Sự biến đổi địa giới hành chính Hà Nội từ năm 1915 1942

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự biến đổi địa giới hành chính hà nội thời kỳ cận hiện đại (Trang 29 - 30)

Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội về phía đông, nằm bên bờ tả sông Hồng, theo tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam tạo thuận lợi cho thành phố phát triển kinh tế xã hội công thương nghiệp tư bản nhanh chóng và Pháp có điều kiện cai quản miền Bắc Việt Nam tốt hơn. Trong khi đó, khu vực phía tây Hà Nội xa tuyến giao thông này và nặng về nông nghiệp phong kiến nên chậm phát triển. Đầu tư cho phía tây, Pháp thấy không thuận lợi như phía đông. Mặt khác, khi địa giới mở rộng, chính quyền Hà Nội cũng gặp khó khăn trong quản lí. Do đó, Pháp muốn cắt phần ngoại thành phía tây nhập vào tỉnh Hà Đông. Làm thế, Pháp cũng muốn vỗ về triều đình Huế, dụ dỗ tổng đốc Hà Đông phối hợp ổn định trị an.

Năm 1912, Thống sứ Bắc Kì và Đốc lí Hà Nội trao đổi về dự định sáp nhập ấp Thái Hà vào tỉnh Hà Đông. Ngày 10 tháng 12 năm 1914, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tên vùng ngoại thành phía tây Hà Nội vốn là huyện Vĩnh Thuận mới thành huyện Hoàn Long với tư cách là một đơn vị hành chính riêng biệt trực thuộc Đốc lí Hà Nội; bãi bỏ trụ sở hành chính của vùng ngoại thành tại ấp Thái Hà; kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1915, huyện Hoàn Long sáp nhập vào tỉnh Hà Đông, đứng đầu là một viên Tri huyện. Địa giới hành chính Hà Nội bị thu hẹp một phần ở phía tây.

Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tiến hành chương trình khai thác kinh tế lần thứ 2 ở Đông Dương, Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn và tiếp tục là đầu não chính trị, văn hóa, xã hội của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương nên nhu cầu mở rộng địa giới hành chính Hà Nội lại được đặt ra cấp thiết.

Ngày 12 tháng 7 năm 1928, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh quy định một số vấn đề cụ thể cho quy hoạch và mở rộng các thành phố ở Đông Dương, trong đó có Hà Nội. Trên cơ sở đó, thực dân Pháp tiến hành quy hoạch mở rộng thành phố về phía nam dọc theo bờ sông Hồng. Pháp nối tiếp các đường phố đi từ khu phố Âu ở phía đông hồ Hoàn Kiếm xuống phía nam, tới hồ Bảy Mẫu vốn là đất của huyện Thanh Trì, tỉnh

Hà Đông. Hà Nội đã được mở rộng đáng kể, từ 95 km2 năm 1904 lên 123,59 km2 năm

1937 [7; tr. 85]. Hồ Hoàn Kiếm trước kia là biên giới phía nam của thành phố, lúc này đã nằm ở trung tâm của đô thị. Biên giới phía nam đến đây là hồ Bảy Mẫu.

Để quản lí thành phố, Pháp tổ chức hành chính Hà Nội đầu những năm 20 thành 8 hộ, đứng đầu mỗi hộ là một Hộ phố (chef de quartier). Các Hộ phố do Đốc lí bổ nhiệm từ hàng ngũ các thân hào ở trong hộ. Mỗi hộ chia ra một số cụm dân cư gồm một số đường phố, đứng đầu cụm là một Trưởng phố (chef de rues). Ban đầu, các Hộ phố, Trưởng phố làm các việc đăng kí sinh, tử, giá thú, thu các loại thuế…nhưng tới cuối thập kỉ 20 thì các công việc trên do các phòng chức năng của toà Đốc lí đảm nhiệm. Hộ phố, Trưởng phố chỉ còn là những người đại diện cho tính chất tư vấn. Năm 1933, thực dân Pháp dự kiến chia thành phố Hà Nội thành 5 đến 6 khu phố.

Như vậy, từ năm 1915 đến năm 1941, do tình hình chính trị, kinh tế, xã hội chi

phối, địa giới hành chính thành phố Hà Nội tiếp tục có sự biến đổi phức tạp: thu hẹp

ở phía tây (huyện Hoàn Long nhập vào tỉnh Hà Đông) và mở rộng về phía nam (từ

Bệnh viện Hữu nghị đến hồ Bảy Mẫu). Năm 1937, Hà Nội có diện tích 123,59 km2

, được Pháp tổ chức thành 8 hộ (từ số 1 đến số 8)..

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự biến đổi địa giới hành chính hà nội thời kỳ cận hiện đại (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)