1. Kết luận
Thực hiện mục tiêu của đề tài, đối chiếu với các nhiệm vụ đặt ra, tôi đã thu được những kết quả sau:
1. Đề tài đã tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc thiết kế các khóa học theo lớp trên hệ thống quản lí dạy học LMS là rất hiệu quả, dễ sử dụng và có độ tương tác cũng rất lớn nếu thiết kế hợp lí, quản lí phù hợp, nhất là phân cấp quản trị trên khóa học, cụ thể:
- Xác định được vai trò của khóa học theo lớp trong dạy học trực tuyến nhằm hạn chế đến mức tối thiểu những tác động nghẽn mạng đối với HS vì HS vào khóa học qua hệ thống LMS để chuyển qua phòng học ảo zoom để học tập suốt cả buổi học nên ít khi bị rớt mạng, không vào được do nghẽn hệ thống.
- Điều tra xác định được thực trạng việc sử dụng khóa học theo lớp trong dạy học trực tuyến trong dạy học trực tuyến ở các trường THPT, trong đó chỉ ra được các thuận lợi, khó khăn của GV và HS trong việc tương tác và sử dụng học liệu trước khi tương tác dạy học trực tuyến trên zoom meeting.
2. Đã xây dựng được quy trình thiết kế, điều hành và quản lí khóa học theo lớp trong dạy học trực tuyến đạt chất lượng tốt. Sử dụng vào dạy học trực tuyến nhằm hỗ trợ công tác điều hành, quản lí và báo cáo thống kê trên khóa học của lớp. Đồng thời, nhóm thực hiện đề tài và cũng là ban quản trị chúng tôi đã tạo ra những điểm mới, điểm tích cực mang lại hiệu quả để các trường khác tham khảo học tập như sau:
- Hệ thống khóa học theo lớp xây dựng khoa học, có giao diện thân thiện, dễ sử dụng cho cả GV và HS vì mỗi lớp chỉ xây dựng 1 khóa học (lớp học), trong mỗi khóa học có: 1 chương mục là phòng học ảo zoom (hoặc google meet) và 12 chương mục là học liệu của 12 môn học để GV đưa học liệu lên, quản lí tiến học tập của HS; HS dễ dàng vào tương tác và học tập trên học liệu mỗi môn học. Cách thiết kế này mang lại tính khoa học cao như HS đang vào một thư viện ảo.
- Thường xuyên cập nhật các tính năng mới của hệ thống LMS và Zoom để kịp thời hướng dẫn GV và HS thực hiện có hiệu quả hơn. Ví dụ điển hình là tính năng “tạo lịch học hàng ngày” và cho phép GV bộ môn, HS có thể tham gia phòng học zoom trước mà không cần người điều hành vào khởi động phòng học ảo của zoom; việc lấy quyền điều hành phòng học zoom từ đầu đơn giản bằng lệnh Claim Host. Đây là tính năng mới của zoom cho phép GV chủ nhiệm lớp tạo ra 1 loạt lịch học lặp lại hàng ngày chỉ bằng 1 tích chuột (tạo được 45 ngày) và cho phép người học, người dạy tự vào trước trong phòng học ảo zoom mà không cần người chủ trì (GV chủ nhiệm hoặc lớp trưởng) phải vào khởi động phòng zoom như trước đây. Việc lấy quyền chủ trì ban đầu chỉ bằng lệnh Claim Host khi có Key Host/khóa người chủ trì. Trong đợt tập huấn đầu năm học cho các quản trị, hầu hết quản trị các trường chưa nắm bắt được tính năng này.
