Vai trò giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay (Trang 53 - 56)

Dư luận xã hội khi đã hình thành tác động vào ý thức con người, chi phối ý thức cá nhân, điều chỉnh nó cho phù hợp với ý chí chung của cộng đồng, có vai trò giáo dục quan trọng. Đại đa số người trong cộng đồng đều quan tâm tới dư luận xã hội đánh giá hành vi của mình, có khuynh hướng giữ gìn, bảo vệ những đánh giá tốt, sửa chữa sai sót đáp ứng những đòi hỏi của dư luận xã hội đối với bản thân mình.

Nhờ có uy tín lớn, sự khen hoặc chê, sự khuyên bảo của dư luận xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý thức, hành vi của con người, nhất là thế hệ trẻ. Bằng sự khen hoặc chê; tán thành hoặc phản đối; sự khuyên can kịp thời đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với các lợi ích, giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, dư luận xã hội có vai trò giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức đúng đắn về sự đúng - sai, phải - trái, thiện - ác, đẹp - xấu. Khi nói đến

dư luận xã hội Ăngghen đã nhận định: trong xã hội nguyên thuỷ khi chưa có nhà nước và pháp luật, ngoài dư luận xã hội ra không có một phương tiện cưỡng chế nào khác. Ngày nay, dù đã có pháp luật, dư luận xã hội vẫn được coi là "luật bất thành văn", một loại thưởng phạt phi hình thức, góp phần vào việc quản lý xã hội cũng như giáo dục cho các thế hệ ý thức về cái cao thượng - cái thấp hèn, cái đúng - cái sai, cái thiện - cái ác, cái đẹp - cái xấu.

Một mặt, dư luận xã hội có thể tác động trực tiếp nhằm phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức; khuyến khích, cổ vũ những hành vi phù hợp với lợi ích chung, biểu dương những tấm gương cao đẹp. Trong các trường hợp này, các cá nhân hay nhóm xã hội sẽ có hành vi đáp ứng đối với thái độ, sự đánh giá của dư luận xã hội, cụ thể là họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các giá trị, chuẩn mực xã hội chung.

Mặt khác, dư luận xã hội có tác động lâu dài đến việc xây dựng nhân cách con người, tức là tác động đến quá trình xã hội hoá cá nhân. Điều này biểu thị mối quan hệ khăng khít giữa dư luận xã hội và các chuẩn mực xã hội. Sự đánh giá của dư luận xã hội thường dựa trên những khuôn mẫu, chuẩn mực xã hội, hành vi đã có sẵn và được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Trải qua một thời gian nhất định, các cá nhân sẽ cảm nhận được những điều nên làm và không nên làm, những hành động, cách cư xử chấp nhận được trong cuộc sống chung của họ. Như vậy, đại đa số mọi người trong cộng đồng xã hội đều quan tâm xem dư luận xã hội đánh giá về ý thức, hành vi của mình như thế nào. Từ đó, mỗi người đều có khuynh hướng giữ gìn, bảo vệ những nhận xét, đánh giá tốt; khắc phục, sửa chữa các sai sót nhằm đáp ứng những đòi hỏi của dư luận xã hội đối với bản thân mình.

Dư luận xã hội góp phần thúc đẩy mọi người dân nâng cao ý thức pháp luật của mình, để pháp luật được triển khai, thực hiện có hiệu quả trên thực tế.

Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, nó được phát sinh và hình thành cùng với ý thức chính trị của các giai cấp trong xã hội.

Xét một cách tổng quát ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, thái độ, tình cảm, sự đánh giá của con người về pháp luật trên các phương diện, tiêu chí cơ bản như: Về sự cần thiết (hay không cần thiết), về vai trò, chức năng của pháp luật, về tính công bằng hay không công bằng, đúng đắn hay không đúng đắn của các qui định pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua trong quá khứ, pháp luật cần phải có, về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi của cá nhân, nhà nước, các tổ chức xã hội [18, tr. 430].

Dư luận xã hội luôn mang trong mình những đánh giá, nhận xét về mọi sự vật, hiện tượng, quá trình nào đó đang diễn ra trong xã hội. Chính nhờ sự khen chê kịp thời của dư luận, đã giúp con người phải điều chỉnh sao cho phù hợp với các giá trị đạo đức, luân lý, phong tục tập quán tốt đẹp bao đời nay của con người, chính những tác động tích cực đó của dư luận xã hội buộc con người phải phấn đấu hướng đến những điều tốt đẹp nhất, nó góp phần hình thành nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam và nâng cao ý thức pháp luật của mọi người. Khi ý thức pháp luật được nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật có hiệu quả.

Ý thức pháp luật là nhân tố thúc đẩy việc thực hiện pháp luật trong cuộc sống. Pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, theo những định hướng nhất định. Nhưng mục đích điều chỉnh của pháp luật được thể hiện thông qua những hành vi xử sự cụ thể của con người và các tổ chức xã hội, trong đó việc xử sự tự giác của công dân theo yêu cầu của pháp luật là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất để đảm bảo cho pháp luật phát huy được hiệu lực.

Ý thức pháp luật thể hiện nhận thức của công dân và thái độ của họ đối với các qui định của pháp luật. Sự tôn trọng, ý thức được sự cần thiết vì lợi ích chung của các qui định pháp luật sẽ định hướng hành vi của các cá nhân, làm cho hành vi của họ phù hợp yêu cầu của pháp luật. Ngược lại, sự coi thường pháp luật cộng với những nguyên nhân khác sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Tất nhiên, nguyên nhân cá nhân vi phạm pháp luật không chỉ do ý thức pháp luật

sai lệch, thấp kém của họ mà còn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác. Vì vậy, ý thức pháp luật càng được nâng cao thì tinh thần tôn trọng pháp luật, thái độ tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật ngày càng bảo đảm.

Dư luận xã hội đòi hỏi các cán bộ trong các cơ quan nhà nước phải có một trình độ kiến thức, hiểu biết nhất định về pháp luật, luôn phải có ý thức gương mẫu trong việc áp dụng và tuân thủ pháp luật

Đây là một đòi hỏi tất yếu khách quan, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đời sống pháp luật. Dư luận xã hội không thể chấp nhận tình trạng một cán bộ tư pháp mà lại không có hiểu biết tối thiểu về pháp luật, không thể đồng tình với một quyết định trái qui định của pháp luật, của cán bộ lãnh đạo cấp trên... Từ sự đòi hỏi của dư luận xã hội mà cán bộ trong cơ quan nhà nước phải phấn đấu học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, đáp ứng đòi hỏi khách quan của dư luận

Hơn nữa, mọi hành vi, hoạt động của các cán bộ cơ sở là sự phản ánh thực trạng tình hình tuân thủ và áp dụng pháp luật, đồng thời biểu hiện ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ này. Là những người thay mặt nhà nước trong việc giải quyết công việc hàng ngày của người dân, dư luận đòi hỏi họ phải luôn có ý thức gương mẫu trong việc áp dụng và tuân thủ pháp luật. Với đòi hỏi này dư luận xã hội tác động trực tiếp tới việc nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)