Cầm cố tiền gửi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cầm cố tài sản trong hoạt động của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán tại việt nam 03 (Trang 63 - 67)

CHƢƠNG 1 CÁC VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CẦM CỐ TÀI SẢN

2.3. Cầm cố tài sản trong hoạt động của công ty chứng khoán

2.3.1. Cầm cố tiền gửi

2.3.1.1. Bản chất giao dịch cầm cố tiền gửi

Như đã trình bày tại Chương I, công ty chứng khoán sử dụng biện pháp bảo đảm với tư cách bên nhận bảo đảm trong giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Hiện tại, giao dịch ký quỹ của các công ty chứng khoán được hướng dẫn áp dụng tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ-UBCK ngày 30-8-2011 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Quyết định số 637/QĐ-UBCK).

Tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ-UBCK.

Trong giao dịch ký quỹ chứng khoán, công ty chứng khoán cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, căn cứ trên tổng giá trị tài sản trong tài khoản giao dịch chứng khoán của Khách hàng (tiền và chứng khoán). Công ty chứng khoán quản lý tài khoản của khách hàng căn cứ vào tỷ lệ ký quỹ mỗi tài khoản. Theo quy định tại khoản 7, Điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ-UBCK, tỷ lệ ký quỹ là “tỷ lệ giữa tài sản thực có so với tổng tài sản

trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường”. [39, khoản 7, Điều 2]

Mỗi công ty chứng khoán có cách thức quản lý khác nhau, thông thường, công ty chứng khoán chia thành các mốc tỷ lệ chính như sau: tỷ lệ ký quỹ duy trì

là mức tỷ lệ mà ở đó khách hàng vẫn đủ điều kiện giao dịch ký quỹ chứng khoán; tỷ lệ ký quỹ bổ sung là tỷ lệ mà ở đó công ty chứng khoán yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản (tiền hoặc chứng khoán) để đưa tỷ lệ ký quỹ về mức duy trì và tỷ lệ ký quỹ xử lý là tỷ lệ mà ở đó, công ty chứng khoán sẽ thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Biện pháp bảo đảm được áp dụng đối với tài sản bảo đảm là tiền gửi và chứng khoán trên tài khoản của Khách hàng được xác định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ- UBCK là thế chấp.

Xét về tính phù hợp logic pháp luật thực định thì việc xác định giao dịch bảo đảm là giao dịch thế chấp tài sản như tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ-UBCK là không hoàn toàn hợp lý. Cần xác định biện pháp bảo đảm áp dụng trong trường hợp này là cầm cố tài sản với lý do như sau:

- Thực tế đã có sự chuyển giao tài sản bảo đảm là tiền gửi từ bên bảo đảm là Khách hàng sang bên nhận bảo đảm là công ty chứng khoán.

- Thực tế triển khai nghiệp vụ giao dịch ký quỹ chứng khoán nói riêng cũng như giao dịch chứng khoán nói chung, nhà đầu tư - khách hàng cần phải mở tài khoản giao dịch (với giao dịch ký quỹ cần phải mở tài khoản ký quỹ) tại công ty chứng khoán trên cơ sở hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ (hoặc dưới tên gọi khác tùy thuộc vào từng công ty chứng khoán). Để có thể mua chứng khoán, nhà đầu tư buộc phải có tiền trong tài khoản. Về mặt quản lý số liệu, tài khoản tiền của nhà đầu tư sẽ được tách riêng với tài khoản chứng khoán. Tài khoản tiền của nhà đầu tư được công ty chứng khoán cấp mã số để theo dõi riêng, nhưng về hình thức, tài khoản tiền của nhà đầu tư vẫn nằm trong tài khoản tổng của công ty chứng khoán mở tại một ngân hàng thương mại. Về danh nghĩa, công ty chứng khoán vẫn là chủ sở hữu tiền gửi trong tài khoản tổng, trong các giao dịch rút, chuyển tiền của nhà đầu tư, công ty chứng khoán vẫn là

chủ thể xác nhận các lệnh rút, chuyển tiền này (xác nhận trên các phiếu yêu cầu rút tiền, chuyển tiền,…).

- Không có cơ sở khi căn cứ vào việc nhà đầu tư vẫn có thể sử dụng tiền trên tài khoản để thực hiện các giao dịch mua chứng khoán để xác định đây là biện pháp thế chấp tài sản.

Như đã nêu, thực tế, công ty chứng khoán là người quản lý tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ có thể rút tiền trong tài khoản trong trường hợp không còn nghĩa vụ trả nợ với công ty chứng khoán, hoặc rút những vẫn phải bảo đảm tỷ lệ ký quỹ theo yêu cầu của công ty chứng khoán.

Điểm e, khoản 3, Điều 8 về “Tài khoản giao dịch ký quỹ”, Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ- UBCK quy định như sau:

“e) Khách hàng chỉ được rút tiền trên tài khoản giao dịch ký quỹ sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ với công ty chứng khoán hoặc khi trên tài khoản giao dịch ký quỹ có tiền và sau khi rút vẫn phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ ban đầu.”

[39, khoản 3, Điều 8]

Điều này cho thấy trong trường hợp này, công ty chứng khoán có quyền quản lý hoàn toàn tiền gửi của khách hàng. Việc khách hàng được sử dụng tiền để mua chứng khoán trong phạm vi giao dịch ký quỹ chứng khoán là thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và khách hàng mang tính đặc thù của giao dịch này mà thôi; nó không làm thay đổi bản chất giao dịch cầm cố.

