2.1.2 .Pháp luật về giải quyết tranh chấp bằng các phương thức khác
2.2. Thực tiễn giải quyết tranh chấp nội bộ
2.2.2.1. Tranh chấp liên quan đến việc xác lập tư cách thành viên công ty
Việc xác định thời điểm phát sinh tư cách thành viên công ty có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm hưởng các quyền lợi cũng như gánh vác các nghĩa vụ của thành viên. Và trong một số trường hợp, việc xác định thời điểm phát sinh tư cách thành viên (mới) của công ty gắn liền với việc xác định thời điểm chấm dứt tư cách thành viên (cũ) là căn cứ cho việc phân định việc hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ liên quan đến phần vốn góp trong công ty cũng như việc phân định thẩm quyền xét xử, giải quyết các tranh chấp liên quan khi có tranh chấp xảy ra.
a. Việc xác lập tư cách thành viên trong hoạt động thực hiện việc cam kết góp vốn khi thành lập công ty
- Xác lập tư cách thành viên khi những người góp vốn đã thực hiện việc góp vốn nhưng công ty vẫn chưa được thành lập: Trong thực tiễn, không ít vụ
tranh chấp xảy ra đối với trường hợp tại thời điểm thỏa thuận góp vốn thành lập công ty, những người góp vốn đã thực hiện việc góp tài sản như thỏa thuận, tuy nhiên sau đó xảy ra tranh chấp mặc dù công ty vẫn chưa được
thành lập. Vì công ty vẫn chưa được thành lập, tư cách pháp nhân của công ty vẫn chưa phát sinh, tài sản vẫn chưa được chuyển giao sang cho công ty. Vậy nên, tại thời điểm công ty chưa được thành lập, mặc dù đã thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo thỏa thuận nhưng tư cách thành viên công ty của người góp vốn vẫn chưa phát sinh. Và đó là căn cứ quan trọng để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án. Pháp luật cho phép các thành viên được quyền ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh nhưng sau khi doanh nghiệp được thành lập thì mới chuyển giao các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng này cho công ty được. Còn trường hợp công ty không được thành lập thì người ký hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng này.
Tại Bản án kinh doanh thương mại số 1851/2008/KDTMST ngày 14/11/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, vụ việc được tóm tắt như sau:
Tháng 4 năm 2006, bà Nguyễn Thị Lan, ông Tạ Hùng Quốc Việt, ông Nguyễn Tấn Lộc, ông Nguyễn Phú Tài và bà Đặng Thị Phương Anh cùng nhau bàn bạc và thống nhất là thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Đắc Phúc (viết tắt là công ty Đắc Phúc), dự kiến giao cho ông Lộc làm giám đốc và đại diện theo pháp luật của công ty. Các thành viên cũng thống nhất dự kiến bà Lan sẽ làm chủ tịch hội đồng thành viên, ông Trần Công Minh (do bà Lan giới thiệu) làm thủ quỹ. Để các cổ đông yên tâm góp vốn và thể hiện sự công bằng, các thành viên giao cho ông Tài mở và đứng tên tài khoản, việc rút tiền từ ngân hàng phải có chữ ký của cả ông Tài và ông Minh. Các cổ đông phải nộp một phần tiền trước ngày 10/4/2006 để trang trải cho việc thành lập công ty. Ông Lộc chịu trách nhiệm soạn thảo điều lệ công ty để các thành viên thông qua và đăng ký với sở kế
hoạch và đầu tư qua mạng Internet. Ngày 07/4/2006, các thành viên gồm ông Lộc, ông Tài và bà Anh, có cả ông Minh, ông Việt cùng đến Vietcombank – chi nhánh Bình Tây mở tài khoản cho ông Tài đứng tên. Việc nộp tiền được thực hiện như sau : ông Nguyễn Phú Tài nộp 191.000.000đ; bà Đặng Thị Phương Anh nộp 250.000.000đ ; ông Nguyễn Tấn Lộc nộp 250.000.000đ. Sau khi nộp hồ sơ và được cấp biên nhận, Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh phát hiện số CMND mang tên Nguyễn Thị Lan không trùng khớp với số CMND ghi trong sổ hộ khẩu nên yêu cầu bà Lan điều chỉnh hoặc có xác nhận hợp lệ bổ sung hồ sơ thành lập công ty nhưng bà Lan không đáp ứng yêu cầu này. Việc rút tiền từ tài khoản ngân hàng do ông Tài đứng tên để chi tiêu được ông Minh cập nhật vào cuốn sổ riêng do ông Minh giữ và có chữ ký duyệt của ông Lộc (dự kiến là Giám đốc) trong các khoản tiền rút từ ngân hàng hay chi cho việc thành lập công ty theo thỏa thuận của các thành viên góp vốn. Đến tháng 5/2006, ông Mai Thanh Bình được tuyển làm kế toán trưởng đã thống kê lại chi thu quỹ tiền mặt trong tháng 4/2006, ông Lộc thấy các khoản chi tiêu không rõ từ phía bà Lan, ông Minh nên nhiều lần nhắc nhở kiểm quỹ, quyết toán đối chiếu nhưng hai người không làm. Đến ngày 25/5/2006, bà Lan tuyên bố không thành lập công ty Đắc Phúc và chỉ đạo di dời, tẩu tán tài sản cũng như trả nhà thuê, trốn tránh việc trả lại vốn góp cho các thành viên.
