Nâng cao chất lượng giám sát công tác cán bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động kiểm tra giám sát của cấp uỷ trong cơ chế kiểm soát quyền lực - qua thực tiễn huyện Đông Sơn, Thanh Hoá (Trang 93 - 95)

2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát của cấp uỷ

2.3.6. Nâng cao chất lượng giám sát công tác cán bộ

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác giám sát công tác cán bộ để các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh nhận thức đúng về công tác giám sát công tác cán bộ đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nắm vững mục đích, yêu cầu của việc giám sát công tác cán bộ nhằm đánh giá đúng thực chất về phẩm chất chính trị, năng lực, uy tín của cán bộ; phát hiện được những cán bộ thoái hoá, biến chất, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền, không còn uy tín đối với tổ chức và quần chúng nhân dân.

Thứ hai, tổ chức cho Huyện uỷ viên, cán bộ chủ chốt thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp uỷ nghiên cứu, quán triệt, nắm vững tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong đó nắm chắc nội dung đối tượng kiểm tra là cán bộ. Nắm vững và thực hiện tốt Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ về phạm vi, trách nhiệm, đối tượng, nội dung, phương pháp giám sát công tác cán bộ và hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quy định về giám sát công tác cán bộ của cấp mình.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ huyện trước hết là người đứng đầu thường xuyên, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức giám sát công tác cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hàng năm, phải xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của

cấp mình, trong đó có nội dung, đối tượng giám sát công tác cán bộ. Đối tượng giám sát cần tập trung vào người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp; cán bộ làm công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược; cán bộ trong diện quy hoạch; thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ, thẩm định về công tác cán bộ của cấp uỷ hoặc tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp. Đối tượng giám sát là tổ chức đảng cấp dưới, cần tập trung vào cơ quan tham mưu, giúp cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác cán bộ. Nội dung giám sát đối với cán bộ, tập trung vào: tiêu chuẩn cán bộ; việc chấp hành và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách; việc tham mưu, thẩm định về công tác cán bộ. Đối với tổ chức đảng, tập trung giám sát các nội dung: thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; việc tham mưu, thẩm định, quyết định về công tác cán bộ; việc tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển, phân cấp quản lý cán bộ; việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, việc miễn nhiệm, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.

Thứ tư, đổi mới nhận thức về kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo quan điểm: giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm. Một mặt phải tăng cường giám sát công tác cán bộ để chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để phục vụ cho kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; mặt khác, phải thường xuyên giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên.

Thứ năm, cần gắn chặt công tác giám sát với công tác kiểm tra, kể cả tự kiểm tra về công tác cán bộ; đồng thời chú trọng sự giám sát của các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối

với công tác cán bộ và cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở các cấp. Khắc phục tình trạng thiếu chủ động thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, thiếu hăng say tận tụy với công việc, thiếu năng động sáng tạo trong xử lý tình huống của một bộ phận công chức trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thứ sáu, Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy phải tham mưu, giúp Huyện uỷ nắm tình hình, gợi ý để đảng viên, tổ chức đảng tự phê bình; chủ trì giám sát cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới theo Điều 32 Điều lệ Đảng. Ban Tổ chức Huyện uỷ tham mưu cho cấp uỷ về phối hợp tiến hành giám sát theo thẩm quyền việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan đến công tác cán bộ; giám sát việc đánh giá, nhận xét theo tiêu chuẩn cán bộ. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu, giúp cấp uỷ hoặc chủ trì giám sát về tư tưởng chính trị, tham gia giám sát đánh giá, phân tích chất lượng cán bộ tổ chức đảng.

Thứ bảy, tập trung lãnh đạo, coi trọng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Hàng năm, các cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng, phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Đảng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị. Phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư để nắm tình hình đảng viên, phục vụ việc quản lý, giáo dục, rèn luyện, nhận xét, đánh giá, giám sát, kiểm tra chấp hành hoặc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý khi có vi phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động kiểm tra giám sát của cấp uỷ trong cơ chế kiểm soát quyền lực - qua thực tiễn huyện Đông Sơn, Thanh Hoá (Trang 93 - 95)