2.2 Ảnh hưởng của Đạo giáo đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ
2.2.2 Ảnh hưởng của Đạo giáo thần tiên, phù thủy đến tín ngưỡng thờ Mẫu
Mẫu
Đạo giáo có lẽ là tôn giáo có mối liên hệ chặt chẽ nhất với các tín ngưỡng dân gian bản địa ở Việt Nam, trong đó có thờ Mẫu. Dấu ấn của Đạo giáo đặc biệt đậm nét trong hiện tượng tín ngưỡng dân gian độc đáo này của người Việt, không chỉ ở những quan niệm vũ trụ luận như Âm Dương, Ngũ hành, Ngũ phương, Ngũ sắc...đã được vận dụng triệt để ở khắp các nội dung của thờ Mẫu như đã nói ở trên mà còn hết sức rõ nét trong những dấu tích ảnh hưởng từ hai dòng tu tiên và phù thủy.
Như đã biết, quá trình giao lưu văn hóa đã đưa Đạo giáo Trung Hoa đi khắp các vùng, trong đó có Việt Nam. Đạo giáo vào nước ta có cả hai dòng tu tiên và phù thủy (Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy) và đều có những ảnh hưởng rất sâu đậm đến các loại hình tín ngưỡng bản địa như thờ Mẫu. Thế nhưng, Đạo giáo nói chung và Đạo giáo thần tiên hay phù thủy nói riêng chỉ làm thay đổi hình thức các tín ngưỡng bản địa này, còn nội dung thì không thay đổi bao nhiêu. Nói cách khác người ta chỉ nhìn thấy cái tinh thần Đạo giáo, quan niệm của Đạo giáo, thuật ngữ Đạo giáo hay cách thức thực hiện của Đạo giáo nhưng không thể quy đó là sản phẩm của Đạo giáo bởi những nội dung đó tín ngưỡng bản địa vốn cũng có, khi có sự ảnh hưởng của Đạo giáo thì những nội dung đó có phần "lên khuôn", chuẩn hóa hơn mà thôi. Dù vậy, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Đạo giáo đến tín ngưỡng dân gian là rất lớn, đôi khi hòa quyện đến khó phân biệt như trường hợp của thờ Mẫu là ví dụ điển hình.
Trước khi có sự xuất hiện của Đạo giáo, người Việt Nam với tâm thức vạn vật hữu linh và tính ưa phù chú ma thuật huyền bí đã tạo ra một hệ thống tín ngưỡng dân gian độc đáo. Đến khi Đạo giáo đi vào Việt Nam, đặc biệt là
Đạo giáo phù thủy, tìm thấy ngay rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng dân gian mang tính ma thuật của người dân Việt nên Đạo giáo ăn sâu vào người Việt rất dễ dàng.
Thờ Mẫu chịu ảnh hưởng của cả Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy ở rất nhiều nội dung, đặc biệt là Đạo giáo phù thủy với những ảnh hưởng cực kì sâu đậm trong nghi lễ Hầu đồng.
Đạo giáo từ khi mới du nhập đã có sự hòa hợp với tín ngưỡng dân gian, trong đó có thờ Mẫu, nhưng sự hòa nhập đó thực sự đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Lê sơ với sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tục thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là biểu hiện rõ nét nhất cho sức ảnh hưởng của Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa thời kỳ này. Đạo giáo thời Lê sơ chủ yếu là Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Đạo giáo phù thủy thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân với nội dung niệm chú, đặt bùa yểm, trừ bỏ tà ma, chữa bệnh cứu người. Đạo giáo thần tiên hấp dẫn bởi tinh thần siêu thoát, phiêu du và tạo cảm hứng sáng tác thơ văn. Cả hai loại hình Đạo giáo này đều có những ảnh hưởng rất sâu đậm đến thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Với Đạo giáo thần tiên đó là việc một số thánh thần thờ Mẫu có nguồn gốc thiên thần, là tiên, có phong thái tự tại, phong nhã, là việc thực hiện cầu tiên giáng bút hay các truyền thuyết, thần tích đầy huyền ảo, tiên thuật... Với Đạo giáo phù thủy là các phương pháp cầu thần trục quỷ, trừ tà ma, chữa bệnh bằng bùa phép, hình ảnh các Thánh có phép thuật, biến hóa khôn lường, việc xem bói, xem tướng...đặc biệt là trong nghi lễ hầu đồng.
