Ảnh hưởng của yếu tố Mật tông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của phật giáo và đạo giáo đến tín ngưỡng thờ mẫu ở đồng bằng bắc bộ (Trang 48 - 60)

2.1 Sự ảnh hưởng của Phật giáo đến tín ngưỡng thờ Mẫu

2.1.1 Ảnh hưởng của yếu tố Mật tông

Mật giáo, Mật tông, Mật thừa, Kim Cương thừa hay Lạt Ma tông là tên chuyển dịch sang tiếng Hán - Việt từ hai thuật ngữ tantra, vajrayana trong tiếng sanskrit.

Tantra (phép tổng trì) có trước khi Phật giáo ra đời, nó thuộc truyền thống bí mật của tôn giáo Ấn Độ, nghĩa đen chỉ sự "kết nối", cũng có nghĩa là sự "liên tục" (trì tục). Cách tu tập tantra được xem là những kinh nghiệm bí truyền hoặc dưới sự chứng đạo của một vị Đạo sư (guru). Trong khi đó, vajrayana là thuộc về hệ Đại thừa Phật giáo, nó kế thừa tantra trong môi trường Phật giáo. Tiếp đầu tố vajra có nghĩa là tiếng sét, sự không thể hủy hoại, vì vậy mà còn có tên là Kim Cương thừa. Giáo pháp của Kim Cương thừa được xem là một trong tám loại giáo pháp của Đức Phật. Mật giáo hay những lời dạy bí mật, chỉ một vài người mới hiểu được. Người được cho là xiển dương Mật giáo một cách có lý luận là Đại sư Long Thọ (Nâgârjuna) sống vào thế kỷ thứ II.

Mật Tông là giai đoạn phát triển thứ ba của Phật giáo Đại Thừa ở Ấn Độ. Giai đoạn thứ nhất là Bát Nhã, giai đoạn thứ hai là Duy Thức. Giai đoạn này bắt đầu từ thế kỷ thứ IV, hưng thịnh từ đầu thế kỷ VI, đến giữa thế kỷ thứ VIII thì được hệ thống hóa trong truyền thống Kim Cương thừa. Rồi từ Kim Cương thừa lại xuất hiện nhiều pháp tu Mật giáo, giáo lý và thực hành rất

giống với Thiền, nhấn mạnh đến thiền tọa, trực giác bồ đề, sử dụng các Mạn đa la và các mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ.

Về mặt triết lý, Mật giáo đối trọng với sự thể hiện ra bên ngoài của tri thức do truyền thống Bát Nhã và Duy Thức chủ trương. Theo Mật giáo, trong vũ trụ trụ ẩn chứa các thế lực siêu việt tự nhiên mà nếu biết sử dụng, ta có thể tiến thẳng và nhanh chóng đến sự giác ngộ, không đi tuần tự từng nấc. Sự giác ngộ đó có thể hoàn thành ngay trong hiện tại. Muốn thế người tu tập cần sử dụng tha lực của thần linh, thần chú, ấn quyết và các hình ảnh Mạn đà la để hỗ trợ hữu hiệu cho bản thân. Chính lối tu tập Mật giáo như thế khiến cho Phật giáo nói chung có khả năng ôm trong lòng nó tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, ở cả Ấn Độ và Việt Nam hay ở đâu khác cũng vậy.

Mật tông đến với người Việt theo nhiều con đường khác nhau từ Ấn Ðộ, Trung Hoa và Chiêm Thành. Không đứng hẳn thành một tông phái cá biệt, Mật tông hoà nhập nghi lễ và thực hành của mình vào các phái Thiền tông, và cùng với Tịnh độ tông làm thành ba thành tố quyện vào nhau của Phật giáo Việt Nam.

Ở Việt Nam, không phải đến thời tự chủ độc lập bắt đầu từ thế kỷ thứ X mới có sự tồn tại của Mật giáo. Mật tông là bước kế thừa tất yếu kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam dưới hình thức Phật giáo quyền năng. Theo

Thiền Uyển Tập Anh là bộ sử Phật giáo sớm nhất hiện có đã cho thấy đại sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người gieo hạt giống Mật giáo đầu tiên được ghi chép.

