Hiến pháp 2013 với các bản Hiến pháp trước và quy định của Luật nhân quyền quốc tế
3.1.1. Quyền kinh tế
- Quyền lao động, việc làm
Hiến pháp 1946 quy định: “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm” [23, Điều 13]
Hiến pháp 1959 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền làm việc. Nhà nước dựa vào sự phát triển có kể hoạch của nền kinh tế quốc dân, dần dần mở rộng công việc làm, cải thiện điều kiện lao động và lương bổng, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó” [24, Điều 30].
Hiến pháp 1980 quy định: “ Lao động và quyền, nghĩa vụ và vinh dự hàng đầu của công dân. Công dân có quyền có việc làm…” [25, Điều 58] và đồng thời cũng đặt ra quy định về sự bảo đảm của Nhà nước về quyền này dựa vào kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Hiến pháp 1992 quy định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động” [26, Điều 55].
Tương ứng Điều 6, 7 ICESCR, Hiến pháp 2013 quy định:
1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. 2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu [29, Điều 35].
Hiến pháp trước đều coi quyền lao động và quyền cơ bản của công dân. Quyền lao động trong Hiến pháp 2013 được quy định trên cơ sở kế thừa nội dung của Điều 55 và Điều 56 Hiến pháp 1992, quy định đã khẳng định quyền làm việc của mọi người và nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử để phù hợp với Công ước của tổ chức lao động quốc tế ILO mà Việt Nam là thành viên, Điều 32 Công ước về quyền trẻ em…
Tuy nhiên việc tiếp tục quy định: “lao động là nghĩa vụ” lại chưa tương thích với Điều 12,13,22 ICCPR. Hiến pháp một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Liên bang Nga… cũng không gắn quyền với nghĩa vụ lao động. Trong thực tế, việc gắn quyền với nghĩa vụ là động là việc áp đặt, vì không phải lúc nào cũng có thể buộc một người phải lao động. Hơn nữa, việc xác định lao động là nghĩa vụ trong mọi trường hợp thì việc cưỡng chế thi hành và xử lý vi phạm nghĩa vụ này cũng khó thực hiện.
- Quyền tự do sản xuất và kinh doanh
Quyền tự do kinh doanh không được quy định trong các bản Hiến pháp 1946, 1959 và 1980.
Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” [26, Điều 57]; “Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” [26, Điều 16]. Điều 20 quy định: “công dân được chọn hình thức sản xuất, kinh doanh” [26, Điều 20]
Như vậy lần đầu tiên trong Hiến pháp Việt Nam quy định về quyền tự do sản xuất kinh doanh của cá nhân.
Hiến pháp 2013 quyền này lại tiếp tục được khẳng định quyền này “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” [29, Điều 33].
Như vậy, việc thừa nhận quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp đã thể hiện bước phát triển lớn không chỉ trong quan hệ kinh tế mà còn trong vấn đề quyền con người, vì trong các bản Hiến pháp trước năm 1992 thì quyền tự do kinh doanh bị phủ nhận và bị giới hạn chặt chẽ về cả quy mô, hình thức đầu tư và việc thuê lao động. Điều đó cũng thể hiện sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và tư duy kinh tế của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, nếu như quy định trên liệu đã phù hợp với trình độ của nền kinh tế Việt Nam hay chưa, đặc biệt là trình độ của các thành phần kinh tế trong nước là một vấn đề cần xem xét. Việc quy định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” [29, Điều 33] kết hợp với quy định này tại Điều 16:“mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” [29, Điều 16] vô hình chung đã trao “quy chế công dân” một cách vô điều kiện cho người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần viện dẫn Hiến pháp Việt Nam là có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào giống như công dân Việt Nam. Điều này có thể gây bất lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nước, đặc biệt là trong ngành nghề và lĩnh vực Nhà nước cần phải bảo hộ một cách chính đáng. Sức cạnh tranh và khả năng dựa vào nội lực chính của thành phần kinh tế trong nước và nền kinh tế Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tác động của quy định này.
