ING bank là một trong số các ngân hàng hàng đầu châu Âu đạt được nhiều thành công trong công tác quản trị RRTD. Mô hình mà ngân hàng áp dụng có nhiều điểm ưu việt:
Về cơ cấu bộ máy: Hệ thống quản trị rủi ro tại ngân hàng được tách bạch
hoàn toàn với bộ phận kinh doanh và khách hàng, được báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo cao nhất. Cơ cấu quản trị RRTD gồm ba bộ phận: Bộ phận chính sách, Bộ phận quản lý rủi ro và Bộ phận xây dựng mô hình tính toán lượng hóa rủi ro.
Về thẩm quyền quản lý rủi ro: Ý kiến của bộ phận quản lý RRTD là yêu cầu bắt buộc của các quyết định tín dụng. Ngân hàng có xu hướng áp dụng hình thức cấp hạn mức tín dụng trên cơ sở đề xuất của bộ phận kinh doanh/ khách hàng, bộ phận rủi ro sẽ lập báo cáo đề xuất đánh giá độc lập đề nghị duyệt một hạn mức tín dụng phù hợp cho từng khách hàng trong một thời hạn thường là một năm và bộ phận kinh doanh/ khách hàng được sử dụng hạn mức đó. Các khoản tín dụng vượt hạn mức này hoặc các khách hàng chưa có hạn mức thì đều phải qua bộ phận quản lý rủi ro.
Bộ phận quản lý rủi ro còn được tham gia vào Hội đồng tín dụng. Các ngân hàng đều quy định mọi cấp hội đồng tư vấn tín dụng phải có thành viên từ bộ phận rủi ro và các thành viên phải chiếm một nửa số thành viên của hội đồng này.
Hệ thống GHTD: Có nhiều loại giới hạn được sử dụng, với mỗi khách hàng, ngân hàng áp dụng một giới hạn rủi ro tổng thể. Dưới mức rủi ro tổng thể này có hạn mức chia theo loại sản phẩm hoặc giao dịch cho vay, bảo lãnh, phát hành thư tín dụng... Để đảm bảo quản lý tổng thể và linh hoạt, việc xây dựng giới hạn này tuân theo nguyên tắc: “Mọi giới hạn giao dịch đều không vượt quá giới hạn tổng nhưng tổng các giới hạn sản phẩm lại luôn lớn hơn hoặc bằng hạn mức tổng thể.”