- Xây dựng quy trình quản lí học liệu trên hệ thống LMS đúng với mục tiêu giáo dục, không gây tốn dung lượng hệ thống: mỗi học liệu của 1 bài/chủ đề của 1 môn học chỉ cần đưa lên kho học liệu 1 lần, tức chỉ có 1 file lưu trữ trên hệ thống (do đại diện nhóm/môn đưa lên), sau đó mỗi GV bộ môn sẽ tự đưa học liệu vào khóa học của lớp từ đường dẫn của kho học liệu. Đây là điểm mới nhất mà các trường chưa làm được, hầu hết các trường đã và đang để mỗi GV tự đưa học liệu lên trực tiếp lên khóa học, như vậy nếu 1 bài học có 1 học liệu cần đưa lên LMS cho 12 lớp thì vô hình dung GV đã tạo ra 12 file học liệu cùng loại làm tốn bộ nhớ hệ thống gây ra độ trì chậm của hệ thống và nhà quản lý cũng khó kiểm soát.
- Chỉ ra được điểm nhấn trong quản lý mức độ tương tác của HS trên học liệu bằng trình quản lí trong cài đặt “Điều kiện hoàn thành” mà hầu hết các trường, các GV bộ môn chưa hề nắm bắt điều này dẫn đến khi đưa học liệu lên không cài đặt điều kiện, lúc này hệ thống tự ngầm định là HS chỉ cần truy cập vào học liệu là đã hoàn thành. Nếu làm như vậy thì dù chúng ta có dày công thiết kế các bài giảng E-Learning chuẩn SCORM cũng vô nghĩa vì lúc này HS chỉ cần kích chuột vào học liệu là đã hoàn thành nhiệm vụ. Điều này sẽ tiếp tay cho sự “lười học”, “đối phó” của HS.
- Toàn bộ các bước tạo khóa học và quản lí khóa học theo đơn vị lớp trên nền tảng lms.vnEdu.vn tích hợp phòng học ảo zoom đã được nhóm thực hiện đề tài chúng tôi chuyển thể thành các video hướng dẫn cụ thể và gửi lên tra YuoTube
(https://www.youtube.com/channel/UCTa2erw-lPhq9eXJ8Jn_G4w) và chuyển
đường link lên các nhóm zalo hỗ trợ quản trị các trường do đơn vị VNPT Diễn Châu và VNPT Nghệ An tạo lập để các trường tham khảo, áp dụng.
Hình 37: Hình ảnh minh họa về tương tác, hỗ trợ của quản trị trường THPT Diễn Châu 4 đến quản trị các trường tại nhóm zalo vnEdu_Diễn Châu hỗ trợ.
3. Thông qua kết quả thực nghiệm sư phạm, bước đầu đánh giá được quy trình thiết kế, điều hành khóa học theo lớp trong dạy học trực tuyến.
Những đóng góp của đề tài về lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục và trong việc vận dụng vào thực tiễn với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhất là trong dạy học trực tuyến phòng chống đại dịch Covid-19 nói riêng và thực hiện nhiệm vụ giáo dục chương trình phổ thông 2018 nói chung về hình thức dạy học kết hợp trực tuyến với trực tiếp theo thông tư 09/2021/TT-BGDĐT.
2. Kiến nghị
Trên cơ sở những kết quả thu được, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau: Cần chú ý đến việc cung cấp nội dung học liệu phù hợp. Một hệ thống học trực tuyến LMS được đánh giá cao, ứng dụng mang tới kết quả tốt khi có khả năng cung cấp tài liệu hữu ích, được cập nhật liên tục, tuân thủ đầy đủ theo yêu cầu mà đơn vị giáo dục đưa ra và có đủ khả năng thu hút được người học. Hoàn thiện nội dung hấp dẫn giúp thu hút và nâng cao hiệu quả học tập. Trong khi đó, việc cập nhật nội dung không liên quan ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của từng người. Không chỉ vậy, khi nội dung quá nhàm chán thì việc không thu hút, không tạo được sự hứng thú và cảm giác yêu thích, sự quan tâm tìm hiểu thì việc đảm bảo được mục tiêu đào tạo, kết quả đào tạo trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Không nên có quá nhiều quản trị viên trong nhà trường. Cần phân quyền quản trị phù hợp. Một hệ thống LMS thông thường cho phép chúng ta tiến hành tạo ra nhiều quản trị viên dựa theo yêu cầu thực tế. Thế nhưng, số lượng quản trị viên cũng cần có sự cân nhắc, tính toán và cân đối một cách hợp lý nhất. Quá nhiều quản trị viên trên một hệ thống có thể khiến công việc, nhiệm vụ chồng chéo, không có sự thống nhất. Qua đó, khóa học được cung cấp không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả học tập của từng cá nhân.