Nguyên đơn ông Nguyễn Tấn Lộc yêu cầu Tòa án buộc bà Nguyễn Thị Lan (người dự kiến là chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Đắc Phúc) và ông Trần Công Minh phải hoàn trả số tiền góp vốn là 220.000.000đ (đã trừ chi phí thành lập công ty 30.000.000đ), vì ngay từ lúc thỏa thuận góp vốn, bà Lan đã xác định chịu trách nhiệm về thủ quỹ mà mình giới thiệu.
Quyết định của bản án : Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn (ông Nguyễn Tấn Lộc) buộc ông Trần Công Minh có trách nhiệm phải trả cho ông Nguyễn Tấn Lộc 155.000.000đ.
Qua bản án, có thể nhận thấy Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ vào điều 33, 34 BLTTDS 2004 để thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp nội bộ công ty. Tuy nhiên, do công ty chưa được thành lập, các thỏa thuận giữa các đương sự mới dừng lại ở hợp đồng tiền công ty bởi vì công ty chưa được thành lập, mặc dù các đương sự đã thực hiện nghĩa vụ góp vốn nhưng tư cách pháp nhân của công ty chưa phát sinh, tài sản góp vốn chưa được chuyển giao sang cho công ty nên tư cách thành viên của các đương sự chưa được phát sinh. Đối chiếu với Điều 14 LDN 2005, trong trường hợp doanh nghiệp không được thành lập thì người ký kết hợp đồng theo diện thành viên, cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo uỷ quyền ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng đó. Trách nhiệm này là trách nhiệm dân sự và tòa án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ việc này phải là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị trấn, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chứ không phải cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực tế, tại bản án số 51/2009/KDTM-PT ngày 28/4/2009 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án về “tranh chấp đòi tiền góp vốn thành lập công ty” cũng đã xét xử theo hướng: vì công ty chưa tồn tại, pháp nhân chưa được thành lập nên những người góp vốn chưa thể là thành viên công ty, tranh chấp giữa những người góp vốn chỉ là tranh chấp hợp đồng dân sự chứ không phải là tranh chấp giữa các thành viên trong công ty.
- Xác lập tư cách thành viên công ty tại thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Trong trường hợp thành lập mới công ty thì
tư cách thành viên công ty phát sinh tại thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là phù hợp pháp luật. Có thể tại thời điểm này người góp vốn cũng chưa thực hiện nghĩa vụ góp vốn, chưa chuyển quyền sở hữu tài sản sang cho công ty (vì chưa đến thời hạn như thỏa thuận chẳng hạn) nhưng công ty này được thành lập là bởi những người góp vốn, họ đã thành lập ra nó, quyền lợi và nghĩa vụ của họ cũng gắn với nó. Có thể họ chưa thực hiện việc góp vốn, chưa chuyển tài sản vào công ty nhưng tài sản góp vốn sẽ được đưa vào công ty trong tương lai theo như cam kết. Bên cạnh đó, luật cũng quy định thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty. Như vậy, luật buộc các thành viên chịu trách nhiệm theo số vốn cam kết góp vào công ty chứ không căn cứ vào số vốn thực góp của họ trong công ty. Nên trong trường hợp thành lập mới công ty, tư cách thành viên công ty phát sinh tại thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hoàn toàn phù hợp. Và đối với trường hợp này thì thực tiễn xét xử cho thấy khá dễ dàng xác định tư cách thành viên công ty và việc phân định thẩm quyền xét xử ít khi bị nhầm lẫn và việc giải quyết các tranh chấp nếu có cũng đơn giản. (Bản án tranh chấp quyền thụ hưởng)
- Giấy chứng nhận phần vốn góp không có giá trị xác định thời điểm phát sinh tư cách thành viên công ty: Tương tự như biên bản giao nhận tài sản
góp vốn, luật cũng quy định những nội dung chủ yếu, cần phải ghi trong giấy chứng nhận phần vốn góp tuy nhiên luật cũng không xác định cụ thể giá trị pháp lý của giấy chứng nhận này. Điểm khác biệt chính giữa giấy chứng nhận và biên bản giao nhận đó là giấy chứng nhận phần vốn góp được công ty cấp cho thành viên tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp, đối với toàn bộ số tài sản mà thành viên góp thì chỉ được cấp một giấy chứng nhận phần vốn
