ruột thịt giữa những người thân trong gia đình, phát huy đức tính tốt đẹp về đạo lý làm con, làm anh, làm chị, làm em trong gia đình khi có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần được cứu chữa kịp thời, bảo đảm tính nhân đạo sâu sắc mà các nhà làm luật hướng tới.

Thực tiễn cho thấy, có trường hợp người cần được ghép thận hoặc ghép gan nhưng vì lý do khách quan không thể tìm được người hiến hoặc có người hiến nhưng không phù hợp với các chỉ số ghép…nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó con, em, anh của mình dưới 18 tuổi có cùng chỉ số ghép và tình nguyện cho BPCT của mình để cứu sống cha, mẹ hoặc anh em mình nhưng nếu không được pháp luật cho phép thì vô hình chung đã bỏ mặc người cần được ghép đến chỗ chết. Với tính chất nhạy cảm và phức tạp đó pháp luật cần phải tính đến truyền thống hiếu nghĩa trong gia đình, cần phải cân nhắc để tránh tình trạng lạm dụng quy định này làm phương hại đến lợi ích của lứa tuổi rất nhạy cảm và có thể gây hậu quả ngược lại với mục đích

nhân đạo mà pháp luật hướng tới dù chỉ cho phép trong phạm vi người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, dường như vẫn có rất nhiều băn khoăn xung quanh việc mở rộng quyền hiến BPCT với đối tượng này. Bởi xét dưới góc độ y tế không ai dám khẳng định chắc chắn rằng việc cho đi một BPCT lại không có ảnh hưởng gì đến người hiến, trong khi ở độ tuổi 16 đến 18 cơ thể con người còn chưa phát triển toàn diện, sẽ có nguy cơ cứu chữa từ một người bệnh thành hai người bệnh. Hiến BPCT là nhân đạo với người bệnh nhưng liệu có là nhân đạo đối với bản thân người hiến trong khi các em còn cả cuộc sống dài phía trước. Xét dưới góc độ xã hội, thì độ tuổi này còn chưa đủ độ chín cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, ở độ tuổi này đa số vẫn còn lệ thuộc vào kinh tế và tình cảm gia đình vì vậy khó có thể tự định đoạt mà không phải chịu một sức ép nào đó. Trong khi tự nguyện là nguyên tắc đầu tiên của việc hiến BPCT người, để chịu một sức ép nào đó mới hiến BPCT của mình thì không thể gọi là tự ngưyện hiến tặng được. Trong khuôn khổ gia đình, không nhiều thì ít bao giờ cũng sẽ có áp lực, mặt khác ai cũng hiểu rằng đây thực sự là một quyết định khó khăn. Trên thực tế có người đã lên bàn mổ để hiến BPCT của mình còn thay đổi ý kiến kể cả trường hợp bố hiến cho con, có ca ghép ở Bệnh viện 103 đã chuẩn bị rất công phu mà cũng buộc phải huỷ bỏ, vậy thì nên hay không nên để người lớn quyết định thay các em? Nhiều người lại cho rằng nên cho phép người ở độ tuổi 16 đến 18 hiến BPCT nhưng chỉ giới hạn cho cha đẻ, mẹ đẻ và anh chị em ruột điều này vừa phù hợp với truyền thống gắn bó của gia đình, tránh được tình trạng lạm dụng ở trẻ em, hơn nữa thực tế cũng có nhiều phụ nữ kết hôn và sinh con khi chưa đủ 18 tuổi, những người này có thể cần hiến BPCT của mình cho con, nếu pháp luật cho phép thì họ mới có quyền hiến BPCT của mình cho con được. Tuy nhiên, hiện tượng kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi chỉ là cá biệt, không nên lấy đó làm căn cứ cho những

quy định áp dụng đại trà. Mặt khác, việc lấy BPCT người sống dù ít dù nhiều cũng tác động đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ vị thành niên cả về thể chất lẫn tinh thần và đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Ở các nước Châu Âu rất hạn chết lấy tạng ghép từ người sống, 95% người cho là trường hợp chết não trong khi đó ở các nước Châu Á tỷ lệ người hiến còn sống cao hơn nhưng cũng không chấp nhận người hiến là trẻ vị thành niên, nguyên nhân chính là sự phát triển cơ thể của trẻ em và trẻ vị thành niên còn một tương lai rất dài, việc lấy BPCT sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ hơn nữa khi một người trong gia đình mắc bệnh, cần BPCT để ghép thì nhiều người có thể cho nếu không là bố mẹ, anh em thì cũng là cô, dì, chú, bác rất hiếm khi cần sự hi sinh của một đứa trẻ. Làm sao đảm bảo được là trẻ thực sự muốn được hiến BPCT của mình vì trong xã hội có không ít người thiếu lương tâm ép trẻ hiến BPCT vì mục đích thương mại.Vì vậy chủ thể hiến BPCT người phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để tự quyết định mà không bị lợi dụng.

Dưới góc độ pháp luật thì quyền hiến BPCT người là một quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân mà chỉ người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có thể quyết định được, đây là quyền quan trọng việc định đoạt của người hiến cũng rất khó khăn chính vì vậy pháp luật của Việt Nam cũng như đa số các nước đều quy định người hiến phải là người đã thành niên. Người đã thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể điều khiển hành vi của mình do đó khi hiến BPCT của mình thể hiện được sự tự nguyện xuất phát từ mong muốn của họ muốn cứu sống những người đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc vì mục đích khoa học hay vì sự phát triển của nghành y tế. Người hiến BPCT phải là cá nhân phải thoả mãn điều kiện là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và phải là người sáng suốt, minh mẫn vào thời điểm thể hiện ý chí hiến BPCT của mình cho người khác mà mục đích hiến đã được xác định

rõ ràng. Trước đây, pháp luật Việt Nam không quy định điều kiện đối với người hiến chặt chẽ, rõ ràng như hiện nay. Trong Điều lệ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng bộ trưởng số 23-HĐBT ngày 24/1/1991 chỉ quy định “Việc lấy mô hoặc BPCT người sống phải được người đó tự nguyện và viết thành văn bản”. Điều kiện đối với chủ thể là phải tự nguyện, yếu tố tự nguyện được các nhà làm luật đề cao, pháp luật không quy định độ tuổi người hiến BPCT, tất cả mọi người nếu tự nguyện hiến BPCT của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác đều được pháp luật cho phép. Quy định của pháp luật trong giai đoạn này chỉ quan tâm đến sức khoẻ của người được hiến BPCT mà không quan tâm đến sức khỏe của người hiến sau khi hiến BPCT của mình để chữa bệnh cho người khác sẽ như thế nào? Nếu người hiến là người đã thành niên thì khi cho đi một BPCT của mình sẽ ít ảnh hưởng đến sức khoẻ do các BPCT đã phát triển một cách hoàn thiện trong khi đó người hiến là người chưa thành niên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của họ do người chưa thành niên là người phát triển chưa đầy đủ, pháp luật trong giai đoạn này đã không dự liệu được điều đó.

Việc hiến BPCT người là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng nhân đạo, cao cả của người hiến, BPCT có thể được sử dụng để chữa bệnh, để nghiên cứu, để giảng dạy thế nhưng trước đây BPCT chỉ được sử dụng với một mục đích chữa bệnh như vậy luật đã thu hẹp tác dụng của BPCT người. Khi Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân được ban hành cũng chỉ quy định việc hiến BPCT chỉ phục vụ cho mục đích y tế, giai đoạn này các nhà làm luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền hiến bộ phận cơ thể của cá nhân theo quy định của bộ luật dân sự 2005 (Trang 40 - 49)