Theo xu hướng phát triển đô thị bền vững hiện nay, các đô thị xanh sẽ phát triển theo 03 yếu tố cơ bản là: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, cân bằng các giá trị và chất lượng cuộc sống.
Hình 3.4 – Thừa Thiên Huế
Với chính sách hỗ trợ đến năm 2020 của ADB, sáng kiến “Green city” của ADB nhằm phát triển các đô thị xanh, làm hạt giống gieo mầm cho các trung tâm kinh tế xanh phát triển của vùng với chất lượng đời sống được nâng cao.
Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực đô thị đã được ADB chọn; trong đó môi trường bao gồm cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu để thực hiện dự án. Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành đô thị sinh thái, có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện, có lối sống thân thiện môi trường… Thừa Thiên Huế sẽ sớm triển khai có hiệu quả dự án "Thành phố xanh – Tương lai bền vững của khu vực Đông Nam Á" trên địa bàn.
Thời gian qua, ADB luôn có sự hỗ trợ tích cực đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, tỉnh đã nhận được 16 dự án do ADB tài trợ trên nhiều lĩnh vực; trong đó chú trọng đến bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường năng lực thể chế và
phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai… với số vốn xấp xỉ 123 triệu USD. Hiện tại, trên địa bàn đang triển khai các dự án: dự án "Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mekong mở rộng – giai đoạn 2 tỉnh Thừa Thiên Huế"; dự án "Phát triển bền vững du lịch Mekong" và dự án "Cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020".