mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học online
Tiến trình sử dụng E-learning theo mô hình lớp học đảo ngược trong dạy tự học online được làm rõ trong hình 4 dưới đây.
* Vai trò, hoạt động của học sinh trong tiến trình sử dụng E-learning theo mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học online
Trong mô hình lớp học đảo ngược sử dụng E-learning, tính tương tác được thể hiện rất cao do đó học sinh có thể chủ động học tập, khiai thác các tính năng đa phương tiện theo nhu cầu nhờ cấu trúc mở, linh hoạt, các trang thông tin có vai trò, giá trụ như nhau và có thể tiếp cận bất cứ một kiến thức nào mà không cần phải thông thạo các kiến thức khác. Học sinh có thể học tại mọi địa điểm, chủ động về thời gian và tốc độ. Với các tài liệu cần thiết cho tự học ở nhà với phiếu hướng dẫn, bài giảng video, học sinh tự mình lĩnh hội tri thức ở mức độ biết. Học sinh phải hoàn thành phiếu học tập của mình trước khi tới lớp học online. Hoạt động của học sinh trong mô mình lớp học đảo ngược bao gồm: Tự học cá nhân ở nhà với tài liệu điện tử (tự giác, tích cực, đúng kế hoạch, tự đặt câu hỏi …); học bạn: trao đổi, thảo luận, làm việc nhóm; học thầy: hỏi thầy, lắng nghe, ghi chép, tổng hợp; viết, nói, thuyết trình …
Học sinh tự học ở nhà, tự lực tư duy sáng tạo nên việc tìm hiểu tri thức sẽ sâu sắc, hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng. Trong quá trình đó , học sinh sẽ gặp nhiều vấn đề mới, việc đi tìm câu trả lời cho những vấn đề ấy sẽ giúp kích thích hoạt động trí tuệ cho học sinh đồng thời giúp các em hình thành năng lực giải quyết vấn đề. Trong tự học E-learning, học sinh không chỉ thụ động xem video bài giảng mà còn phải chủ động tìm hiểu trong các video để tìm câu trả lời cho các câu hỏi ở cuối video. Những câu hỏi bài tập này được thiết kế với mục đích để học sinh đánh giá việc học của mình và giúp học sinh nâng cao hiểu biết bằng cách gợi nhớ, đưa ý tưởng vào ngữ cảnh. Ngoài ra, học sinh còn cần có khả năng đặt câu hỏi và thảo luận về các nội dung liên quan đến bài học. Việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập là bước đầu để rèn luyện kĩ năng đặt câu hỏi, kĩ năng thảo luận cho học sinh.
* Vai trò, hoạt động của giáo viên trong tiến trình sử dụng Elearning theo mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học online
Trong lớp học đảo ngược, giáo viên là người hướng dẫn, gợi ý, tổ chức, giúp cho người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu tranh luận, hội thảo theo nhóm. Giáo viên là người nêu tình huống, kích thích hứng thú, suy nghĩ và phân xử các ý kiến đối lập của học sinh; từ đó hệ thống hoá vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững. Giáo viên phải biết
cách sử dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm tăng cường hiệu quả học tập và phát huy được sự hợp tác của học sinh để rèn luyện năng lực tự học, giải quyết vấn đề và cùng nhau tìm ra những ý tưởng mới như: thảo luận tại lớp, hướng dẫn bạn cùng học, học hợp tác, học lẫn nhau.
Học sinh được tạo những điều kiện học tập tốt nhất trong E-learning và mô hình lớp học đảo ngược. Tuy nhiên, vai trò của người giáo viên là không thể nào thay thế được. Vai trò của giáo viên khi bắt đầu lớp học là làm rõ các thắc mắc, hiểu lầm của học sinh khi tự học ở nhà. Giáo viên sẽ có thời gian tương tác nhiều hơn, kiểm tra mức độ tiếp thu của học sinh. Giáo viên có thể hướng dẫn và trao đổi cá nhân với nhiều học sinh hơn. Khuyến khích học sinh có trách nhiệm hơn với việc học của mình. Nếu các em bỏ lỡ tiết học, học sinh có thể học bù với các bài giảng video. Giáo viên cũng tăng cường tổ chức cho học sinh rèn luyện kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, coi trọng rèn luyện và tự học, chuyển giao tri thức thông qua sự tiếp thu chủ động từ học sinh. Thông qua E-learning học sinh học được cách vận dụng kiến thức còn qua người giáo viên, học sinh sẽ học cách giao tiếp, học được nhân cách, phương pháp truyền đạt thông tin, cách thức làm việc, học tập và nghiên cứu.
Ưu điểm nổi bật của mô hình lớp học đảo ngược là giáo viên có nhiều thời gian để rèn luyện, phát triển các kĩ năng cần thiết cho học sinh. Muốn khai thác triệt để các ưu điểm này, giáo viên cần có phương thức, chiến lược dạy học tích cực hướng về người học. Giáo viên phải lựa chọn để thiết kế các hoạt động dạy và học sao cho người học có thể phát triển các kĩ năng cần thiết của thời đại công nghệ 4.0 như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện độc lập, sáng tạo… thông qua các hình thức học tập như trải nghiệm, đóng vai, dự án... Những phương pháp dạy học này, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, kĩ năng sâu rộng để có thể thực hiện tốt vai trò của mình.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp đặc biệt, một số học sinh sẽ không chấp nhận thay đổi cách học, quen với việc giáo viên giảng bái, thuyết trình trên lớp do đó hoàn toàn không chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Giáo viên phải kiên quyết không giảng bài trên lớp để các em hiểu rằng nếu các em không xem và học với các video bài giảng đã được cung cấp thì các em sẽ không thể thu nhận được kiến thức bài học. Nhờ đó học sinh sẽ có nhiều động lực để học tập chủ động và học cách tự học.