Hơn nữa, trong số các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia không có điều nào quy định phải trao quyền tự do kinh doanh cho tất cả mọi người ICESCR quy định: “Các quốc gia đang phát triển có thể quyết định mức độ đảm bảo các quyền kinh tế mà đã được ghi nhận trong Công ước này cho những người không phải là công dân của họ, có xem xét thích đáng đến các quyền con người và nền kinh tế quốc dân của mình”[19, Điều 2]. Như
vậy, theo Công ước còn cho phép các quốc gia thành viên là nước đang phát triển tự quyết định mức độ trao quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế cho người không phải công dân ở mức độ thấp hơn so với công dân, như vậy việc quy định quyền tự do kinh doanh như trên có thể là chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của nền kinh tế Việt Nam
- Quyền có một mức sống thích đáng
Quyền có mức sống thích đáng theo như Điều 11 ICESCR công nhận quyền của mọi người đối với một mức sống thích đáng bao gồm các khía cạnh: ăn, mặc, cư trú thích đáng, và đối với các điều kiện sống không ngừng được cải thiện.. Trong số các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, có thể khẳng định việc bảo đảm quyền được hưởng tiêu chuẩn sống thích đáng gắn bó mật thiết nhất với sự phát triển kinh tế. Một điều không ai phủ nhận rằng, chỉ khi tăng trưởng kinh tế mới có thể nâng cao được mức sống của người dân.
Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 chưa có quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm mức sống thích đáng cho công dân. Đến Hiến pháp 1992 đã có những quy định về quyền này, cụ thể:
“Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” [26, Điều 3]. “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bảo dân tộc thiểu số” [26, Điều 5].
Các quy định trên trong Hiến pháp 1992 đã đề cập đến trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời từ đó được cụ thể trong những chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước của Chính phủ trong các mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, nhằm bảo đảm một mức sống thích đáng cho người dân.
Cùng với việc xóa đói giảm nghèo, một nội dung nữa của quyền có mức sống thích đáng là quyền về nhà ở. Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền có nhà ở theo quy hoạch và pháp luật”; “Quyền lợi của người thuê nhà và người có nhà cho thuê được bảo hộ theo pháp luật” [26, Điều 62].
Những quy định trên của Hiến pháp 1992, đã được cụ thể hóa trong các quy định của Bộ luật dân sự 2005…qua đó Nhà nước thực hiện việc giao đất cho cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở và sử dụng lâu dài theo quy định của pháp luật, phần nào đã tạo điều kiện để công dân chủ động cải thiện đời sống, góp phần thực hiện quyền có mức sống thích đáng.
Hiến pháp 2013 đã tiếp tục thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền này, Hiến pháp quy định: “Nhà nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” [29, Điều 3], quy định trên đã thể hiện vai trò của Nhà nước luôn coi việc đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân là mục tiêu phấn đấu của mình.
Tương ứng với Điều 11 ICESCR, quyền về nhà ở được quy định tại Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” [29, Điều 22]. So với Hiến pháp 1992 quy định của Hiến pháp mới đã khái quát hơn, để phù hợp với quy định của ICESCR.
Quy định tại Điều 22 của Hiến pháp không nói đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm đảm một nơi ở thích đáng cho người dân.
Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền có nơi ở thích đáng cũng không đòi hỏi các nhà nước phải xây nhà ở cho người dân, tuy nhiên cũng yêu cầu các quốc gia phải ngay lập tức tiến hành các biện pháp để bảo đảm quyền này (ví dụ như có các biện pháp bảo đảm quyền cư trú hợp pháp như cấp giấy chứng nhận, ban hành tiêu chuẩn của nhà ở, hỗ trợ các nhóm thiệt thòi, người khuyết tật, người có thu nhập thấp…) [33, 133].
Việc cung cấp nhà ở cho người dân có thể thực hiện dần dần, tuỳ theo nguồn lực của quốc gia, do vậy mà quy định như vậy của Hiến pháp chưa cụ thể trong việc bảo đảm thực hiện của Nhà nước. Trong Hiến pháp một số quốc gia đã có quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện, ví dụ như Hiến pháp Ba Lan (Điều 75), Liên bang Nga (Điều 40)…
Với quy định “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” thì cần đặt ra một nghĩa vụ của nhà nước trong việc ban hành những tiêu chuẩn về nơi ở hợp pháp được cụ thể hóa trong luật, và những tiêu chuẩn về nơi ở thích đáng đó cần phải phù hợp với quy định của Luật nhân quyền quốc tế. Quy định trên của Hiến pháp cũng không nói đến vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ những nhóm yếu thế đặc biệt là nhóm xã hội dễ bị tổn thương, vì họ là những người chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận và hưởng thụ quyền này.