Đi sâu vào ảnh hưởng của từng loại hình Đạo giáo trên đến tín ngưỡng thờ Mẫu có thể thấy những ảnh hưởng này ở nhiều nội dung của thờ Mẫu là khá sâu đậm, nó nhiều khi khiến thờ Mẫu bị coi như một biến thể của Đạo giáo. Từ hệ thống điện thần, thần phả thần tích, các bản văn chầu đến những nghi lễ, mục đích của tín đồ khi đến với thờ Mẫu đều mang dấu ấn ảnh hưởng của Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Ở một khía cạnh nào đó, những ảnh hưởng của Đạo giáo phù thủy đến tín ngưỡng thờ Mẫu có phần rộng và rõ nét hơn so với Đạo giáo thần tiên, do sự gần gũi về tính phương thuật, bùa
phép của hai loại hình tôn giáo, tín ngưỡng này. Tuy vậy, những ảnh hưởng của Đạo giáo thần tiên cũng rất sâu đậm.
Đạo giáo thần tiên (ở đây không đặt trong sự phân biệt với Tiên đạo) là nhánh Đạo giáo thâm nhập vào nước ta từ khá sớm, nhưng chỉ le lói phát triển trong một số thời kỳ lịch sử nhất định vì không có điều kiện phát triển. Đặc trưng của nhánh Đạo giáo này là việc tôn thờ các vị thần tiên (Tiên đạo), việc cầu tiên giáng bút, các phương pháp tu tập để tu thành tiên và tinh thần tiêu dao, tự tạo, lối sống "phong hoa tuyết nguyệt". Đạo giáo thần tiên có thời kỳ rất được giới trí thức, văn nhân ưa chuộng, sùng bái nhưng đa phần cũng chỉ dừng lại ở việc chịu ảnh hưởng của tinh thần thanh tĩnh, nhàn lạc, phóng khoáng của nhánh Đạo giáo này.
Đạo giáo thần tiên ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ Mẫu trước nhất là ở sự bổ sung các vị thần tiên cũng như nguồn gốc tiên cho các vị Thánh của thờ Mẫu. Vị thần tiên của Đạo giáo có mặt rõ nét nhất trên điện thần thờ Mẫu là Ngọc Hoàng. Cùng với đó là một loạt các thần linh của Đạo giáo như: Thái Thượng Lão Quân, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu...
Ngọc Hoàng là thần linh cao nhất trong đạo thờ tiên của Đạo giáo Trung Hoa, được gá lắp khá muộn mằn vào đạo thờ Mẫu cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác của người Việt. Ngọc Hoàng xuất hiện trong điện thần thờ Mẫu với tư cách là Vua Cha trong đối xứng với các Thánh Mẫu, Mẹ của thờ Mẫu Việt Nam. Dù có bàn thờ riêng trong các đền phủ nhưng vai trò của Ngọc Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu và trước quyền năng của Mẫu lại khá mờ nhạt. Thậm chí, để gần gũi với tâm lý, tư duy người Việt, ở một số nơi, Đức Vua Cha (Ngọc Hoàng) đã hóa thân thành Tam vị để thích ứng với Tam tòa thánh Mẫu như Vua cha Bát Hải (thủy phủ), Vua cha Ngọc Hoàng (thiên phủ), Vua cha Diêm Vương (địa phủ) hoặc cũng có khi Ngọc Hoàng được đồng nhất với Đức Thánh Trần.
Đức Thánh Trần và phủ Trần Triều là một hiện tượng đặc biệt của thờ Mẫu. Đó là một con người có thật, được tôn thánh, một phủ thuần túy mang tính chất nhân thần, được thờ Mẫu thu nạp và có một vị trí không nhỏ trong
hệ thống điện thần đa thần của thờ Mẫu. Nếu đứng riêng, Đức Thánh Trần cũng được coi như một vị thần của Đạo giáo Việt Nam và được thờ phụng khá phổ biến.
Trong điện thần của thờ Mẫu, Đức Thánh Trần được coi như một vị Thánh của Tứ phủ. Với tư cách là một vị tướng, một Đạo sĩ, vốn dòng họ gắn liền với miền sông nước hạ lưu, lại lập những chiến công thủy chiến vang dội. Ông dễ dàng được nhân dân khoác cho lớp áo thần linh, quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương, thậm chí còn được đặt riêng ra thành một phủ - phủ nhân thần, phủ Trần Triều. Về hàng bậc, có lúc Ông được đồng nhất với Vua Cha trong đối xứng với Thánh Mẫu, ngày giỗ và lễ hội của Ông cũng đồng nhất với ngày "tháng Tám giỗ Cha". Nơi thờ ông ở Kiếp Bạc có hai ngọn núi xòe rộng ra ôm lấy thung lũng, trước mặt ngôi đền là núi Nam Tào, Bắc Đẩu. Trong phủ Trần Triều, dân gian cũng gắn hình ảnh hai vị tâm phúc của Hưng Đạo Vương là Yết Kiêu và Dã Tượng vào hai vị trí quan trọng là Nam Tào - Bắc Đẩu phò tá Ngọc Hoàng. Việc hiển thánh và thu nạp hình tượng Đức Thánh Trần vào hệ thống điện thần của thờ Mẫu đã góp phần không nhỏ đưa tín ngưỡng này trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đã được thần thánh hóa, linh thiêng hóa một cách trọn vẹn nhất.