Ông chính là người dịch kinh Tổng Trì, mà tên đầy đủ là Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì - một kinh của Mật giáo, tại chùa Pháp Vân (nay là chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh). Truyền phái của ông có những tên tuổi lẫm liệt trong tu tập và hoạt động văn hóa, chính trị như Định Không, La Quý An, Pháp Thuận, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Trì Bát, Minh Không... Trong đó, có thể thấy hành trạng Mật giáo ở các vị này là rất rõ ràng thể hiện ở truyền thống kết hợp học tập, thế số, âm thuật, binh pháp...

có các phái Thiền tông là tồn tại với tư cách các phái độc lập. Chưa có một tài liêu nào khẳng định về sự tồn tại độc lập của các tông phái khác. Mật tông cũng không hề trở thành một tông phái độc lập với Thiền tông mà chỉ là một yếu tố được Thiền tông chấp nhận. Thế nhưng, yếu tố Mật giáo không vì thế mà kém phát triển. Trái lại, Mật giáo có vai trò rất quan trọng và nổi bật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu như Phật giáo Trúc Lâm với tổ thứ hai là Pháp Loa đã lại mang đậm màu sắc Mật giáo. Các nghi lễ Mật giáo như lễ Quán đỉnh(abhiseka) dùng rộng rãi. Bản thân sư Pháp Loa cũng đã chú giải những kinh điển Mật giáo như “Bát Nhã tâm kinh”,“Kim cương trường đà-la- ni”. Năm 1318, Pháp Loa đã vâng chiếu của Trần Anh Tông tìm nhà sư Ấn Độ tên là Ban Để Đa Thất Lợi để dịch quyển kinh Mật giáo có tên là“Bạch tán cái thần chú”. Hay như sự xuất hiện của các cột đá khắc kinh Mật tông ở Hoa Lư do Nam Việt Vương Đinh Liễn cho khắc nhằm ngăn ngừa ác pháp, cầu Bồ Tát gia hộ cho cá nhân và triều chính, là một trong những chứng tích mà chúng ta cần lưu ý khi nhắc đến vai trò nổi trội của Mật tông ở Việt Nam. Người Việt, từ quý tộc đến bình dân đều rất sùng bái những loại phù phép, điềm triệu, cầu đảo hơn là đi sâu vào tư tưởng giáo lý, thậm chí chứng tích ở Hoa Lư và những ghi chép về hội đèn Quảng Chiếu thời nhà Lý còn cho thấy Mật tông từng được nhà nước và những người đứng đầu nhà nước bảo trợ, sùng bái. Trên nền tảng đó, xu hướng xiển dương Mật tông khá phổ biến trong xã hội.

Mật tông nếu không sử dụng với cứu cánh tinh tiến tu tập sẽ trở thành một dạng phép phù thuỷ, đáp ứng nhu cầu tâm linh và tạo thế phát triển cho mê tín. Điều đó trở thành sự thật khi Mật tông đi vào dân gian và có sự kết hợp ăn nhập với các loại hình tín ngưỡng bản địa vốn đã mang nhiều phương pháp ma thuật, bùa ngải... Mật Tông bắt nguồn từ tư tưởng của Bát Nhã và giáo lý Siva giáo Ấn Độ. Mật Tông chấp nhận sự có mặt của các thần linh được thờ cúng trong dân gian, do đó nó được phát triển sâu rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Việt Nam khuynh hướng này rất phù hợp với phong tục

tín ngưỡng của người Việt nên Mật Tông trở thành một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn.

Tóm lại, Mật tông với những phương thuật huyền bí, phù chú gần gũi với đời sống tâm linh người Việt là một trong những yếu tố tích cực giúp Phật giáo có được chỗ đứng, vị thế vững chắc trong lịch sử và hiện tại. Các ghi chép về Mật tông rất ít, không phổ biến như Thiền tông nhưng có thể lọc ra một số chi tiết liên quan đến Mật giáo như thờ cúng Quan Âm, các địa danh, các lễ cầu đảo, các sấm kí, các cách thờ phụng, cách bài trí tượng, các phép thuật, phù chú hay trong ngôn ngữ...

Chúng ta thấy rằng, Mật giáo rất gần gũi với tín ngưỡng mang tính phương thuật của người Việt nhưng cũng phải thấy rằng nhân dân chỉ tin theo Phật giáo khi tôn giáo này có đủ sức mạnh thay thế những thiên thần riêng của họ, hoặc tốt hơn, cùng với các thiên thần đã bảo vệ che chở cho họ. Vì sự phát triển của mình, Phật giáo Việt Nam phải và đã làm như thế. Mà trong các tông phái Phật giáo, không có bộ phận nào có đủ những bài kinh, bài chú để cầu mưa, cầu tạnh, chữa bệnh, trừ tà… như Mật tông. Thiền tông Việt Nam sử dụng các kinh điển và lễ nghi Mật giáo là vì vậy. Bằng cách đó, Phật giáo, nhất là Mật tông đã tiếp cận và tiếp nhận các tín ngưỡng dân gian, trong đó có thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh hưởng từ yếu tố Mật tông còn được lưu giữ lại trong những truyền thuyết Phật - Mẫu mang màu sắc huyền bí cũng như trong những nghi lễ, quy định có phảng phất sắc thái Mật tông của thờ Mẫu.

