Chương 1 : Một số vấn đề lý luận cơ bản về tranh tụng trong tố tụng dân sự
2.4 quy định về phiên họp xem xét chứng cứ
Phiên họp xem xét chứng cứ là một thủ tục lần đầu tiên được quy định trong BLTTDS 2015. Thực tiễn thực hiện BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 cho thấy vì chưa có quy định rõ ràng về thời hạn cung cấp chứng cứ, về quyền được biết chứng cứ của bên đương sự đối lập trước phiên tòa sơ thẩm VADS nên nhiều trường hợp tại phiên tòa đương sự mới đưa ra chứng cứ làm cho đương sự phía bên kia không có thời gian phản bác lại. Để khắc phục bất cập này, BLTTDS 2015 đã quy định về phiên họp xem xét chứng cứ của các bên đương sự trước phiên tòa với mục đích tạo cơ hội để các bên tranh tụng thông qua việc cung cấp chứng cứ, thống nhất hoặc phản bác các chứng cứ của đối phương. Cụ thể, BLTTDS 2015 quy định trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp. Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết. Sau khi các đương sự đã trình bày xong, Thẩm
phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ . Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ là phương thức để các bên trao đổi chứng cứ, bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); trao đổi ý kiến và xác nhận những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; trình bày ý kiến về những vấn đề cần thiết khác.... Do vậy, việc quy định về phiên họp chuẩn bị xét xử là một trong những nội dung bảo đảm hoạt động tranh tụng trong xét xử.