Bên cạnh hình tượng Ngọc Hoàng thì một trong những biểu tượng Đạo giáo khác được thờ phụng rất phổ biến trong thờ Mẫu là hình tượng Ngũ Hổ.
Ngũ hổ cai quản bốn phương và trung tâm là con vật quyền uy, là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Trong tâm thức dân gian, hổ là con vật dũng mãnh, là kẻ thù của ác thần, tà thần, là vị thần canh cửa các ngôi đền. Ngũ hổ là chủ thể quyền uy ngũ phương, có một sức mạnh lớn và nhờ sức mạnh có tính chi phối đó, vạn vật có trật tự. Đây cũng là biểu tượng được Đạo giáo rất tôn sùng, coi như thần linh có uy lực, chuyên trừ ta ma, ác đạo.
Ngũ Hổ trong thờ Mẫu còn có tên gọi khác là ông Năm Dinh, được thờ ở hạ ban, phía dưới điện thờ công đồng. Trong số các ông đồng, bà đồng có một số người có căn Quan Lớn Hổ, khi hầu đồng họ thường được các vị thần Hổ giáng, khác với Ngọc Hoàng chỉ ngự trên điện thần mà không giáng đồng (trừ Đức Thánh Trần). Mọi người có thể cầu xin vị thần Hổ này giúp trừ tà ma gây dịch bệnh, phòng ngừa trộm cắp.
Trong điện thần thờ Mẫu nếu chỉ nhìn qua sẽ chỉ thấy dấu ấn Đạo giáo qua hình tượng Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu và việc thờ Ngũ hổ nhưng thực chất khi xem xét kĩ sẽ nhận thấy rất nhiều vị thần linh khác trong điện thờ Mẫu chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Đạo giáo.
Bản thân vị thần chủ trong điện thần thờ Mẫu là Tam tòa Thánh Mẫu có quyền năng tối thượng, cai quản các miền trong vũ trụ cũng chịu những ảnh hưởng nhất định của Đạo giáo. Đó là Mẫu Thượng Thiên được gọi với những tên khác mang đậm màu sắc Đạo giáo như Mẫu Cửu Trùng, Cửu Thiên Huyền Nữ…đồng nhất bà có nguồn gốc là thần tiên trên trời.
Là Mẫu Địa có ít nhiều liên hệ với danh hiệu Thừa Thiên Hiệu Pháp Hậu Thổ Hoàng Địa Kỳ trong Tứ Ngự (là bốn vị thần dưới Tam Thanh).
Là Mẫu Liễu Hạnh tương truyền là con gái Ngọc Hoàng do đánh vỡ chén ngọc mà bị đầy xuống trần gian, nàng thường dùng phép thuật để hóa phép cứu giúp người nghèo, trừng trị kẻ ác và nổi bật nhất là trận chiến Sòng Sơn của Bà với các Đạo sĩ phái Nội Đạo Tràng. Truyền thuyết về Bà mang đậm màu sắc Đạo giáo. Mẫu Liễu vừa có nguồn gốc từ cả Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy, với gốc gác là một vị tiên trên trời có phép thần thông biến hóa khôn lường, vừa là một vị thần tiên tiêu biểu của Đạo giáo dân gian Việt Nam, một trong Tứ bất tử của dân tộc.
Còn rất nhiều các vị Thánh khác của thờ Mẫu có nguồn gốc thần tiên (Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Lớn Đệ Nhị, Chầu Đệ Nhị...) hoặc có nguồn gốc thần tiên nhưng sau này do khuynh hướng địa phương hóa, lịch sử hóa thì được gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, có công với đất nước,
nhân dân (Quan Lớn Đệ Ngũ, các Ông Hoàng...) kèm theo đó là một hệ thống thần phả, thần tích, những truyện thần tiên huyền ảo về các vị Thánh nhuốm đầy màu sắc Đạo giáo.
Ngoài ra, các khái niệm của Đạo giáo thần tiên cũng được tìm thấy khá nhiều trong các bản văn chầu thờ Mẫu như: Bồng Sơn, Nhược Thủy, Bồng Lai Tiên Cảnh, Thiên cung...
Đạo giáo thần tiên đặc trưng bởi tinh thần phóng khoáng, phong phái tiêu dao, tự tại. Chính tinh thần này đã hấp dẫn, lôi cuốn rất nhiều trí thức, quý tộc phong kiến tìm lối sống siêu thoát, phiêu du và tạo cảm hứng sáng tác thơ văn. Tinh thần này cũng đã ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách các vị Thánh của thờ Mẫu cũng như với bản thân tín đồ của tín ngưỡng này.