3.1.2. Quyền văn hóa
- Quyền được giáo dục
Trong các quyền về văn hóa, xã hội, quyền được giáo dục có tầm quan trọng hàng đầu vì vậy trong các bản Hiến pháp đều đã có quy định rõ về quyền này.
Hiến pháp 1946 quy định: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước” [23, Điều 15]
Hiến pháp 1959 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền học tập” [24, Điều 33].
Hiến pháp 1980 quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục phổ thông bắt buộc, thực hiện chế độ học không phải trả tiền và chính sách cấp học bổng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân học tập” [25, Điều 60].
Như vậy, trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 quyền về học tập đều được đề cập. Từ khi đổi mới giáo dục đã được xác định là một trong những quốc sách hàng đầu của quốc gia, nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng hàng năm, chiếm tới 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.Vì vậy Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đã nêu rõ quốc sách về giáo dục này
Hiến pháp 1992 quy định:
Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Công dân có quyền học văn hoá và học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Nhà nước có chính sách học phí, học bổng. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hoá và học nghề phù hợp [26, Điều 59].
Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” [29, Điều 39]. Như vậy Hiến pháp 2013 tiếp tục quy định học tập là nghĩa vụ của công dân.Tuy nhiên quy định này là chưa phù hợp.
Mặc dù Nhà nước có chính sách phổ cập giáo dục, khuyến khích người dân học tập, nâng cao trình độ, nhưng học tập là một quyền, không nên đặt học tập thành nghĩa vụ. Nếu coi học tập là “nghĩa vụ” thì cần có chế tài đối với người không thực hiện. Trên thực tế, trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, một bộ phận không nhỏ trẻ em tàn tật đang rất khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục [12].
Hiến pháp 2013 bỏ quy định “Bậc tiểu học là bắt buộc” nhưng vẫn quy định về nghĩa vụ học tập của công dân, như vậy nếu như có những vi phạm về
nghĩa vụ học tập thì không có những biện pháp khả thi, chế tài để xử lý những vi phạm nghĩa vụ đó. Trên thế giới, chỉ có Hiến pháp của một số ít quốc gia quy định học tập là nghĩa vụ.
Việc bỏ quy định: “bậc học tiểu học là miễn phí” lại là một sự thụt lùi, bởi vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền học tập của trẻ em. Bởi vì nếu quy định bậc học tiểu học là miễn phí thì Nhà nước phải có nghĩa vụ trong việc bảo đảm quyền được học tập của trẻ em ở bậc tiểu học, chẳng hạn như xây dựng trường lớp, bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chất lượng giáo viên… Và trẻ em (gia đình của trẻ em) sẽ không phải chịu những chi phí đó.
Hơn nữa Hiến pháp nên quy định các bậc học miễn phí do Nhà nước quy định để mở ra khả năng nhà nước có thể quy định các cấp học khác ví dụ trung học cơ sở, trung học phổ thông) cũng sẽ là bắt buộc và miễn phí trong thương lai.
Hiến pháp 2013 chưa có quy định về quyền được lựa chọn trường học của cha mẹ cho con và chưa có quy định về quyền được thành lập các cơ sở giáo dục ngoài nhà nước, như vậy là chưa tương thích với quy định ở Khoản 3 Điều 13 ICESCR theo đó, công ước quy định các Nhà nước cần cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ và của những người giám hộ hợp pháp (nếu có) trong việc lựa chọn trường cho con cái của họ.... Hiện nay Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định về vấn đề trên, ví dụ, Hiến pháp Ba Lan (Điều 70), Liên bang Nga (Điều 43), Singapore (Điều 16) [10, tr.188].
- Quyền được hưởng thụ, giữ gìn những giá trị văn hóa và những thành tựu của khoa học
Ở đây, quyền được hưởng thụ, giữ gìn những giá trị văn hóa và những thành tựu của khoa học được phân tích ở các khía cạnh như sau:
người dân và cộng đồng có quyền đòi hỏi được hưởng thụ các sinh hoạt văn hóa, thành tựu khoa học.
Thứ hai, quyền được thể hiện và thực hành văn hóa, hay nói cách khác, các cá nhân và cộng đồng có quyền được bảy tỏ, thể hiện những sáng tạo mang tính riêng, cá nhân của mình.
Thứ ba, quyền được tôn trọng và thừa nhận các phong tục, tập quán,