Như đã biết, trước khi diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa, người Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ đã tạo dựng nên một nền văn minh nông nghiệp lúa nước riêng biệt. Nền văn minh ấy tạo cho con người nét cá tính thuần hậu, cởi mở, đa chiều, khẳng định vai trò của người phụ nữ và một hệ tín ngưỡng phản ánh tâm thức nông nghiệp cùng khát vọng giản dị về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chính vì vậy mà ngay buổi đầu tiếp cận, Phật giáo vốn có sự chấp nhận các thần linh được thờ phụng trong dân, đã nhanh chóng có được sự

phối trộn với tín ngưỡng bản địa của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Câu chuyện về Khâu Đà La và Man Nương trong Cổ Châu Phật Bản Hạnh vốn được coi như sự phản ánh sinh động sự gặp gỡ và kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong hòa bình của Phật giáo từ Ấn Độ với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa, cũng chính là minh chứng cho khuynh hướng hòa nhập của Mật tông. Kết quả của sự phối trộn này chính là sự ra đời của tín ngưỡng thờ Tứ pháp.

Ra đời từ vùng Dâu - Bắc Ninh và lan tỏa ra khắp đồng bằng Bắc bộ, tục thờ Tứ pháp như minh chứng cho sự hỗn dung giữa Đạo Phật và tín ngưỡng bản địa. Phật giáo đã nhanh chóng thu nạp các yếu tố có lợi cho mình trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa để làm nền tảng cho sự thâm nhập của mình. Từ tín ngưỡng thờ các nữ thần nông nghiệp, thờ các hiện tượng tự nhiên và tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước, khi tiếp thu đạo Phật của Ấn Độ, người Việt đã sáng tạo nên hình tượng Phật Mẫu Man Nương và một dòng Phật giáo dân gian thờ Tứ Pháp hết sức đặc sắc. Câu chuyện Man Nương và sự ra đời của hệ thống Tứ pháp mang đậm những nét huyền bí, màu nhiệm của Phật giáo Mật Tông, lại gắn chặt với tục cầu mưa, vốn là điểm gặp gỡ chung của cả Mật tông và hệ tín ngưỡng nông nghiệp của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Với sự tiếp nhận Phật giáo quyền năng, những vị nữ thần nông nghiệp (Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn) đã trở được khoác thêm lớp áo Phật, trở thành các Phật Bà (Tứ pháp) với những yếu tố cầu mong sự sinh sôi, nảy nở trong nền văn hóa nông nghiệp lúa nước vẫn còn đậm nét: Pháp Vân (Thần Mây), Pháp Vũ (Thần Mưa), Pháp Lôi (Thần Sấm), Pháp Điện (Thần Sét), được thờ ở bốn ngôi chùa, quy tụ quanh Phật Mẫu Man Nương... Phật Mẫu có thể xem như hình ảnh của người Mẹ khởi nguyên vốn xuất hiện rất sớm (Nữ Thần trông coi núi Ba Vì) rồi hỗn dung với Phật giáo mà ra đời hệ thống thờ Tứ Pháp và phát triển thêm một bước nữa trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sau này. Trước khi có sự thâm nhập của Phật giáo Mật tông, các vị Nữ thần này được thờ tại các đền miếu dân gian và được tôn vinh là các vị

thần nông nghiệp, nhưng cùng với sự có mặt và dân gian hóa của Phật giáo thì nơi thờ phụng các Bà trở thành chùa chiền, còn các Bà thì được coi như sự phân thân của đức Phật dưới hình thức các lực lượng tự nhiên.

Chùa Dâu (nơi thờ chính của Tứ pháp) xứ Kinh Bắc xưa kia là nơi thường tổ chức các lễ cầu mưa. Sau này, sử sách Việt Nam từ Lý - Trần - Lê đều chép rằng: mỗi khi đại hạn nhà Vua thuờng đi cầu mưa ở chùa Pháp Vân hay ruớc tuợng Pháp Vân (bà Dâu) từ xứ Kinh Bắc về kinh thành Thăng Long, đặt tuợng ở chùa Một Cột để làm lễ cầu đảo. Khi nào có mưa mới ruớc tuợng trở về xứ Kinh Bắc. Ngoài ra tượng Phật Tứ Pháp còn được tôn thờ ở nhiều ngôi chùa khác vùng châu thổ sông Hồng như: chùa Thứa thờ Pháp Vân, chùa Thanh Xá thờ Pháp Vũ (Mỹ Hào, Hải Dương); chùa Thứa thờ Phật Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh); chùa Ôn Xá thờ Phật Tứ Pháp (Văn Lâm, Hải Dương); chùa Nành thờ Bà Nành, tức Pháp Vân (Gia Lâm, Hà Nội); Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (Thường Tín, Hà Tây)... Trong các lễ hội chùa thờ Tứ Pháp vẫn duy trì lễ tục rước nước (cầu nước) của cư dân nông nghiệp: Cầu mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi và nhân khang vật thịnh.

