Phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam (Trang 73 - 75)

Con người được coi là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của cả NH nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng. Tự thân sản phẩm dịch vụ NH chưa hẳn đã thoả mãn được những nhu cầu của khách hàng, mà chính quá trình cung cấp dịch vụ, giao tiếp giữa khách hàng và nhân viên NH sẽ quyết định việc khách hàng có thoả mãn nhu cầu, có quay lại hay với NH hay không.

Mặc dù cán bộ của Vietcombank có một nền tảng kiến thức tốt do được đào tạo bài bản tại các trường Đại học nổi tiếng và có quy chế tuyển dụng cán bộ khá khắt khe. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo hiện nay của Vietcombank còn khá sơ sài, chưa có mô hình đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, các khóa đào tạo chưa có tính thực tế và chưa đủ (VD: các khóa đào tạo kinh doanh vàng, ngoại hối, quản lý tài sản...chưa thực sự mang lại hiệu quả khi sau khi học học viên không được áp dụng vào thực tế), các cán bộ thường phải tự học lẫn nhau.

Ngoài ra, một thực trạng chung không chỉ có ở riêng Vietcombank mà còn nhiều NHTM khác của Việt Nam là chính bản thân các nhân viên NH cũng thiếu

một số kỹ năng và phẩm chất trong chăm sóc khách hàng – một kỹ năng quan trọng của người làm dịch vụ.

Một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất giai đoạn tiền CPH là “chảy máu chất xám”. Đã từng có ý kiến cho rằng Vietcombank và các NHTM nhà nước khác là cái “lò” đào tạo miễn phí và là nơi thử nghiệm của nhiều cán bộ. Sau giai đoạn kinh tế khó khăn như vừa qua, đặc biệt là sự ra đời hàng loạt các NHTMCP, nhân lực trong lĩnh vực tài chính - NH bị xáo trộn nghiêm trọng trước những lời mời gọi hấp dẫn về lương, thưởng và cổ phiếu ưu đãi... Làm thế nào để tuyển dụng được những cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất vào NH và làm thế nào để giữ chân các cán bộ này ở lại với NH, để tránh không bị rơi vào tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ vẫn là câu hỏi khó cho toàn thể Ban lãnh đạo Vietcombank.

Những giải pháp mà Vietcombank có thể áp dụng để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay có thể kể đến là:

+ Đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo cán bộ, chú trọng đào tạo cả về chuyên môn và đạo đức để xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, nắm vững các nghiệp vụ, quy trình, sản phẩm.

+ Ngay từ khâu tuyển dụng, Vietcombank cần lien kết với các Học viện, các Trường Đại học để phối hợp đào tạo sinh viên theo nhu cầu của NH, tăng cường đào tạo các kỹ năng thực tế, các kỹ năng chăm sóc khách hàng…

+ Sau khi tuyển dụng cần sắp xếp bố trí công tác, phát hành cẩm nang NH cho nhân viên về các sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank và cách trả lời các câu hỏi thường gặp của khách hàng.

+ Thực hiện đào tạo và đào tạo lại cán bộ để có thể bắt kịp với những thay đổi. Các khóa học sau cần căn cứ trên nhu cầu thực tế, có thể tiến hành đào tạo theo chức danh, dựa vào đăng ký của các đơn vị, xây dựng khung tài liệu chuẩn cho các khóa học.

+ Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nội bộ, các khóa đào tạo kết hợp với các Trường ĐH, Học viện và các NH khác, các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành. Hàng năm có kiểm tra đánh giá định kỳ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ (VD: nghiệp vụ giao dịch viên,

nghiệp vụ ngân quỹ…). Thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ theo đúng với chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

+ Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ tự học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ: hỗ trợ học phí để cán bộ nhân viên tham gia các khóa đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, các khóa nghiệp vụ chuyên sâu… tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước. Mở rộng dân chủ trong cơ quan để phát huy sáng kiến, động viên sức lực, trí tuệ và khả năng của cán bộ trong kinh doanh và quản lý, tạo sức mạnh tổng hợp cho toàn hệ thống.

+ Khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác khách hàng, đạt kết quả kinh doanh tốt, kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân, tập thể vi phạm

Xây dựng một chính sách lương bổng và hệ thống đánh giá công việc rõ ràng, công nhận thành tích của nhân viên.

Bên cạnh đó, Vietcombank cần xây dựng cho mình một mối quan hệ nội bộ hiệu quả hơn nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mối quan hệ nội bộ bao gồm quan hệ hợp tác giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa các phòng nghiệp vụ các bộ phận trong NH với nhau. Đặc biệt cần giúp nhân viên nhận thức được quan niệm “khách hàng nội bộ”, xem những nhân viên ở giai đoạn liên quan đến quá trình nghiệp vụ là khách hàng của mình. Cần xây dựng được mối quan hệ giữa các nhà quản lý và nhân viên như là mối quan hệ hợp tác vì mục tiêu chung chứ không phải là thực hiện nhiệm vụ cho xong, để không bị phê bình.

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam (Trang 73 - 75)