góp, còn biên bản giao nhận thì có thể được lập nhiều lần tùy theo số lần giao nhận thực tế. Tuy nhiên, khi có tranh chấp liên quan đến việc góp vốn của thành viên góp vốn thì bản thân giấy chứng nhận phần vốn góp, biên bản giao nhận chưa đủ để chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn của thành viên. Nếu hai loại giấy trên được lập với các nội dung chủ yếu như luật định và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty kèm theo việc đóng dấu của công ty thì thường đủ căn cứ để chứng minh là thành viên nào đó đã góp vốn vào công ty. Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp, biên bản giao nhận được lập giữa cá nhân người góp vốn với đại diện theo pháp luật của công ty mà không sử dụng con dấu của công ty, ngoài ra trong sổ sách kế toán không thể hiện việc tài sản góp vốn được đưa vào trong công ty thì thực tế xét xử Tòa án thường xem đây là giao dịch cá nhân giữa người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty (hoặc người nhận tài sản thông qua biên nhận nhận tài sản) [40].
Như vậy, bản thân giấy chứng nhận phần vốn góp không có giá trị xác định thời điểm phát sinh tư cách thành viên công ty. Giấy chứng nhận phần vốn góp có giá trị xác định việc thành viên đã hoàn tất nghĩa vụ góp vốn còn tư cách thành viên được xác lập và phát sinh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không cần phải có giấy chứng nhận phần vốn góp. Trong quá trình hoạt động của công ty, nếu như để chứng minh về việc góp vốn thành viên có giấy chứng nhận công ty chưa được thành lập, biên bản giao nhận thì bản thân phía công ty lại lưu giữ thông tin về thành viên và việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn thông qua Sổ đăng ký thành viên. Nếu như trong công ty cổ phần, người ta có thể căn cứ vào Sổ đăng ký cổ đông để xác định thời điểm người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty (đó là thời điểm những thông tin về cổ đông được ghi đầy đủ trong Sổ đăng ký cổ đông) thì trong công ty TNHH thiếu vắng hẳn những quy định như vậy.
b. Xác lập tư cách thành viên khi chuyển nhượng vốn góp trong quá trình hoạt động của công ty
Xác lập tư cách thành viên khi có sự thay đổi thành viên góp vốn do sự chuyển dịch phần vốn góp (do chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, trả nợ):
Nếu như ở trường hợp thành lập mới, chúng ta dễ dàng chấp nhận quan điểm rằng, thời điểm phát sinh tư cách thành viên là thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì trong quá trình hoạt động của công ty, khi có sự thay đổi thành viên góp vốn do sự chuyển dịch phần vốn góp (do chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, trả nợ) thì việc xác định thời điểm phát sinh tư cách thành viên công ty pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể.
Theo tác giả, thời điểm phát sinh, chấm dứt tư cách thành viên có ý nghĩa xác định ai là người được hưởng quyền cũng như gánh vác nghĩa vụ đối với phần vốn góp được dịch chuyển. Thời điểm phát sinh tư cách thành viên công ty trong từng trường hợp cụ thể có thể là khác nhau nhưng hoàn toàn có thể sử dụng Sổ đăng ký thành viên công ty để ghi nhận những thông tin của thành viên mới và lấy đó làm căn cứ để xác định thời điềm phát sinh tư cách thành viên công ty. Xuất phát từ quan điểm phần vốn góp là một loại tài sản (quyền tài sản) không phải đăng ký quyền sở hữu, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng không phải là một cơ quan có chức năng đăng ký quyền sở hữu tài sản và xét cho cùng thì phần vốn góp cũng là tài sản thuộc sở hữu riêng của người sở hữu nó. Do đó, pháp luật doanh nghiệp cần thiết xác định thời điểm phát sinh tư cách thành viên trong từng trường hợp cụ thể làm căn cứ cho việc phân định việc hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ liên quan đến phần vốn góp trong công ty cũng như việc phân định thẩm quyền xét xử, giải quyết các tranh chấp khi có tranh chấp xảy ra.