Các vị Thánh của thờ Mẫu thường có phong thái tự tại, phong nhã, thường hay ngao du sơn thủy để phong hoa tuyết nguyệt, ứng đối thi ca, ban phúc, trừ tà, khiến người đời vừa kính trọng vừa khiếp sợ. Tiêu biểu như Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ của thờ Mẫu Tứ phủ được biết đến vừa là Thiên thần (Tiên), vừa là nhân thần với đời sống trần gian, có cha mẹ, chồng con. Mẫu ưa chu du khắp nơi, trừ ác, ban lộc, ứng đối thi ca. Khi thì Mẫu hóa thân thành cô hàng nước trừng trị những kẻ phàm phu tục tử, khi ở Lạng Sơn thưởng ngoạn phong cảnh và đặc biệt là mối lương duyên giữa Mẫu với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trong những lần ứng đối thi ca đã trở thành hình ảnh đẹp cho biết bao giai thoại về Mẫu. Cũng chính vì vậy mà di tích, đền điện gắn với dấu tích của Mẫu Liễu có mặt ở rất nhiều vùng, từ đồng bằng đến miền núi có thể cũng xuất phát từ tính cách phóng khoáng, ưa ngao du sơn thủy này của Mẫu. Hay như truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn có cho biết Mẫu là người ưa chu du khắp núi rừng, hang động, ở đâu Mẫu cũng quyến luyến phong cảnh, làm bạn với cỏ cây, muôn thú. Hay tin đó, Ngọc Hoàng rất khen ngợi và phong cho nàng là Bà Chúa Thượng Ngàn, cai quản 81 cửa rừng cõi Nam Giao. Rất nhiều vị Thánh khác của thờ Mẫu đều được miêu tả có tính cách phóng khoáng, ưa cuộc sống gần gũi thiên nhiên, tiêu dao tự tại. Đặc biệt phải
kể đến như các Ông Hoàng thường có tính cách phong nhã, hay giao du, ăn chơi sang trọng, thích thưởng thức thơ văn, thậm chí còn đa tình như Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bảy...
Tinh thần của Đạo giáo Thần tiên còn được thể hiện trong mục đích của tín đồ khi đến với thờ Mẫu. Hầu hết tín đồ của thờ Mẫu đều ưa thích cuộc sống thanh tĩnh, nhàn lạc, phong nhã. Họ đến với thờ Mẫu nhiều khi là để tìm kiếm cuộc sống an lạc, tự tại này trong phút chốc. Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ra đời cũng một phần bắt nguồn từ yêu cầu đó. Cần nhắc lại rằng, thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ra đời trong một bối cảnh lịch sử đầy những biến động của xã hội phong kiến. Trước những biến động, đấu tranh gay gắt của lịch sử và xã hội như vậy, thường tâm trạng của con người là bất định và luôn muốn tìm một sự ổn định, an toàn, thanh nhã trong tâm hồn, trong đời sống tâm linh và thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ra đời là để đáp ứng nhu cầu đó. Tinh thần phóng khoáng, phong nhã, tiêu dao của thờ Mẫu có thể bị coi là lạc lõng, khác biệt, là "đồng bóng" trước thời cuộc nhưng với tín đồ thì đó lại là một sự giải tỏa, bù đắp cần thiết. Có lẽ cũng chính vì lẽ đó mà ngày nay, trong guồng quay khắc nghiệt của xã hội công nghiệp, thờ Mẫu lại trỗi dậy mạnh mẽ đến vậy. Giáo sư Ngô Đức Thịnh từng nhận xét rằng: "Thần linh chỉ trở thành linh thiêng và được con người ngưỡng vọng, khi thần linh đó nảy sinh từ chính nhu cầu và nguyện vọng thiết thân của con người. Đừng đi tìm sự xác thực lịch sử ở các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng vì ở đó chỉ có sự xác tín. Mà với con người, nhiều khi sự xác tín còn cao hơn và quan trọng hơn cả sự xác thực". [58, 110] Có lẽ ở khía cạnh tinh thần này của thờ Mẫu thì nhận xét trên của Giáo sư Ngô Đức Thịnh là hoàn toàn có cơ sở.
Những ảnh hưởng của Đạo giáo thần tiên đến thờ Mẫu so với Đạo giáo phù thủy là không nhiều và thường không dễ nhận thấy nhưng bên cạnh đó cũng có những biểu hiện khá rõ nét như sự gần gũi, vay mượn lẫn nhau giữa các hình thức nghi lễ luyện đồng, cầu Tiên giáng bút của hai loại hình tôn giáo, tín ngưỡng này.
Trong các sinh hoạt tín ngưỡng của thờ Mẫu nổi lên hiện tượng “cầu cơ