2.3.1.2. Hiệu lực của giao dịch cầm cố tiền gửi

Như đã nêu phía trên, để sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán, khách hàng cần phải ký hợp đồng mở tài khoản kỹ quỹ. Trong hợp đồng mở tài khoản ký quỹ, thông thường, các bên thoả thuận hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký. Nhưng do đặc thù của giao dịch ký quỹ, khách hàng chỉ chịu ràng buộc của thoả thuận này từ thời điểm phát sinh khoản tiền vay mua chứng khoán từ công ty chứng khoán; khi đó, mặc nhiên tài sản bảo đảm của khách hàng từ tài khoản giao dịch về nguyên tắc sẽ được chuyển sang tài khoản giao

dịch ký quỹ để quản lý, hạch toán riêng biệt. Tức là nếu chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền vay mua chứng khoán thì các tài sản của khách hàng không trở thành tài sản bảo đảm.

Ví dụ trong trường hợp: Ông Nguyễn Văn A. ký hợp đồng mở tài khoản

giao dịch ký quỹ với Công ty cổ phần chứng khoán Hoa Phượng ngày 28-7- 2015. Ngày 29-7-2015, ông A. nộp 700.000.000 đ vào tài khoản giao dịch. Ngày 30-7-2015, ông A. đặt lệnh mua 50.000 cổ phiếu mã CPP, do tài khoản giao dịch thiếu 300.000.000 đ (Ba trăm triệu đồng), nên mặc nhiên lệnh mua này của ông A. sử dụng một phần tiền vay của công ty chứng khoán Hoa Phượng. Sau khi thực hiện giao dịch, ông A. vẫn bảo đảm tỷ lệ kỹ quỹ duy trì. Ngày 31-7- 2015, ông A. tiếp tục nộp thêm 200.000.000 đ (Hai trăm triệu đồng) vào tài khoản.

Trong ví dụ này, vào thời điểm ngày 29-7-2015, mặc dù đã ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch kỹ quỹ, nhưng tài sản là tiền mặt trong tài khoản của ông A. chưa trở thành tài sản bảo đảm do lúc đó nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ trả nợ tiền vay của ông A. cho công ty chứng khoán Hoa Phượng chưa phát sinh. Từ ngày 30-7-2015, do đã phát sinh khoản tiền vay, nên khi đó, mặc nhiên tiền trong tài khoản của ông A. (nếu có) sẽ trở thành tài sản bảo đảm cho khoản vay của ông A. Vì vậy, khoản tiền 200.000.000 đ được nộp thêm ngày 31-7-2015 sẽ trở thành tài sản bảo đảm.

Theo quy định tại Điều 328 về “Hiệu lực của cầm cố tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điểm b, khoản 1, Điều 10 về “Hiệu lực của giao dịch bảo đảm”, Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì thời điểm có hiệu lực của giao dịch cầm cố là thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố.

Đối với nghiệp vụ giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán, thời điểm chuyển giao tài sản cầm cố được xác định theo cách thức đặc thù.

Khoản 1, Điều 20 về “Nghĩa vụ quản lý tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng”, Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ-UBCK quy định:

“1. Công ty chứng khoán phải quản lý tách biệt tiền, chứng khoán trên tài khoản giao dịch ký quỹ với tiền, chứng khoán trên tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường của khách hàng và tiền, chứng khoán của chính công ty chứng khoán.” [39, khoản 1, Điều 20]

Theo quy định này, tiền, chứng khoán trong tài khoản giao dịch thông thường của khách hàng sẽ phải được tách biệt với tiền, chứng khoán trên tài khoản giao dịch ký quỹ. Việc ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ với công ty chứng khoán không quyết định thời điểm chuyển giao tài sản cầm cố từ khách hàng sang cho công ty chứng khoán. Mà chỉ khi phát sinh khoản vay đối với công ty chứng khoán, thì mặc nhiên tài sản cầm cố mới được chuyển từ tài khoản giao dịch thông thường sang tài khoản giao dịch ký quỹ; tức là thời điểm đó mới có thể xác định là thời điểm giao dịch cầm cố có hiệu lực.

2.3.1.3. Xử lý tài sản cầm cố

Khoản 1, Điều 19 về “Xử lý tài sản thế chấp”, Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 637/QĐ-UBCK quy định: 1. Công ty chứng khoán phải bán chứng khoán thế chấp trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng khi khách hàng không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ tài sản thế chấp trong thời hạn theo lệnh gọi ký quỹ bổ sung. [39,

khoản 1, Điều 19]

Tại các Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ, các công ty chứng khoán và Khách hàng thoả thuận cụ thể hơn về thời điểm phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm của công ty chứng khoán. Thông thường, các bên sẽ xác định một mốc tỷ lệ ký quỹ xử lý mà ở đó công ty chứng khoán có quyền xử lý tài sản bảo đảm của Khách hàng để thu hồi nợ vay.

Với trường hợp tài sản cầm cố là tiền thì công ty chứng khoán sẽ khấu trừ trực tiếp từ tài khoản của Khách hàng để bù trừ nợ vay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cầm cố tài sản trong hoạt động của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán tại việt nam 03 (Trang 63 - 67)