Trong điện thần của các ngôi chùa Tứ pháp, cách bài trí các pho tượng Phật không giống với các ngôi chùa bình thường sau này. Tại đây, pho tượng được thờ ở vị trí trung tâm, chính điện không phải là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mà lại là tượng các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tượng các nữ thần được đặt ngồi trong khám và được làm to hơn cả. Chùa cũng có các tượng Phật Thích Ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều, chỉ đặt ở bên cạnh, phía ngoài, trước mặt các tượng Tứ pháp. Cách sắp đặt, bài trí tượng cho thấy ở buổi đầu du nhập này, Phật giáo đã có sự kết hợp hài hòa với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa của người Việt, cụ thể ở đây là với thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Và kết quả của sự kết hợp này là Phật giáo đã bước đầu xác lập niềm tin ở cộng đồng người Việt, đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Phật giáo trong quá trình hòa nhập với văn hóa dân tộc. Trong kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Mật tông. Với bối cảnh

của thời kỳ đầu mới du nhập Phật giáo, nếu là Thiền tông hay Tịnh độ tông chắc chắn không thể phù hợp như Mật tông. Mật tông vốn rất gần gũi với tín ngưỡng dân gian vốn mang nhiều tính phương thuật xuất phát từ sự ưa thích phù phép, màu nhiệm hơn là những giáo lý tư tưởng của người Việt. Do vậy, Phật giáo chỉ có thể lấy được niềm tin của người Việt nếu đáp ứng và chiều chuộng được nhu cầu được bảo vệ, che chở bằng phép màu của thần linh, mà cụ thể nhất ở đây là ước muốn nông nghiệp giản đơn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sự gắn kết chặt chẽ giữa Mật tông với tín ngưỡng thờ Mẫu (mà ở buổi đầu này là biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp) đã tạo ra cái chuỗi: Phật giáo - Tục thờ Nữ thần - Lễ cầu mưa cho mù màng rất phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ.

Nếu như Man Nương thể hiện cho sự giao thoa giữa Phật giáo Mật tông và tín ngưỡng thờ Nữ thần ở buổi đầu du nhập còn ít nhiều mang cái đơn sơ, giản tiện của tín ngưỡng nông nghiệp thì truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh lại là minh chứng cho sự giao thoa ấy ở giai đoạn muộn hơn (thế kỷ XVI), giai đoạn chế độ quân chủ phong kiến đạt đến đỉnh cao cũng là giai đoạn tư tưởng dân tộc mang nhiều nội dung phong phú, đa diện.

Giai đoạn này là thời kỳ phong kiến đạt đến đỉnh cao, cũng là giai đoạn thắng thế của Nho giáo. Đối với Phật giáo, sau bước phát triển thời Lý - Trần đã có ít nhiều trùng bước trước sự nổi trội và ưu thế bảo trợ từ nhà nước phong kiến với Nho giáo. Tất nhiên, không phải vì thế mà chân đứng của tôn giáo này không sâu và rộng nữa. Trái lại, Phật giáo thời kỳ này có sự hội nhập mạnh mẽ trở lại với tín ngưỡng dân gian, trong đó có thờ Mẫu. Lúc này, Mật tông lại chứng tỏ tính ưu việt trong việc giúp Phật giáo củng cố niềm tin với quần chúng, nhờ đó mà Phật giáo vẫn giữ được sự thịnh vượng trong thời kỳ nhiều biến động này.

Sự hội nhập của Phật giáo với thờ Mẫu ở giai đoạn này đặc trưng bởi huyền thoại Sòng Sơn đại chiến giữa Mẫu Liễu Hạnh và phái Nội Đạo Tràng. Trong cuộc giao tranh bất phân thắng bại này, phái Đạo Nội phải cầu tới Bát

Bộ Kim Cang mới thắng được Mẫu Liễu. Quan Âm Bồ Tát đã giải cứu cho Liễu Hạnh và bà đã quy y Phật pháp. Trong câu chuyện về Thánh Mẫu Liễu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của phật giáo và đạo giáo đến tín ngưỡng thờ mẫu ở đồng bằng bắc bộ (Trang 48 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)