Cần có người làm quản trị viên am hiểu về công nghệ thông tin và LMS. Một quản trị viên của hệ thống LMS thì yêu cầu cơ bản, quan trọng chính là khả năng chuyên môn, có sự hiểu biết một cách rõ ràng và chi tiết về mọi tính năng mà LMS bạn tạo ra sở hữu. Lúc này, các quản trị viên mới có thể trực tiếp thực hiện giải quyết đầy đủ, toàn diện tất cả những vấn đề liên quan tới hệ thống, hoặc các vấn đề phát sinh mà người học gặp phải. Không hiểu về các tính năng mà LMS mình sử dụng chính là một sai lầm, một lỗi nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình đào tạo trực tuyến. Người học không có được kinh nghiệm học tập cần thiết, ảnh hưởng tới mục tiêu đề ra, không thể hỗ trợ người học kịp thời khi có nhu cầu. Về bản chất, có thể hiểu đầy đủ về các tính năng của LMS mang tới khả năng tiết kiệm thời gian, công sức đối với những vấn đề mà người học gặp phải khi tham gia khóa học trực tuyến.
BGH nhà trường nói chung, bộ phận chuyên môn cũng rất cần được am hiểu đầy đủ về các tính năng của LMS, qua đó mới đưa ra được các chỉ đạo cụ thể
đối với công tác chuyên môn. Hạn chế những chỉ đạo không hợp lí như ở một số trường học vừa qua là: BGH hạn chế không cho GV đưa học liệu lên khóa học mà chỉ cho đưa học liệu lên kho học liệu, sau đó cho HS vào tương tác để học tập vì cho rằng nếu đưa học liệu môn học lên khóa học của lớp sẽ gây nghẽn mạng. Điều này là một sai lầm vì nếu chúng ta đưa học liệu lên kho học liệu mà không đưa học liệu từ kho học liệu vào khóa học sẽ không thể kiểm soát được tiến trình học tập của HS. Còn học liệu khi đã được đưa lên kho học liệu rồi chuyển đường link sang khóa học sẽ không ảnh hưởng gì đến mức độ nghẽn mạng vì không ảnh hưởng đến băng thông của nhà cung cấp. Hơn nữa, HS chỉ tương tác vào học liệu trước khi tham gia học tập trên lớp học ảo zoom meeting.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, website Bộ GD&ĐT.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo (2021), Công văn số 1712/SGDĐT-GDTH, GDTrH ngày 26/8/2021 về việc hướng dẫn dạy học trực tuyến năm học 2021 – 2022, website Sở GDĐT.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo (2021), Công văn số 1899/SGDĐT-VP ngày 17/9/2021 về việc hướng dẫn xây dựng phương án dạy học ứng phó dịch Covid-19 năm học 2021 – 2022,
website Sở GDĐT.
4. Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT (2021), Tài liệu tập huấn, hướng dẫn sử dụng nền tảng dạy học và thi trực tuyến lms.vnEdu.vn, tài liệu gửi kèm cho quản trị viên các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia tập huấn.
5. Các bài viết về lịch sử phát triển,về vai trò của hệ thống quản lí dạy học trực tuyến LMS trên các website của các tổ chức giáo dục, trường đại học.
6. Các video liên quan hướng dẫn tạo khóa học, tạo cuộc thi trên nền tảng lms.vnEdu.vn trên các kênh YouTube của tập đoàn Viễn thông VNPT và của các đồng nghiệp.